Phong trào thi đua 'Dân vận khéo' ở Yên Châu
Thực hiện phong trào thi đua 'Dân vận khéo', huyện Yên Châu đã đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng các mô hình phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương, tạo lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị vững mạnh.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong huyện đã đăng ký xây dựng mô hình “Dân vận khéo” gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và các phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực. Đến nay, toàn huyện xây dựng, duy trì 119 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”; trong đó, 44 mô hình về lĩnh vực kinh tế; 43 mô hình văn hóa, xã hội; 15 mô hình về quốc phòng, an ninh và 17 mô hình về xây dựng hệ thống chính trị.
Đồng chí Trương Đức Quang, Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Yên Châu, cho biết: Nhiều cấp ủy cơ sở, chỉ đạo đăng ký các mô hình bám sát các nội dung phong trào, đổi mới phương pháp vận động quần chúng, kịp thời động viên, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong thi đua sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng; xây dựng bản, tiểu khu văn hóa; giải quyết nhiều vấn đề ở cơ sở. Lựa chọn mô hình hiệu quả để nâng cao chất lượng và nhân rộng.
Chi bộ bản Văng Lùng, xã Chiềng Hặc xây dựng mô hình “Phát triển rừng bằng hình thức trồng cây ăn quả trên đất dốc, gắn với cải tạo vườn tạp”. Mô hình được xây dựng, xuất phát từ thực trạng suy giảm diện tích rừng và sự gia tăng diện tích đất trống, đồi núi trọc do nhân dân khai thác nương rẫy quá mức, nguồn nước sản xuất cạn kiệt, đất khô cằn.
Ông Hà Văn Hải, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Văng Lùng, cho biết: Chi bộ giao nhiệm vụ cho các đảng viên đi đầu thực hiện mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc, để nhân dân học tập và làm theo. Trong đó, đưa giống cây trồng mới có năng suất và giá trị kinh tế cao, như xoài tượng da xanh, xoài Úc, nhãn Miền Thiết, Hương Chi... gắn với áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Đến nay, toàn bản trồng trên 135ha cây ăn quả trên đất dốc; sản lượng hằng năm đạt 4.000 tấn. Đặc biệt, sản phẩm xoài tượng da xanh của bản chính thức được cấp mã vùng trồng xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho nhân dân từ 90-350 triệu đồng/năm.
Sau hai năm triển khai, mô hình ở bản Văng Lùng đã có tác động tích cực đối với môi trường và khí hậu, một số khe, mó nước của bản đã có nước trở lại, tuy chưa ổn định như trước nhưng đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tưới tiêu phục vụ sản xuất. Năm 2023, mô hình được cấp có thẩm quyền đánh giá, công nhận là mô hình “Dân vận khéo” cấp tỉnh.
Chị Hà Thị Chình, bản Văng Lùng, nói: Được sự vận động của cán bộ, đảng viên, năm 2015, gia đình tôi đầu tư trồng 3 ha xoài, nhãn, bưởi da xanh... Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, mỗi năm thu hoạch 25 tấn quả. Ngoài ra, còn đào ao thả cá, tích nước tưới cây. Thu nhập của gia đình trên 300 triệu đồng.
Tại xã Sặp Vạt, cấp ủy, chính quyền xã đã lựa chọn xây dựng mô hình “Dân vận khéo” về tuyên truyền, vận động nhân dân tán thành chủ trương thực hiện Đề án “Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025”.
Ông Trần Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Sặp Vạt, cho biết: Theo đề án, xã có 5 bản sáp nhập vào thị trấn Yên Châu. Tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện, xã thành lập các tổ công tác; tổ chức các cuộc tuyên truyền để người dân hiểu về ý nghĩa, mục đích của chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính; việc tổ chức lấy ý kiến cử tri tiến hành bài bản, hiệu quả; nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương của Đảng và Nhà nước, tỷ lệ cử tri đồng tình ủng hộ đạt 94,3%.
Ông Lò Văn Húm, bản Nghè, xã Sặt Vạt, phấn khởi: Địa phương đã tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ, hiểu đúng, đồng tình về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, để mở rộng thị trấn. Tin tưởng sau khi sáp nhập, địa phương có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.
Cùng với đẩy mạnh thi đua phát triển kinh tế - xã hội, phong trào “Dân vận khéo” còn lan tỏa trong thực hiện các lĩnh vực văn hóa, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Nổi bật là các mô hình: Câu lạc bộ văn hóa Thái của Chi hội phụ nữ bản Đán, xã Chiềng Sàng; xây dựng nhóm liên gia tự quản của Chi bộ bản Kim Chung 1, xã Phiêng Khoài...
Lựa chọn xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” phù hợp đã phát huy vai trò tích cực của hệ thống chính trị ở Yên Châu và nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.