Phòng tránh sâu bệnh trên cây dừa
Nước ta có khoảng 200.000ha dừa, sản lượng ước đạt 2 triệu tấn/năm. Cây dừa đã trở thành sinh kế cho hàng trăm nghìn nông hộ. Những năm gần đây, người trồng dừa phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là tình trạng sâu bệnh gây hại.

Nhiều vườn dừa ở xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang bị sâu đầu đen gây thiệt hại nặng. (Ảnh: Báo Nhân Dân)
Tính đến hết năm 2024, các tỉnh phía nam đã có 12.539ha dừa bị bọ cánh cứng tấn công, hơn 1.200ha dừa bị nhiễm sâu đầu đen.
Thiệt hại nghiêm trọng
Bến Tre là địa phương sở hữu diện tích vườn dừa lớn nhất cả nước với khoảng 80.000 ha, sản lượng khoảng 705 triệu trái/năm. Hiện nay, Bến Tre đang đối mặt với khoảng 600 ha bị nhiễm sâu đầu đen và hàng nghìn héc-ta dừa bị nhiễm bọ cánh cứng.
Bọ cánh cứng hại dừa (gọi tắt là bọ cánh cứng) được phát hiện lần đầu ở nước ta vào tháng 4 năm 1999, sau đó lây lan rất nhanh và trở thành dịch hại. Bọ cánh cứng tấn công lá non làm cho cây không phát triển, không cho trái, gây thất thu năng suất. Các tỉnh phía nam và duyên hải miền trung là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trước những tác hại của bọ cánh cứng gây ra, ngày 30/7/2002, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã ra Quyết định số 2040/BNN-BVTV mở đợt ra quân phòng trị bọ cánh cứng bằng thuốc hóa học. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau phun thuốc bọ cánh cứng lại tái nhiễm. Bên cạnh đó, việc phun thuốc hóa học thường xuyên cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và môi trường sinh thái.
Cùng với bọ cánh cứng, sâu đầu đen cũng gây ảnh hưởng nặng nề đến cây dừa. Sâu đầu đen được phát hiện đầu tiên tại huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre) vào tháng 7/2020 với diện tích nhiễm 2,4ha. Đến nay, đã lan ra sáu tỉnh phía nam gồm: Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long và Kiên Giang với diện tích nhiễm khoảng 1.200ha.
Sâu đầu đen gây hại bằng cách cạp biểu bì ở mặt dưới lá, nhả tơ kết dính phân để tạo thành các đường hầm làm nơi ẩn náu, di chuyển đến đâu thì tạo đường hầm đến đó tiếp tục gây hại. Sâu đầu đen gây hại từ các lá già bên dưới sau đó di chuyển dần lên các tàu lá bên trên. Khi mật độ cao chúng có thể tấn công sang cả quả, cạp lớp vỏ bên ngoài của quả gây thiệt hại về năng suất, chất lượng.
Thời điểm cuối năm 2024, Bến Tre là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 600ha dừa bị nhiễm. Trong đó, diện tích nhiễm nhẹ hơn 300ha (tỷ lệ hại 10-20%), nhiễm trung bình khoảng 180ha và nhiễm nặng khoảng 140ha. Các địa phương trồng dừa trong tỉnh đều bị sâu đầu đen gây hại, nhiều nhất là huyện Mỏ Cày Nam, Ba Tri, Thạnh Phú…
Mặc dù các nhà vườn đã sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, nhưng sâu vẫn tiếp tục lây lan nhanh. Chỉ sau vài tháng nhiều vườn dừa trở nên xơ xác, lá khô héo, trái non rụng, gây sụt giảm mạnh đến năng suất thậm chí mất trắng, không thể phục hồi.
Tỉnh Tiền Giang có 22.400ha dừa đến đầu tháng 10/2024, diện tích nhiễm sâu đầu đen khoảng 279ha; trong đó, huyện Chợ Gạo bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 245ha. Mức độ nhiễm nhẹ tỷ lệ từ 10-20% là 115ha; mức độ trung bình 20-40% là 70ha; mức độ nặng là 85ha.
Chủ tịch UBND xã Xuân Đông (huyện Chợ Gạo) Nguyễn Văn Mười cho biết, xã có 668ha dừa. Tháng 4/2024 là thời điểm bùng phát sâu đầu đen hại dừa khi có tới 220ha bị nhiễm sâu. Mặc dù người dân đã phun thuốc bảo vệ thực vật, nhưng rất khó để khống chế sâu bệnh, nhiều diện tích dừa mất trắng.
Hiệu quả cao từ giải pháp sinh học
Từ năm 2003, Việt Nam đã ký kết với tổ chức FAO dự án phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa bằng biện pháp sinh học thông qua việc nhập ong ký sinh Asecodes hispinarum.
Từ năm 2003-2006, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía nam đã phối hợp với Trường đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu và triển khai phóng thích ong ký sinh. Biện pháp này đã mang lại hiệu quả cao. Sau đó, ngành nông nghiệp nhân nuôi thêm loài ong ký sinh nhộng Tetrastichus brontispae và bọ đuôi kìm, đem lại hiệu quả cao.
Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía nam Huỳnh Thị Ngọc Diễm cho biết: “Chúng tôi áp dụng thả ong ký sinh với mật độ 100 mum-my/ha. Đối với bọ đuôi kìm thả với mật độ 1.000-1.500 con/ha. Ong ký sinh sẽ tìm vật chủ là ấu trùng và nhộng của bọ cánh cứng để ký sinh, sau đó đẻ trứng vào bên trong cơ thể vật chủ làm cho vật chủ không sống và gây hại được. Còn bọ đuôi kìm là loài bắt mồi ăn thịt, chúng sẽ tấn công bọ cánh cứng để ăn. Sau 4-6 tháng triển khai, cây dừa đã phục hồi, các tàu lá mới không còn triệu chứng gây hại của loại bọ này. Nhờ vậy, đã hạn chế một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật hóa học, giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận, bảo vệ sức khỏe con người, môi trường và chất lượng nông sản”.
Để kiểm soát sâu đầu đen, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía nam cũng nhân nuôi hai loài ong ký sinh là Bracon hebetor và Trichopilus pupivorus. Tháng 1/2023, đơn vị này phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Sóc Trăng thử nghiệm phóng thích ong ký sinh tại những vườn dừa nhiễm sâu đầu đen. Kết quả sau chín tháng cho thấy, ong ký sinh đã kiểm soát tốt dịch hại sâu đầu đen, vườn dừa phục hồi và cho trái bình thường trở lại.
Ông Nguyễn Văn Mười cho biết, qua thực tế của lần bùng phát này chúng tôi thấy, biện pháp hiệu quả nhất trong diệt sâu bệnh, sâu đầu đen vẫn là đấu tranh sinh học.
Bà Huỳnh Thị Ngọc Diễm cho biết, việc nhân rộng sử dụng ong ký sinh còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực chuyên trách, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến khả năng tồn tại của ong trong tự nhiên, và kinh phí duy trì hạn chế. Bên cạnh đó, một bộ phận nông dân vẫn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, làm ảnh hưởng đến nguồn ong ký sinh tự nhiên.
Trung tâm Bảo vệ thực vật phía nam kiến nghị, các địa phương cần xây dựng kế hoạch như kinh phí, nhân lực để thực hiện nhân-thả hằng năm nhằm duy trì nguồn thiên địch trên các vườn dừa để kiểm soát bọ cánh cứng hại dừa, sâu đầu đen. Đồng thời, khuyến cáo nông dân không phun thuốc bảo vệ thực vật tránh tiêu diệt thiên địch.