Phòng khám tư nhân sai phạm nhan nhản, lực lượng quản lý chỉ vài người

VOV.VN-Trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chiều nay (11/11), các đại biểu đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý các phòng khám tư nhân có nhiều sai phạm, một bác sĩ sở hữu nhiều giấy phép hành nghề dẫn đến có thể phụ trách chuyên môn nhiều phòng khám...

Lực lượng quản lý ngành nghề ở địa phương thưa thớt

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp, hiện nay các cơ sở y tế tư nhân có yếu tố nước ngoài treo biển chữa trị nhiều loại bệnh, bệnh nhân không biết đâu mà lường, thậm chí đã xảy ra các trường hợp đáng tiếc.

“Việc cấp phép các cơ sở này thế nào và Bộ Y tế có giải pháp gì?”, đại biểu Phạm Văn Hòa đặt câu hỏi.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp (Ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp (Ảnh: Quốc hội)

Trả lời chất vấn đại biểu, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết Luật Khám chữa bệnh quy định nhiều điều cấm trong việc hành nghề của đội ngũ y bác sĩ nhưng cũng có những cái trá hình.

Việc cấp phép, Bộ Y tế sẽ cấp phép hoạt động cho các cơ sở thuộc Bộ Y tế quản lý. Từ 1/1/2027, phần cấp phép cho bệnh viện tư nhân bàn giao cho Sở Y tế các tỉnh, còn địa phương quản lý, cấp phép cho các loại hình còn lại.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan dẫn chứng thực tế, dọc đường Giải Phóng (Hà Nội) có rất nhiều phòng khám có yếu tố nước ngoài, nhưng thời gian gần đây địa phương đã quyết liệt rà soát và chấn chỉnh nên tình trạng sai phạm đã giảm nhiều.

“Nếu phát hiện, sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Tôi cũng đề nghị các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các phòng khám, cơ sở y tế thuộc quyền quản lý”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Tư lệnh ngành Y tế mong được chia sẻ khó khăn vì hiện nay, đội ngũ quản lý hành nghề rất mỏng, nhiều địa phương kể cả quản lý dược, cơ sở bán thuốc chỉ có vài người. Theo Bộ trưởng, đây là tồn tại và mong các địa phương quan tâm, tăng cường lực lượng quản lý y dược trên địa bàn.

Ngành y tế đã có phần mềm quản lý giấy phép hành nghề

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, đoàn Đà Nẵng đặt vấn đề ngành y tế chưa quản lý được giấy phép hành nghề, dẫn đến việc bác sĩ có thể xin cấp phép ở mỗi địa phương. Từ đó, sử dụng giấy phép hành nghề để phụ trách chuyên môn các phòng khám ở mỗi địa phương. Bộ trưởng có giải pháp thế nào để mỗi bác sĩ chỉ được cấp một giấy phép hành nghề?

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, đoàn Đà Nẵng (Ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, đoàn Đà Nẵng (Ảnh: Quốc hội)

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Luật Khám chữa bệnh năm 2023 đã quy định mỗi cán bộ y tế chỉ được cấp một giấy phép hành nghề. Hiện nay, ngành y tế đã cơ bản hoàn thành việc quản lý cán bộ y tế trên toàn quốc theo quy định mới. Cụ thể, hơn 430.000/600.000 cán bộ y tế đã được cập nhật thông tin lên phần mềm quản lý.

Tuy nhiên, do phần mềm này được xây dựng từ năm 2015 nên chưa thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của luật mới.

“Để khắc phục hạn chế này, ngành y tế đang tích cực nâng cấp phần mềm quản lý và hệ thống dịch vụ công trực tuyến nhằm xây dựng một cơ sở dữ liệu thống nhất, hiện đại. Khi hoàn thiện, hệ thống này sẽ giúp các cơ quan quản lý y tế ở cả trung ương và địa phương theo dõi, giám sát hoạt động của cán bộ y tế một cách hiệu quả”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay.

Cần chính sách giữ chân nhân viên y tế công lập

Tham gia chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, đoàn Bến Tre cho biết, thời gian qua, tình trạng sau khi được đào tạo theo địa chỉ, các bác sĩ không công tác theo phân công của cơ quan có thẩm quyền hoặc công tác không đảm bảo thời gian theo cam kết, sẵn sàng chuyển sang làm việc ở bệnh viện tư.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, đoàn Bến Tre (Ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, đoàn Bến Tre (Ảnh: Quốc hội)

“Điều này đã làm ảnh hưởng đến cơ hội, ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến việc bố trí sắp xếp nhân sự của các cơ sở y tế công lập. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết quan điểm và giải pháp hạn chế tình trạng này trong thời gian tới?”, nữ đại biểu nêu ý kiến.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định giai đoạn 2022, tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc rất bức xúc với hơn 9.000 nhân viên y tế nghỉ việc.

Sau đại dịch, bà Lan cho biết đã có nhiều giải pháp giải quyết tình trạng này. Trong đó, Bộ Y tế tập trung sửa đổi chế độ phụ cấp, ưu đãi với nhân viên y tế; sửa quyết định liên quan chế độ của nhân viên y tế thôn bản… Các địa phương cũng đánh giá tình hình, có nhiều chính sách giữ chân đội ngũ nhân viên y tế công lập.

“Nhân viên y tế công lập rất quan trọng, hiện vẫn chiếm 95% nên cần có chính sách giữ chân đội ngũ này”, bà Đào Hồng Lan nói.

Vân Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/phong-kham-tu-nhan-sai-pham-nhan-nhan-luc-luong-quan-ly-chi-vai-nguoi-post1134713.vov
Zalo