Phòng tránh cúm A đối với phụ nữ mang thai

Theo ghi nhận tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội từ sau Tết Nguyên đán đến nay, số ca mắc cúm A đến khám và điều trị tăng mạnh. Trong thời điểm bệnh cúm A đang bùng phát, các bà bầu vô cùng lo lắng việc mắc cúm sẽ ảnh hưởng đến thai nhi.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, tiêm phòng cúm khi mang thai là an toàn. Ảnh: Vinmec.com

Nhiều nghiên cứu cho thấy, tiêm phòng cúm khi mang thai là an toàn. Ảnh: Vinmec.com

Bị cúm A ảnh hưởng ra sao đến thai nhi?

Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, do virus gây ra. Virus cúm có 4 chủng chính: A, B, C và D. Cúm A và B thường gặp ở người, cúm C gây bệnh nhẹ và thường không có triệu chứng, cúm D ảnh hưởng chủ yếu đến gia súc và không gây bệnh ở người. Thông thường, ở thể nhẹ, cúm mùa có thể tự khỏi sau 5 - 7 ngày.

Tuy nhiên, bệnh có thể diễn biến nặng gây ra viêm phổi, suy hô hấp, viêm cơ tim, suy đa tạng, hoặc nhiễm trùng huyết dẫn đến tử vong. Đặc biệt, các bệnh cúm mùa, trong đó có cúm A rất nguy hiểm đối với người có hệ miễn dịch yếu, nhất là nhóm đối tượng có nguy cơ cao như trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người già trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai...

Theo thông tin của Bộ Y tế, từ đầu năm 2025 đến nay, số ca mắc cúm trong cả nước tăng nhanh nhưng không có ca tử vong. Các ca mắc cúm hiện tại ghi nhận không có sự thay đổi về độc lực, chủ yếu vẫn là cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B. Tuy nhiên, tại một số bệnh viện đã ghi nhận nhiều ca trở nặng phải thở ECMO.

PGS.TS Trần Văn Giang, Chuyên khoa Truyền nhiễm, Phó Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), Phó Trưởng bộ môn Truyền nhiễm (Đại học Y Hà Nội) cho biết: Một số trường hợp thai phụ nhiễm cúm A có triệu chứng sốt, tim thai đập nhanh nên cần có chỉ định nhập viện để tránh biến chứng về thai như động thai, suy tim thai, thai lưu... Đồng thời, thai phụ cần được tiêm phòng vắc xin cúm, nếu trước khi mang thai chưa tiêm.

Cơ thể phụ nữ khi mang thai có sự thay đổi về nội tiết, nhu cầu oxy lớn hơn bình thường trong khi hệ miễn dịch yếu đi nên rất dễ mắc các bệnh lý hô hấp như cúm mùa. Trong thai kỳ, tim và phổi của thai phụ phải làm việc nhiều hơn để cung cấp máu và oxy cho cả hai mẹ con. Hơn nữa, phổi phải hoạt động trong một không gian hẹp hơn do áp lực từ thai nhi đang phát triển lớn dần trong bụng. Tất cả những điều này có thể gây áp lực lên cơ thể thai phụ, khiến thai phụ dễ nhiễm virus hơn, bao gồm các bệnh cúm mùa, cúm A...

Chủ động phòng tránh cúm A

Khi mắc cúm A người bệnh thường xuất hiện triệu chứng đau đầu, sốt, ớn lạnh, ho, đau họng, đau nhức cơ khớp, mệt mỏi... Các triệu chứng không đặc hiệu có thể khiến người dân nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường. Thông thường trong điều trị cúm, bệnh nhân sẽ hết sốt trong vòng 24 - 48 giờ. Tuy nhiên với những đối tượng như phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người cao tuổi... nếu sau thời gian này vẫn không cắt sốt hoặc xuất hiện các triệu chứng như khó thở, tức ngực, viêm phổi thì cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Việc chụp X-quang hay làm các xét nghiệm, dùng thuốc điều trị cúm A cũng khiến nhiều bà bầu lo lắng có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Trên thực tế, trong quá trình thăm khám, đối với những đối tượng có hệ miễn dịch yếu như phụ nữ mang thai, các bác sĩ sẽ khai thác kỹ tiền sử của bệnh nhân. Đặc biệt những đối tượng này có chỉ định chụp X-quang phổi là rất khó khăn, nên việc khai thác kỹ tiền sử và khám kỹ những triệu chứng của bệnh nhân giúp điều trị kịp thời cho người bệnh.

Đối với phụ nữ mang thai, bác sĩ sẽ dùng các loại thuốc phù hợp để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và thai nhi. Bởi nhiều loại thuốc trị cúm có thể dùng cho người bình thường nhưng nếu mẹ bầu sử dụng có thể dẫn đến sảy thai, nhiễm độc thai nghén, dị tật thai nhi.

Trước tình trạng số ca mắc cúm A gia tăng, các bà bầu nên chủ động phòng ngừa bằng việc áp dụng các biện pháp dễ dàng như sau: Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh nghi nhiễm cúm; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, hoặc dùng dung dịch sát khuẩn, nhất là sau khi ho hoặc hắt hơi... Với thời tiết trở lạnh như hiện tại, phụ nữ mang thai chú ý giữ ấm cơ thể; duy trì lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng cân đối, ngủ đủ giấc và tránh stress có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc cúm...

Tiêm ngừa vắc xin là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh cúm A. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tiêm vắc xin cúm trong thời kỳ mang thai là an toàn. Khi đã mắc cúm A, các sản phụ tuyệt đối không được tự ý mua, sử dụng thuốc điều trị cúm tại nhà và chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

Bảo Ngọc

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/phong-tranh-cum-a-doi-voi-phu-nu-mang-thai-693992.html
Zalo