Phòng trọ cuối hẻm - truyện ngắn của LÊ TRƯƠNG THÚY DIỄM

Minh họa: PV

Minh họa: PV

Ánh sáng yếu ớt trong từng bóng đèn đã tắt lịm, bao trùm lên con hẻm chật chội một màu xám xịt, u tối. Một ngày làm việc như mọi ngày khép lại, Hạnh trở về căn phòng nhỏ cuối con hẻm nằm cách đường lớn chừng 500 mét. Ấy vậy mà nhịp sống nơi Hạnh tá túc và đại lộ ngoài kia tách biệt nhau như hai thế giới.

Mấy tháng nay, khuya nào người ta cũng bắt gặp bóng dáng Hạnh lặng lẽ trở về trong bộ quần áo công nhân bạc màu, nửa khuôn mặt nấp sâu dưới chiếc nón lá lụp xụp. Chiếc xe đạp cà tàng của Hạnh thỉnh thoảng dừng lại bên đường như để nhặt nhạnh thứ gì mà khi tiếp tục lăn bánh người ta lại thấy một nụ cười hé nở.

Hạnh uể oải dắt chiếc xe cũ kỹ lỉnh kỉnh những mớ cà mên và vỏ chai nhựa va vào nhau leng keng nơi giỏ xe. Cu Xin đã vào lớp 1, thêm bao khoản tiền phải lo nên dạo gần đây sau cả ngày miệt mài với công việc tay chân nơi phân xưởng, Hạnh còn đạp xe rảo mấy đoạn đường quanh khu công nghiệp để nhặt ve chai kiếm thêm chút tiền.

- A! Mẹ về.

Đồng hồ đã mấp mé 10 giờ đêm, cu Xin vẫn cắm cúi ở bàn học. Phần để luyện chép chính tả cô giáo giao trên lớp, phần đợi mẹ về. Thấy Hạnh, cu cậu chạy đến ôm chầm lấy mẹ. Chỉ kịp gá tạm chiếc xe vào vách tường, hai mẹ con quấn quýt như mấy hôm rồi mới được gặp nhau.

- Hôm nay mẹ đi làm có mệt không? Để Xin lấy nước cho mẹ uống nhé!

Vừa nói cu cậu vừa nhẹ nhàng đưa những ngón tay bé xíu vén mấy sợi tóc lạc lõng trên vầng trán mẹ rồi tích tắc chạy đến bàn rót một ly nước mang đến bên mẹ. Hạnh đón nhận mà đôi mắt như ánh lên bao niềm hạnh phúc khó tả.

- Mẹ cảm ơn Xin. Mệt một chút, nhưng về nhà được nhìn thấy Xin tự dưng mẹ hết mệt rồi! Thế hôm nay Xin đi học có ngoan không?

Ngồi trong vòng tay mẹ, cu Xin thủ thỉ:

- Hôm nay Xin ngoan lắm mẹ ạ. Cô giáo khen chữ viết của con đã tiến bộ hơn nhiều. À, hôm nay bạn Mây còn chia đồ ăn cho con nữa đó mẹ, hôm nào mẹ mua bánh để Xin tặng lại bạn nhé!

- Xin ngoan là mẹ vui lắm rồi.

Hồi còn bé cu Xin có thói quen cầm mọi thứ bằng tay trái cộng với khoảng thời gian ít ỏi Hạnh dành để quan tâm đến việc học tập của con, nên đầu năm vào lớp 1 việc viết chữ như một nỗi khủng hoảng đầu đời đối với cu cậu. Ấy thế nhưng nhờ vào tình yêu thương con trẻ của cô giáo và lòng kiên nhẫn của hai cô trò, cu Xin đã từ từ quen dần với việc cầm bút bằng tay phải. Những nét chữ cũng theo đó mà tròn trịa và cứng cáp hơn.

Hạnh ôm con vào lòng mà nghe như cổ họng nghèn nghẹn. Những giọt lệ đựng trong đôi mắt chực chờ trào ra buồn buồn tủi tủi. Bàn tay thô ráp vuốt đều trên mái tóc ngây ngô con trẻ, Hạnh bùi ngùi đặt lên đó một nụ hôn.

- Mẹ xin lỗi Xin của mẹ!

- Sao mẹ lại xin lỗi. Mẹ lúc nào cũng thương Xin mà. Mẹ đừng khóc, Xin sẽ ngoan, sẽ luyện viết chữ thật đẹp để mẹ vui nha mẹ!

