Phổng Lập chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Khai thác hiệu quả tiềm năng, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cấp ủy, chính quyền xã Phổng Lập, huyện Thuận Châu, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp tốt, có giá trị kinh tế để nhân rộng, tăng thu nhập.

Nông dân bản Nà Khoang, xã Phổng Lập, huyện Thuận Châu, kiểm tra diện tích chè trồng xen cây cà phê.

Nông dân bản Nà Khoang, xã Phổng Lập, huyện Thuận Châu, kiểm tra diện tích chè trồng xen cây cà phê.

Xã Phổng Lập có 13 bản, gần 1.200 hộ; có trên 2.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Xã đã bám sát định hướng của huyện, tổ chức khảo sát, đánh giá và lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để hỗ trợ nhân dân triển khai thí điểm mô hình kinh tế. Năm 2015, sau khi nghiên cứu, học tập mô hình trồng chè ở xã Phổng Lái và Chiềng Pha, Đảng bộ xã đã ra nghị quyết đưa cây chè vào trồng.

Đồng thời, xã chỉ đạo các đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi những diện tích cây trồng trên nương kém hiệu quả sang trồng chè. Năm 2016, từ nguồn vốn chương trình 135, xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai mô hình trồng thí điểm 6 ha chè giống LPD1 tại bản Nà Khoang, bản Lùa, với 15 hộ tham gia. Các hộ thực hiện mô hình được hỗ trợ giống, phân bón và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến chè. Đến nay, xã có hơn 175 ha chè, tập trung tại các bản Ban Lềm, Ta Tú, Nà Khoang, Mầu Thái và bản Kẹ; sản lượng đạt trên 800 tấn chè búp tươi/năm.

Ông Lường Văn Lấn, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Nà Khoang, chia sẻ: Năm 2016, được cán bộ huyện, xã tuyên truyền, bà con trong bản đồng thuận, ủng hộ chủ trương trồng chè của xã. Đến nay, 82/82 hộ trong bản đều trồng chè, với diện tích 23 ha. Toàn bộ sản phẩm chè búp tươi của bà con được HTX Phổng Lái, xã Phổng Lái, thu mua với giá trung bình 7.000 đồng/kg, trừ chi phí, lãi gần 35 triệu đồng/ha. Năm 2018, các hộ tiếp tục chuyển đổi diện tích trồng sắn sang trồng cà phê. Nhờ đó, đời sống của người dân được cải thiện, hiện nay, bản chỉ còn 2 hộ nghèo.

Bên cạnh cây chè, cà phê, xã đang xây dựng sản phẩm quả mắc khén là sản phẩm OCOP. Qua rà soát, xã có hơn 30 ha cây mắc khén, với hơn 5.000 cây. Xã đã tuyên truyền, vận động các hộ liên kết thành lập HTX Nông nghiệp Phổng Lập. Hiện nay, HTX đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện khảo sát, đánh giá tiềm năng chế biến quả mắc khén; hướng dẫn thiết kế mẫu mã, đóng gói bao bì sản phẩm, kết nối với thị trường tiêu thụ. Hiện nay, HTX đã hoàn thiện hồ sơ tham gia chương trình sản phẩm OCOP gửi cơ quan chức năng đánh giá, công nhận sản phẩm theo quy định.

Khai thác tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế, các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện cho hội viên, tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng để phát triển, mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, có 711 hộ được vay vốn, với tổng dư nợ trên 43,7 tỷ đồng. Nông dân trong xã đang chăm sóc gần 112 ha cà phê, 16 ha cây ăn quả các loại; duy trì nuôi trên 2.300 con trâu, bò, 917 con dê, 1.961 con lợn trên 2 tháng tuổi và hơn 22.000 con gia cầm; trồng gần 53 ha cỏ voi phục vụ chăn nuôi. Từ đầu năm đến nay, đã tiêm 2.279 liều vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi; phun 44 lít nước CloraminB khử trùng trên 88.000 m2 chuồng trại.

Giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập trong thời gian nông nhàn, nhân dân trong xã còn duy trì nghề đan lát truyền thống, nguồn nhiên liệu chủ yếu là mây tre có sẵn tại địa phương. Tháng 4/2022, tổ hợp tác đan lát mây tre lá xã Phổng Lập được thành lập với 15 thành viên. Anh Lò Văn Hoan, Tổ trưởng, cho biết: Hầu hết các sản phẩm đều được thương lái đến tận nơi thu mua mang đi bán tại các chợ phiên. Ngoài các sản phẩm truyền thống, như ép khảu, mâm cơm, đó bắt cá, rổ, rá, sọt đựng nông sản trên nương, tổ hợp tác đang làm mẫu sản phẩm đựng hộp trà, túi xách để trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm.

Kinh tế phát triển, đời sống của người dân ổn định, là tiền đề quan trọng để xã Phổng Lập tiếp tục vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; khuyến khích các hộ liên kết thành lập các HTX sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập, xây dựng quê hương phát triển.

Trần Hiền

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/phong-lap-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-p2wBATeIR.html
Zalo