Phong tặng danh hiệu nghệ nhân làng nghề cho 151 người có tay nghề tinh hoa
Cả nước hiện có gần 1.400 nghệ nhân làng nghệ, được coi là những 'báu vật' nhân văn sống, bởi họ sáng tạo những sản phẩm tinh hoa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong các sản phẩm của làng nghề. Trong đó, nhiều gia đình, dòng tộc có nhiều nghệ nhân với nhiều thế hệ, đang gìn giữ và truyền dạy nghề cho cộng đồng, xứngt đáng được vinh danh 'Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam'…

Lễ vinh danh nghệ nhân và danh hiệu làng nghề Việt Nam. Ảnh: Chu Khôi.
Ngày 18/4/2025 tại Hà Nội, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức Lễ phong tặng nghệ nhân và các danh hiệu làng nghề Việt Nam lần thứ 11. Đây là hoạt động định kỳ của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức 2 năm một lần.
NHỮNG "BÁU VẬT" NHÂN VĂN SỐNG
Phát biểu khai mạc Lễ phong tặng Nghệ nhân và các Danh hiệu Làng nghề Việt Nam, ông Trịnh Quốc Đạt, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, nhận định nghệ nhân là "báu vật" nhân văn sống, là tinh hoa của làng nghề, là lực lượng quan trọng để sáng tạo những sản phẩm tinh hoa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong các sản phẩm, thúc đẩy sản xuất góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề.
Ông Đạt cho biết từ năm 2007 đến nay, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã tổ chức 11 lần Lễ phong tặng 1.245 Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam, 84 thợ giỏi. Cùng với đó, đã phong tặng 128 Bảng vàng gia tộc cho những gia đình, dòng họ có 3 đời trở lên kế tục làm nghề, 73 đơn vị kinh tế tiêu biểu, 12 bảo vật tinh hoa Làng nghề, 100 sản phẩm tinh hoa.
“Các đơn vị và các Nghệ nhân được phong tặng đã luôn dẫn đầu trong các hoạt động sản xuất, lao động sáng tạo trong các hộ sản xuất, các doanh nghiệp đóng góp tích cực phát triển sản xuất làng nghề cả nước. Nhiều Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam được Hiệp hội phong tặng trong các lần từ 2007 đã phấn đấu đạt Danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong các lần phong tặng của Nhà nước từ lần đầu tiên 2010 đến các lần sau này”, ông Đạt khẳng định.
Theo ông Đạt, hiện nay đất nước ta đã đủ thế và lực để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, cùng với sự chuyển mình phát triển của đất nước, làng nghề Việt Nam đang có nhiều thời cơ thuận lợi để phát triển bền vững. Các làng nghề đang thực hiện Quyết định 801/QĐ-TTg ngày 7/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030” và thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam” trong đó ngành Thủ công Mỹ nghệ là ngành mũi nhọn.

Trao tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề. Ảnh: Chu Khôi.
Tuy nhiên, làng nghề Việt Nam cũng đang đứng trước những khó khăn và thử thách mới, đó là sự cạnh tranh khốc liệt của sản phẩm làng nghề về mẫu mã, về chất lượng, về giá cả sản phẩm trong nền kinh tế hội nhập, nhất là sự siết chặt về tiêu chuẩn hàng hóa, chính sách thuế quan của các nước nhập khẩu lớn, nhưng nhất định chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, làng nghề Việt Nam sẽ luôn được bảo tồn nghề truyền thống tinh hoa và phát triển bền vững.
Các lần phong tặng của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đều mang đậm ý nghĩa tôn vinh tinh hoa nghề truyền thống, tôn vinh và khuyến khích lao động sáng tạo và những đóng góp của Nghệ nhân trong việc bảo tồn, phát triển nghề truyền thống Việt Nam.

Các nghệ nhân làng nghề vừa được vinh danh. Ảnh: Chu Khôi.
“Những gia tộc được phong tặng Bảng vàng gia tộc, những Nghệ nhân được phong tăng Nghệ nhân Làng nghề hôm nay có vinh dự lớn bởi truyền thống làm nghề lâu đời của gia đình, lao động sáng tạo, kỹ năng nghề nghiệp điêu luyện của Nghệ Nhân đã được tổ chức nghề nghiệp ghi nhận, đồng thời Nghệ nhân Làng nghề hôm nay càng phải cố gắng trong lao động sản xuất, sáng tạo nâng cao kỹ năng nghề và đào tạo truyền nghề cho thế hệ mai sau”, ông Đạt nhấn mạnh.
151 NGHỆ NHÂN VÀ 3 GIA TỘC ĐƯỢC VINH DANH
Tại buổi lễ, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã trao tặng danh hiệu cho 151 “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam” và 3 “Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam” thuộc các ngành nghề và làng nghề đến từ 30 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Mỗi nghệ nhân là một báu vật nhân văn sống.
Trong đó, 3 gia tộc được phong bảng vàng, gồm: Gia tộc Lương Ngọc (tổ 5 khu 1A, phường Cao Thắng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) với nghề nhiếp ảnh; gia tộc Nguyễn Ngọc (số 137 phố Tôn Đức Thắng, phường Thổ Quan, quận Đống Đa, Hà Nội) với nghề may mặc; gia tộc Nguyễn Đình (số 75 đường Giải Phóng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) với nghề ẩm thực truyền thống và hiện đại.
Các nghệ nhân được phong tặng dựa trên tiêu chuẩn: Là thợ giỏi, nắm giữ bí quyết nghề, có trình độ kỹ năng, kỹ xảo cao, trực tiếp tạo mẫu, thiết kế sản phẩm, có ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường; có thành tích đóng góp trong việc giữ gìn, truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ; có tác phẩm đã đạt giải trong nước hoặc quốc tế; có tư cách và đạo đức nghề nghiệp; tham gia xây dựng Hiệp hội ngày càng lớn mạnh...

Trao tặng danh hiệu cho các nghệ nhân làng nghề.
Đối với “Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam” là gia đình, dòng tộc sinh ra và lớn lên tại các làng nghề, phố nghề truyền thống, được truyền nghề trong 3 thế hệ trở lên, nắm vững bí quyết nghề, có trình độ, kỹ năng, kỹ xảo, thiết kế sản phẩm có hàm lượng văn hóa cao; đang gìn giữ và truyền dạy nghề cho các thế hệ trẻ trong dòng họ và cộng đồng theo phương thức kết hợp giữa công nghệ truyền thống và công nghệ hiện đại; có sản phẩm, tác phẩm đạt giải tại các cuộc thi, hội chợ, triển lãm; đạt giải trong và ngoài nước, thân thiện với môi trường; hoạt động sản xuất, kinh doanh luôn ổn định, có hiệu quả thiết thực cho gia đình và cộng đồng...