Cu Xin tròn xoe đôi mắt ngước nhìn Hạnh, cậu bé chẳng rõ lý do làm mẹ khóc. Xin sợ nhất khi thấy đôi mắt mẹ đỏ hoe. Như một người lớn, cu cậu vén vạt áo bé xíu lau đi giọt nước mắt lăn trên đôi má mẹ, vòng tay ôm lấy cổ rồi vuốt vuốt trên tấm lưng như an ủi mẹ mình.

* * *

Luôn phải tăng ca đến tối nên những bữa cơm chiều của Hạnh thường diễn ra ở nhà ăn công ty. Thấy thương hoàn cảnh hai mẹ con, những người hàng xóm đón con đi học về luôn cho cu Xin theo cùng. Hôm chú Tư cho bát cháo, hôm bà Sáu chủ trọ bới tô cơm, cũng có hôm cu Xin lủi thủi với chén cơm nguội mẹ nấu sẵn trước khi đi làm rồi như thói quen cu cậu ngồi vào bàn học. Ngày nào cũng vậy, mẹ Hạnh trở về nhà loay hoay giặt giũ, dẹp dọn rồi ngả lưng khi kim đồng hồ nhích dần đến 11 giờ.

Mấy hôm nay trở trời, chứng viêm mũi dị ứng có dấu hiệu tái phát làm Hạnh khó ngủ. Gác tay lên trán, lặng nghe tiếng con mọt gỗ thê lương khoét đục đâu đó nơi trần nhà, tự dưng những ngày tháng xa xôi như cuốn phim ùa về. Mới đó mà đã tròn một năm mẹ con Hạnh trở thành công dân của hẻm trọ thân thương này.

Nhà Hạnh ở một làng quê nhỏ nơi miền Trung xa lắc. Bán sức lao động để chạy chữa cho mẹ già đêm ngày chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo khó bề đầy đủ, Hạnh đành bán dần bán mòn bất cứ thứ gì đổi được bằng tiền những mong chạy ăn thêm từng bữa. Ngày Hạnh quyết định bán luôn đồ vật cuối cùng là cái bàn thờ cũng là ngày mẹ già trút hơi thở cuối cùng sau ba tháng đớn đau đợi ngày nhắm mắt. Đắn đo bao ngày sau hậu sự, Hạnh quyết định rời quê, khăn gói vào miền Nam kiếm tìm cuộc sống mới.

Nhớ lại buổi chiều hôm ấy, bầu trời mịt mù, cuồn cuộn những áng mây đen, mưa rát rạt như trút nước át cả tiếng còi xe rít lên điên cuồng. Người người hối hả ngược xuôi quay về nhà để chạy trốn cơn mưa. Mờ nhòe trong từng giọt trời ào ạt, hai bóng hình liêu xiêu cuộn vào nhau dưới mái che nhỏ xíu đã rách một phần của căn nhà bỏ hoang gần khu công nghiệp. Đứa bé úp đầu vào ngực mẹ, còn người mẹ ôm chặt con mình mặc gió mưa từng cơn dữ dội.

- Này! Này cô gì ơi, sang đây ngồi tạnh mưa rồi hẵng đi. Ở đó gió mạnh nhỡ sập tường bây giờ.

Tiếng được tiếng mất phát ra từ bà chủ quán cơm bình dân ọp ẹp bên kia đường. Đoán chắc Hạnh chẳng nghe được nên bà quày quả bung chiếc dù băng qua.

- Hai mẹ con sang bên kia ngồi, ở đây nguy hiểm lắm! Bà chủ quán cố nói thật to nhưng vẫn không thắng nổi tiếng đổ rào rào trên mái tôn.

- Dạ, em đứng ở đây một chút cũng được.

Bà chủ quán chỉ tay lên chỗ dột nát của bức tường, màu rêu mốc ám dày đặc trên từng phiến ngói. Tưởng chừng chỉ cần chạm nhẹ một chút là những viên gạch rụng rơi.

- Nhà này sắp sập rồi, bộ muốn chết hả?

Tiếng quát của bà chủ quán khiến đứa nhỏ trên tay Hạnh hoảng sợ. Nó lén giương đôi mắt nhìn người đàn bà lạ mặt rồi trở lại ôm mẹ chặt hơn. Thấy bà chủ quán có vẻ bực mình cùng với lòng đương thoáng chút lo lắng, Hạnh nửa tin nửa sợ nhưng vẫn quyết định theo bóng chiếc dù sang lề đường bên kia. Vậy là trong góc nhỏ giữa quán cơm lụp xụp, người ta thấy một đứa bé mặt mũi đen nhẻm, co ro trong lòng người phụ nữ gầy gò, khắc khổ.

- Hai mẹ con ăn một chút đi.

