Phòng ngừa, xử lý lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng

Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn còn diễn biến phức tạp, có chiều hướng tăng cao, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.

Năm 2024, ghi nhận 78 vụ tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; trong đó, có 56 vụ liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, tài sản thiệt hại trên 65 tỷ đồng. Hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với các thủ đoạn như: Thực hiện các công việc trên mạng hưởng tiền hoa hồng; tham gia đầu tư vào các sàn chứng khoán, app ảo, tiền ảo, tiền điện tử; mua bán online, chuyển tiền không giao hàng; lừa đảo trúng thưởng, nộp tiền phí hoặc mua đơn hàng để nhận thưởng; giả danh cơ quan tư pháp; giả danh nhân viên cơ quan hướng dẫn chuẩn hóa thông tin cá nhân VNeID; giả danh công ty tài chính, ngân hàng cho vay tiền, sau đó yêu cầu chuyển tiền để làm thủ tục cho vay; lừa đảo du lịch, du học, xuất khẩu lao động; tuyển cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử; tuyển người mẫu nhí sau đó lôi kéo làm nhiệm vụ online; chiếm quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội hoặc tạo tài khoản mạng xã hội, sau đó giả mạo người thân, người quen nhắn tin, gọi điện yêu cầu chuyển tiền.

Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do: Công tác tuyên truyền, phổ biến về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội và phòng ngừa các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa sâu rộng, người dân chưa tiếp cận kịp thời, chính xác thông tin. Công tác tuyên truyền, phổ biến về phương thức, thủ đoạn, hậu quả của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hiệu quả chưa cao, chưa phù hợp với sự thay đổi về phương thức, thủ đoạn hoạt động mới. Một bộ phận người dân có tâm lý hám lợi, ý thức tự bảo vệ tài sản, bảo mật thông tin cá nhân chưa cao. Công tác chỉ đạo phòng ngừa, xử lý các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản có lúc, có nơi chưa thật sự quyết liệt. Một số quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng, viễn thông, bảo mật thông tin khách hàng còn bộc lộ hạn chế, thiếu sót, chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao để hoạt động với máy chủ và các đối tượng điều hành, quản lý ở nước ngoài; trao đổi, liên lạc qua các ứng dụng OTT bảo mật, tự xóa thông tin; sử dụng, thay đổi nhiều thiết bị khác nhau để hoạt động phạm tội gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong phát hiện, đấu tranh, xử lý.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng; đồng thời, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Công điện 139/CĐ-TTg, ngày 23-12-2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang chỉ đạo:

1. Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành, thị và đề nghị các ban Đảng thuộc Tỉnh ủy, đoàn thể tỉnh, cơ quan Trung ương đóng địa bàn tỉnh

a) Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả hơn nữa Kết luận 13-KL/TW ngày 16-8-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Chỉ thị 21/CT-TTg ngày 25-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Kế hoạch 129/KH-UBND ngày 19-8-2024 của UBND tỉnh về tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên không gian mạng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia tích cực, thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật nói chung và phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng nói riêng.

b) Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật và chế tài xử lý đối với tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuyên truyền, thông báo về hành vi, thủ đoạn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng, gắn với các vụ việc, vụ án cụ thể mang tính điển hình để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức tự phòng ngừa, bảo vệ tài sản và tham gia tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật.

c) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự. Xác định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng.

Rà soát, tham mưu đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước liên quan đến phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng.

2. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương

a) Tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" tỉnh chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành, thị tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng.

Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, chính quyền địa phương làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, tiếp tục đổi mới nội dung, biện pháp xây dựng, phát triển phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", gắn với phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng nói riêng.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến phương thức, thủ đoạn, hậu quả do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ra và các quy định của pháp luật có liên quan để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, doanh nghiệp.

b) Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Tiền Giang, Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng mô hình phối hợp liên ngành để xử lý nhanh, kịp thời các vụ, việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng. Xây dựng Cơ sở dữ liệu về tài khoản thanh toán, ví điện tử có nghi vấn liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật để kịp thời cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn, thu hồi tài sản (khi Bộ Công an triển khai).

c) Chỉ đạo các đơn vị, Công an địa phương nâng cao chất lượng công tác phòng ngừa tội phạm, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra khám phá các vụ án, vụ việc liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng. Mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng hoạt động phạm tội, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Phối hợp với Công an tỉnh tăng cường tuyên truyền phương thức, thủ đoạn mới về lừa đảo sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng để nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa.

b) Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xóa bỏ các nội dung, trang web, đường dẫn, ứng dụng, hội, nhóm, tài khoản trên không gian mạng liên quan đến hoạt động lừa đảo. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Tiền Giang đối khớp thông tin chủ tài khoản, người đại diện hợp pháp với thông tin chủ thuê bao di động theo số điện thoại di động đã đăng ký trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán, ví điện tử.

c) Tăng cường công tác quản lý các nhà mạng, siết chặt hoạt động cấp sim điện thoại không đầy đủ, không chính xác theo quy định, loại bỏ sim “rác”, xử lý tình trạng sử dụng sim không chính chủ trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tăng cường công tác phối hợp với Công an tỉnh, kịp thời cung cấp thông tin thuê bao, thông tin chủ thể tên miền được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khi được yêu cầu.

4. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện khung pháp lý đối với VAs và VASPs (tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo) và theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực thi khung pháp lý đó theo phân công của Bộ Tài chính.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Có giải pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý các đối tượng thành lập doanh nghiệp “ma” bằng giấy tờ tùy thân giả mạo hoặc của người khác để mở tài khoản thanh toán. Tăng cường hậu kiểm, phát hiện doanh nghiệp sau khi được thành lập không phát sinh hoạt động kinh doanh thực tế. Phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh để xác thực thông tin người đại diện pháp luật và người được ủy quyền, “làm sạch” dữ liệu về thông tin doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cung cấp thông tin, tài liệu cho Công an tỉnh để phòng ngừa, xử lý việc lợi dụng thành lập doanh nghiệp để hoạt động vi phạm pháp luật.

6. Sở Công Thương

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng nhận diện phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực thương mại điện tử. Tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động của các sàn thương mại điện tử và các doanh nghiệp liên quan; kịp thời phát hiện, kiểm tra, đánh giá sự tuân thủ quy định pháp luật của các sàn thương mại điện tử quốc tế hoạt động trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

7. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, học sinh, học viên, sinh viên về nhận diện phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, về quản lý, bảo vệ dữ liệu cá nhân. Quán triệt thực hiện nghiêm túc những quy định về an ninh mạng và cảnh giác với những phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là thủ đoạn lợi dụng lôi kéo, dụ dỗ học sinh, học viên, sinh viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo mở tài khoản ngân hàng, thuê bao di động để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

8. Sở Khoa học và Công nghệ

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để ứng dụng trong quản lý, nhận diện, phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn và xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

9. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh

Tăng cường nắm tình hình công dân Việt Nam ở nước ngoài có liên quan đến hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tăng cường tuyên truyền đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về phương thức, thủ đoạn của tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Triển khai kịp thời các biện pháp bảo hộ công dân; phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh trong trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan để phục vụ công tác đấu tranh, điều tra, xử lý.

10. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và đề nghị Báo Ấp Bắc

Phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan kịp thời thông tin tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn, hậu quả của tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo, nhất là lừa đảo trên không gian mạng, kết quả phòng ngừa, xử lý của các lực lượng chức năng để nhân dân nâng cao nhận thức, kịp thời cung cấp thông tin, tố giác hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tăng thời lượng, tần suất phát sóng vào các khung giờ có nhiều người nghe đài, xem truyền hình về các bài viết, phóng sự liên quan đến phương thức, thủ đoạn mới, cách thức xử lý đối với các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

11. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Tiền Giang

a) Triển khai lộ trình kiểm tra, đối chiếu sinh trắc học đối với các tài khoản thanh toán, ví điện tử thực hiện giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử. Bổ sung quy định về việc kiểm tra, đối chiếu sinh trắc học khi mở tài khoản mới, thay đổi thông tin về giấy tờ tùy thân, số điện thoại nhận mã OTP, thiết bị thực hiện giao dịch Mobile banking và rút tiền trực tiếp tại quầy giao dịch. Ban hành quy trình rà soát, nhận diện, giám sát tài khoản doanh nghiệp, các giao dịch nghi vấn sử dụng hoạt động phạm tội (các phần việc trên thực hiện khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai).

b) Chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trên địa bàn tỉnh khẩn trương hoàn thành thực hiện việc định danh, xác thực thông tin khách hàng, kiên quyết loại bỏ tài khoản không chính chủ, tài khoản có thông tin sai lệch.

Chủ động phát hiện, trao đổi, cung cấp cho cơ quan Công an thông tin về tài khoản thanh toán, ví điện tử có giao dịch nghi vấn liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của pháp luật; kịp thời phong tỏa tài khoản, tạm dừng giao dịch và thông báo cho cơ quan Công an xác minh đối với các giao dịch chuyển tiền, rút tiền có dấu hiệu nghi vấn lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Triển khai biện pháp kiểm soát giao dịch liên quan đến tiền “ảo”; hoàn thiện các quy trình quản lý nội bộ nhằm phòng ngừa nhân viên ngân hàng tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo (các phần việc trên thực hiện khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai).

c) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong hoạt động cho vay, thanh toán, rút tiền, chuyển tiền, nhận tiền; tăng cường tuyên truyền phòng ngừa lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với khách hàng.

12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên

- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân, đoàn viên, hội viên, người lao động; hỗ trợ đoàn viên, hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, làm tốt công tác an sinh xã hội, phòng ngừa các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đẩy mạnh công tác vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư.

- Thực hiện tốt vai trò giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chế tài xử lý và hoạt động của các cơ quan Nhà nước trong thực thi pháp luật, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng; vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân tố giác, đấu tranh, lên án đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

13. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh

Kịp thời triển khai hướng dẫn của Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tối cao đối với công tác thu thập chứng cứ liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng. Phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp kịp thời phát hiện, điều tra, truy tố, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án có quy mô lớn, có bị hại thuộc nhiều địa phương, các vụ án đối tượng thực hiện hành vi phạm tội ở ngoài địa bàn tỉnh hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam liên quan tội phạm hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng để răn đe, phòng ngừa tội phạm.

14. UBND các huyện, thành, thị

a) Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn, chú trọng tuyên truyền cá biệt, tình huống cụ thể, trực tiếp tại địa bàn dân cư. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành, phân công nhiệm vụ thể để phòng ngừa, xử lý có hiệu quả hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

b) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động huy động vốn, kinh doanh theo phương thức đa cấp, các thông tin có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản để xử lý theo quy định của pháp luật. Kịp thời phát hiện, đề xuất khắc phục sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước; tập trung chỉ đạo xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, gắn với nhân rộng các mô hình phòng, chống tội phạm hiệu quả tại cơ sở.

c) Chủ động mở các đợt tấn công, trấn áp mạnh mẽ, xử lý nghiêm tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng. Quan tâm hỗ trợ tài chính, phương tiện cho lực lượng Công an trong thực thi công tác này theo đúng quy định của pháp luật

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và đề nghị các ban Đảng thuộc Tỉnh ủy, đoàn thể tỉnh, cơ quan Trung ương đóng địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc; định kỳ 6 tháng (trước ngày 15-6), 1 năm (trước ngày 15-12) báo cáo tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao, phối hợp về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh tổng hợp) để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Tỉnh ủy. Giao Công an tỉnh theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

P.V

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/phap-luat-an-ninh-trat-tu/202502/phong-ngua-xu-ly-lua-dao-chiem-doat-tai-san-su-dung-cong-nghe-cao-tren-khong-gian-mang-1034447/
Zalo