Phòng một số bệnh trên tôm, giải pháp tiết kiệm chi phí và giảm giá thành trong sản xuất
Ngày 23/5, tại UBND xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sóc Trăng phối hợp UBND huyện Cù Lao Dung tổ chức Hội nghị chuyên đề Phòng một số bệnh trên tôm nuôi, giải pháp tiết kiệm chi phí và giảm giá thành trong sản xuất. Tham dự có đồng chí Lữ Duy Thanh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản; GS. TS Trương Quốc Phú - Trường Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ; các đơn vị có liên quan và hộ nuôi tôm tiêu biểu tại một số địa phương trên địa bàn toàn huyện.
Tại hội nghị, đồng chí Đồ Văn Thừa - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, tính đến thời điểm hiện tại, diện tích thả nuôi tôm trên địa bàn toàn tỉnh ước hơn 16.000ha, diện tích tôm nuôi thiệt hại chiếm 1,8% diện tích thả nuôi; ước sản lượng thu hoạch 35.500 tấn. Hiện nay, mùa vụ thả nuôi tôm đang bước vào thời điểm chính vụ, theo tiến độ thì tôm đang được thả nuôi tiếp tục tại các vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh. Trong đó, diện tích thả nuôi tôm của huyện Cù Lao Dung gần 2.300ha, diện tích nuôi thiệt hại ước 3%, tôm thiệt hại do các bệnh phân trắng, vi bào tử trùng, gan tụy cấp... Hộ nuôi tại huyện Cù Lao Dung đã được cấp mã số nuôi chủ lực 695ha, chiếm tỷ lệ gần 41%.
Tại hội nghị, đại biểu được GS. TS Trương Quốc Phú chia sẻ về một số bệnh thường gặp trên tôm nuôi nước lợ, đó là: bệnh phân trắng, dấu hiệu nhận biết tôm bị bệnh, tác nhân gây bệnh phân trắng trên tôm; mối liên kết giữa bệnh phân trắng và một số bệnh khác trên tôm có liên quan. Đại biểu cũng được thông tin về việc tham gia mô hình nuôi tôm của một số dự án hỗ trợ triển khai thực hiện trên địa bàn huyện. Hộ nuôi tôm đặt một số câu hỏi như: tôm thả nuôi 4 ngày tuổi bị chết đột ngột; hướng dẫn cách sử dụng vi sinh phòng bệnh cho tôm; cách hạn chế dịch bệnh vi bào tử trùng trên tôm…

Đồng chí Lữ Duy Thanh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng thông tin về mục tiêu của hội nghị Phòng một số bệnh trên tôm, giải pháp tiết kiệm chi phí và giảm giá thành trong sản xuất, diễn ra tại xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Ảnh: THÚY LIỄU
Đồng chí Lữ Duy Thanh cho biết, trong những năm qua, ngành Thủy sản của tỉnh Sóc Trăng được xem là ngành mũi nhọn then chốt, đóng góp lớn cho kinh tế của tỉnh Sóc Trăng. Để góp phần cho mùa vụ nuôi tôm nước lợ năm 2025 của tỉnh thành công, đơn vị sẽ tăng cường quản lý nuôi tôm nước lợ theo khung lịch mùa vụ, thực hiện công tác quan trắc môi trường vùng nuôi tôm, nhằm đưa ra giải pháp kỹ thuật để đảm bảo diện tích nuôi tôm của hộ dân phát triển tốt. Cùng với đó, tổ chức các hội nghị chuyên đề Phòng một số bệnh trên tôm, giải pháp tiết kiệm chi phí và giảm giá thành trong sản xuất tại các vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh, với mục đích chia sẻ kinh nghiệm và thực hiện tốt các giải pháp phòng một số bệnh trên tôm, tiết kiệm chi phí và giảm giá thành trong sản xuất, giúp cho người nuôi tôm tại huyện Cù Lao Dung nắm bắt thông tin mới, các nguồn cung ứng con giống tốt cho bà con trong mùa vụ.