Đặt đĩa cơm trên bàn, bà chủ quán kéo chiếc ghế nhựa ngồi xuống bên cạnh hai mẹ con. Thằng bé tròn xoe đôi mắt, khi lần đầu tiên nhìn thấy miếng sườn thơm nức.

- Cảm ơn chị nhưng…

Bà chủ quán vừa vỗ nhẹ lên vai Hạnh vừa mỉm cười, cái giọng nằng nặng ban nãy đã biến đâu mất, thay bằng một lời nói ấm áp.

- Tôi không tính tiền đâu, hai mẹ con ăn đi. Thằng bé hình như đói lắm rồi!

Hạnh ngậm ngùi giấu đi giọt nước mắt, chị e dè cầm lấy đôi tay bà chủ quán, lí nhí cảm ơn. Đĩa cơm chiều hôm ấy chẳng nhiều cũng chẳng cao sang so với bao người nhưng với mẹ con Hạnh đó là bữa cơm đủ đầy và nhiều món ngon nhất. Chính từ bữa cơm ấy, bao câu chuyện trong hoàn cảnh của Hạnh được phơi bày. Nhờ sự cảm thương của bà chủ quán, căn phòng trọ cũ kỹ cuối cùng của dãy trọ được lấp đầy bằng người phụ nữ tuổi chỉ ngoài 30 nhưng đầy lam lũ.

* * *

Cơn hắt hơi liên tục chen ngang dòng ký ức làm Hạnh ngồi bật dậy. Với lấy chai dầu gió trên bàn, Hạnh thoa đều hai bên thái dương, lên cổ rồi để miệng chai trước mũi hít một hơi thật sâu. Hạnh nhớ từ hồi bé, mỗi lần bị bệnh má thường làm như vậy. Cu Xin vẫn đang chăm chú bên bàn học. Hình như cu cậu đang cố gắng hoàn thiện cho xong một nhiệm vụ rồi mới đi ngủ.

- Cu Xin, trễ rồi đi ngủ thôi con!

- Dạ, mẹ cho con 5 phút nữa thôi!

Nói rồi cu Xin mang đến bên Hạnh những bức ảnh chân dung nhiều màu sắc.

- Mẹ thấy Xin vẽ có đẹp không? Cu Xin vừa hỏi, đôi mắt long lanh vừa nhìn Hạnh đợi chờ.

- Trời ơi! Sao con không tập trung chép bài mà vẽ vời lung tung thế hả Xin?

- Không phải vậy đâu mà mẹ. Xin chép xong bài cô giáo giao cho rồi mới dám vẽ mà mẹ! Cu Xin mếu máo phân trần.

- Vậy con nói cho mẹ nghe con vẽ toàn những hình người thế này để làm gì? Cơn sổ mũi làm Hạnh càng thêm khó chịu.

- Bức ảnh này con vẽ tặng mẹ, đây là mẹ dẫn Xin đi chơi và ba đang ở nơi xa nhưng vẫn nhìn thấy hai mẹ con mình đó mẹ. Còn đây là cô giáo, cô lúc nào cũng hiền lành và xinh đẹp nhưng con thích nhất là khi cô mặc chiếc áo dài màu tím có đính những hạt kim sa lấp lánh. Xin muốn tặng cô giáo bức ảnh này để làm kỷ niệm được không mẹ?

Nghe ý định ngây ngô của con trẻ, Hạnh như tự trách mình khi đã vội vàng mắng cu Xin mà chưa rõ đầu đuôi câu chuyện.

- Tất nhiên là được rồi, mẹ tin rằng cô giáo sẽ rất vui! Thế còn những bức ảnh còn lại, Xin dành tặng cho ai?

- Xin sẽ tặng cho cô Thụy bán cơm, bà Sáu, chú Tư và các cô, chú trong cả con hẻm của mình. Mặc dù mọi người không dạy Xin nhiều thứ như mẹ, không chỉ Xin biết viết chữ như cô giáo nhưng lúc nào cũng yêu thương, giúp đỡ cho mẹ con mình nên Xin rất biết ơn bà Sáu và các cô chú mẹ ạ!

Những lời nói trong trẻo nhưng chứa đầy tình cảm của cậu con trai khiến Hạnh không khỏi ngỡ ngàng, xúc động. Hai mẹ con lại ôm chầm lấy nhau giữa căn phòng nhỏ xập xệ. Cơn sổ mũi khó chịu đã biến mất tăm như chưa từng xuất hiện. Trên trần nhà, tiếng mọt gỗ vẫn réo rắt nhưng Hạnh nghe như tiếng của niềm hạnh phúc vang vọng trong lòng.

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/324339/phong-tro-cuoi-hem-truyen-ngan-cua-le-truong-thuy-diem.html
Zalo