Phòng ngừa viêm gan B

Việt Nam hiện là quốc gia có tỷ lệ lưu hành virus viêm gan B cao nhất thế giới với khoảng 20% người dân nhiễm virus này. Việc phòng ngừa lây nhiễm virus viêm gan B là rất quan trọng.

Bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất khám và tư vấn cho bệnh nhân tại Phòng khám Nhiệt đới - viêm gan B. Ảnh: H.Yến

Bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất khám và tư vấn cho bệnh nhân tại Phòng khám Nhiệt đới - viêm gan B. Ảnh: H.Yến

Đặc biệt, những bệnh nhân viêm gan B cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, không được tự ý dừng thuốc.

Bệnh nặng vì chủ quan

Bà P.T.V. (phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) phát hiện bị bệnh viêm gan B từ hơn 15 năm nay và kiên trì tuân thủ điều trị, duy trì lối sống lành mạnh, khoa học. Đầu năm 2024, thấy tình hình sức khỏe ổn định, bà V. đã tự ý dừng uống thuốc. Sau thời gian 2 tháng, bà V. gần như rơi vào tình trạng suy kiệt, cơ thể mệt mỏi rã rời không thể làm được việc gì. Bà đi khám bệnh mới biết đó là hậu quả của việc tự ý ngưng uống thuốc điều trị viêm gan B.

Bà V. phải điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai hơn nửa tháng mới được xuất viện. Sau trận ốm “thập tử nhất sinh”, bà V. không còn dám tự ý ngưng uống thuốc hay dùng các loại thuốc bắc, thuốc nam thay thế thuốc tây theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

Bà V. không phải là trường hợp bệnh nhân viêm gan B hiếm hoi tự ý ngưng uống thuốc điều trị. Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Thanh Quyên, Trưởng khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, từ năm 2010, bệnh viện bắt đầu điều trị bệnh viêm gan B, C cho bệnh nhân. Hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 100 bệnh nhân đến khám bệnh viêm gan siêu vi mạn tính. Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đang quản lý hơn 1 ngàn hồ sơ bệnh nhân viêm gan. Trong số này, có khoảng 5% bệnh nhân bỏ điều trị do nhiều nguyên nhân làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bệnh nhân.

Theo đó, những bệnh nhân tự ý ngưng thuốc, uống không đều đặn hoặc uống không đúng, đủ liều sẽ gây nên đợt bùng phát viêm gan B cấp tính. Một số bệnh nhân bị tăng men gan cao, vàng da, vàng mắt, ăn uống kém, nước tiểu vàng, mệt mỏi.

“Những trường hợp bệnh nhân bị bùng phát viêm gan B thường sẽ rất nặng và nguy cơ tử vong cao, khoảng 90%” - bác sĩ Quyên cho biết.

Ngược lại, nếu uống thuốc đều, tuân thủ điều trị đúng phác đồ, đa số bệnh nhân sẽ như người bình thường, virus viêm gan B không hoạt động, chức năng gan hoạt động bình thường. Cùng với đó, nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị cũng sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan B cho người khác.

Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai hiện theo dõi, điều trị cho các bệnh nhân viêm gan B trẻ em. Đối với những ca bệnh khó, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất sẽ cùng hội chẩn để đưa ra phác đồ điều trị, một số trường hợp được chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.

Tiêm vaccine phòng viêm gan B

Bệnh nhân bị nhiễm virus viêm gan B nếu không theo dõi, điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm gan, xơ gan và nguy hiểm nhất là suy gan, ung thư gan. Vì vậy, những bệnh nhân viêm gan siêu vi B nên đi khám chuyên khoa và làm các xét nghiệm chuyên sâu về gan để xác định cụ thể tình trạng, được bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Bệnh viêm gan B mạn tính thường diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng hoặc triệu chứng mơ hồ thoáng qua. Vì vậy, người dân cần đi khám sức khỏe định kỳ để biết tình trạng sức khỏe và phòng ngừa bệnh.

Đối với bệnh viêm gan B cấp tính, bệnh nhân thường có các biểu hiện như: mệt mỏi, nước tiểu vàng; diễn tiến 1-2 tuần sau thì vàng da, vàng mắt, đau mạn sườn phải… Bệnh viêm gan B cấp tính đa số ở người lớn và khoảng 90% được điều trị khỏi, khoảng 10% chuyển sang viêm gan B mạn tính. Những trường hợp này sẽ được tiếp tục theo dõi, điều trị theo phác đồ riêng.

Ai cũng có thể mắc viêm gan B nhưng cao nhất là trẻ sơ sinh có mẹ bị viêm gan B mà không được tiêm ngừa đầy đủ. Do vậy, thai phụ cần khám thai, tầm soát viêm gan B để phòng ngừa lây nhiễm từ mẹ sang con.

Các đối tượng khác có nguy cơ lây nhiễm viêm gan B cao gồm: người dùng chung bơm kim tiêm với người bị viêm gan B, nhóm nam quan hệ tình dục đồng tính; người có quan hệ tình dục với người bị viêm gan B mà không điều trị; bệnh nhân lọc máu chu kỳ chạy thận nhân tạo, truyền máu mà không đảm bảo được sàng lọc kỹ; người sống chung trong gia đình với người bị viêm gan B mà dùng chung các dụng cụ như: bàn chải đánh răng, kiềm cắt móng tay...

Bác sĩ Quyên khuyến cáo: “Để phòng ngừa, người dân cần có chế độ sống lành mạnh, kiêng rượu bia, thuốc lá và các chất gây hại. Cần khám sức khỏe định kỳ và tiêm vaccine ngừa virus viêm gan B”.

Bác sĩ Quyên cho biết thêm, khoảng thời gian từ 23h-2h là thời gian lá gan tái tạo theo chu kỳ mới. Vì vậy, những người có thói quen thức khuya sẽ khiến gan không hoạt động tốt và làm tăng nguy cơ mắc viêm gan B hơn những người đi ngủ sớm, theo chế độ sinh hoạt điều độ.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202408/phong-ngua-viem-gan-b-0956a46/
Zalo