Phỏng dựng nghi lễ Tết truyền thống tại phố cổ Hà Nội

Sáng 19.1 (tức 20 tháng Chạp), Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với CLB Đình Làng Việt, các nhà nghiên cứu văn hóa tổ chức phỏng dựng các nghi lễ: Đoàn dâng lễ cửa đình, lễ Cáo yết Thành Hoàng và cúng Tổ nghề, lễ dựng cây nêu…

Ngay từ sáng sớm, hàng trăm người trẻ trong trang phục truyền thống đã tham gia đoàn tái hiện lễ rước cộng đồng trong khu phố cổ Hà Nội và di tích Ô Quan Chưởng. Lễ vật là những vật phẩm truyền thống ở Hà Nội như mứt Tết, trà sen, bánh chưng, bánh cốm, hoa đào…

Đoàn cũng thực hiện các nghi thức quan trọng như Lễ Cáo yết Thành Hoàng, cúng Tổ nghề, dựng cây nêu tại đình Kim Ngân, 42 - 44 Hàng Bạc.

 Lễ rước cộng đồng trong khu phố cổ Hà Nội

Lễ rước cộng đồng trong khu phố cổ Hà Nội

Đây là hoạt động nằm trong chương trình Tết Việt - Tết Phố, sự kiện văn hóa thường niên tổ chức vào mỗi dịp Tết đến, xuân về. Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết: Tết cổ truyền của dân tộc là dịp để mỗi người dân Việt Nam cùng hướng về cội nguồn, nhìn lại và trân quý những truyền thống tốt đẹp đã nuôi dưỡng tinh thần dân tộc qua bao thế hệ. Chương trình Tết Việt - Tết Phố năm nay được tổ chức nhằm tái hiện các nghi lễ cổ truyền, tôn vinh bản sắc văn hóa và góp phần lan tỏa giá trị của nền văn hóa Việt Nam hiện đại, hội nhập nhưng không hòa tan.

Nét mới năm nay là nghi thức rước lễ được tiến hành tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm đã thu hút đông đảo sự quan tâm của nhân dân và du khách. Những nghi thức này minh chứng cho tinh thần gìn giữ di sản văn hóa quý báu của dân tộc.

 Phó Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn cho biết: Tết Việt - Tết Phố được tổ chức nhằm tái hiện các nghi lễ cổ truyền, tôn vinh bản sắc văn hóa...

Phó Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn cho biết: Tết Việt - Tết Phố được tổ chức nhằm tái hiện các nghi lễ cổ truyền, tôn vinh bản sắc văn hóa...

Công chúng cũng sẽ được tham gia các không gian trải nghiệm: gói bánh chưng, giới thiệu nghệ thuật gọt tỉa và chơi hoa thủy tiên, giới thiệu không gian sinh hoạt, đón Tết của gia đình Hà Nội xưa, không gian Tết truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ; thưởng thức chương trình âm nhạc truyền thống Chuyện nhạc Phố cổ…

 Thư pháp gia Hoàng Hữu Hùng, thành viên CLB Đình làng Việt giới thiệu bức thư pháp với chữ "Kỷ nguyên vươn mình"

Thư pháp gia Hoàng Hữu Hùng, thành viên CLB Đình làng Việt giới thiệu bức thư pháp với chữ "Kỷ nguyên vươn mình"

Chương trình Tết Việt - Tết phố không chỉ là cơ hội để tìm lại những ký ức đẹp của Tết xưa, mà còn giới thiệu tới bạn bè quốc tế về một Việt Nam giàu bản sắc, thân thiện và hiếu khách. Thông qua hoạt động ý nghĩa này lan tỏa giá trị văn hóa đến cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ - những người giữ vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc.

 Chuẩn bị dựng cây nêu

Chuẩn bị dựng cây nêu

Theo Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt Nguyễn Đức Bình, qua nhiều năm tổ chức có thể thấy Tết Việt - Tết Phố ngày càng thu hút đông đảo người trẻ. Từ đó có thể thấy giới trẻ hiện nay chủ động trong tiếp nhận văn hóa truyền thống, thể hiện về nó để khẳng định bản sắc của mình trong bối cảnh hội nhập. Họ cũng nhanh nhạy trong sử dụng công nghệ thông tin lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc.

 Cây nêu được dựng lên mang theo những ước nguyện cho năm mới

Cây nêu được dựng lên mang theo những ước nguyện cho năm mới

Tham gia chương trình, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huế cho rằng, Tết Việt đã được hiện đại hóa, tuy nhiên việc chúng ta nghiên cứu bổ sung tái tạo truyền thống trong các chương trình như Tết Việt - Tết Phố là hết sức đáng quý. Rất mừng là càng ngày các hoạt động nghiên cứu phục hồi nét đẹp văn hóa càng được quan tâm và Hà Nội đang làm rất tốt, giúp thế hệ trẻ hiểu về truyền thống, góp phần định hình bản sắc.

Trình diễn múa bồng tại không gian đình Kim Ngân

Trình diễn múa bồng tại không gian đình Kim Ngân

Ng. Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phong-dung-nghi-le-tet-truyen-thong-tai-pho-co-ha-noi-post402541.html
Zalo