Phong Điền: Tự hào 50 năm xây dựng & phát triển
Vốn là vùng đất nghèo trong chiến tranh, kể từ ngày quê hương giải phóng, Phong Điền phát huy truyền thống cách mạng kiên trung, anh dũng, vươn mình thành một thị xã năng động ở phía bắc thành phố Huế hôm nay.

Phong Điền tổ chức Giải chạy “Nắng tháng Ba” hưởng ứng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng quê hương
Truyền thống hào hùng
Trung tuần tháng 3, tôi trở lại thăm vùng quê cách mạng Phong Điền với tâm trạng đầy cảm xúc trước cảnh cờ hoa, biểu ngữ, băng rôn hai bên đường, những khu dân cư để chào đón ngày lễ kỷ niệm trọng đại: 50 năm Ngày quê hương Phong Điền hoàn toàn giải phóng.
Ông Nguyễn Văn Phiếu, một cựu chiến binh ở xã Phong Chương, người đã có tháng ngày vào sinh ra tử trong chiến tranh ở địa phương, hào hứng cung cấp cho tôi nhiều thông tin về truyền thống anh dũng, kiên trung của người Phong Điền trong thời chiến cũng như thời bình.
Từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến thời điểm tháng Ba năm 1975 lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Phong Điền trải qua nhiều cuộc đấu tranh cách mạng oai hùng, với nhiều hy sinh mất mát...
Nằm trong vị trí chiến lược quan trọng ở tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP. Huế), Phong Điền đã trở thành mục tiêu chiếm đóng, giành dân, xây dựng căn cứ quân sự của Mỹ - Ngụy. Bằng sự mưu trí, dũng cảm, người dân Phong Điền quyết không lùi bước, kiên cường chiến đấu với những chiến dịch thành công vang dội.
Những ngày đầu Xuân 1975, quân và dân Phong Điền đã phối hợp chặt chẽ với Bộ đội chủ lực của Quảng Trị, Tiểu đoàn 10 (K10), đại đội 3 (C3) của TP. Huế và những đơn vị đóng quân trên địa bàn đồng loạt nổi dậy tấn công với tinh thần “Một ngày bằng hai mươi năm”. Các cuộc chiến đấu diễn ra cam go ác liệt, nhưng với lực lượng áp đảo, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, sự hiệp đồng tác chiến chặt chẽ, hiệu quả giữa bộ đội chủ lực với quân và dân Phong Điền đã vận dụng sáng tạo các hình thức chiến thuật tiến công để đánh, quân địch bị khép chặt giữa các gọng kìm không đường tháo chạy. Đúng 3 giờ ngày 24/3/1975, Phong Điền được hoàn toàn giải phóng.
Ông Đoàn Kỳ Côi, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Phong Điền cho biết: Từ sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền cùng người dân đã nỗ lực hết mình, hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng quê hương ngày mỗi ấm no, giàu mạnh. Từ một vùng quê bước ra sau chiến tranh thiếu thốn trăm bề, khó khăn chồng chất, nhất là thời điểm trước ngày đất nước đổi mới, Phong Điền đã phát huy sức mạnh nội sinh, tranh thủ mọi nguồn lực, xây dựng quê hương phát triển trên các lĩnh vực.
Hiệp lực xây dựng thị xã
Dịp này, tôi được thực tế từ vùng đồi đến vùng biển ở thị xã Phong Điền và hiểu nhiều hơn những quyết sách đúng từ cán bộ lãnh đạo đưa ra để xây dựng Phong Điền phát triển trong năm tháng đất nước đổi mới, nhất là thời điểm thành lập huyện Phong Điền (10/1990).
Bài toán “hạ tầng giao thông, khơi thông nguồn lực đất đai” như kim chỉ nam đi trước "mở đường" để Phong Điền phát triển toàn diện. Dấu ấn rõ nhất, giao thông ở Phong Điền được đầu tư, liên kết vùng đồi núi, đồng bằng và ven biển. Phong Điền đã khơi thông nguồn lực đất đai, hình thành vườn đồi, vườn rừng trù phú ở các xã: Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ, mang lại giá trị kinh tế cao.
Vùng đồng bằng chiêm trũng, như: Phong Chương, Phong Bình, Phong Hòa… củng cố đầu tư đê đập, kênh mương nội đồng, hình vùng sản xuất lúa trọng điểm và chăn nuôi gia súc, gia cầm đan xen với trồng cây màu. Vùng Ngũ Điền nằm phía đông giáp biển của Phong Điền (nay là phường Phong Phú, Phong Hải) đầu tư phát triển nuôi trồng thủy, hải sản theo hướng sản xuất hàng hóa.
Tại trung tâm thị xã, giờ đã hình thành KCN Phong Điền có diện tích gần 700ha, thu hút được 25 dự án trong, ngoài nước đầu tư với vốn đăng ký hơn 13.000 tỷ đồng. Phong Điền quy hoạch phát triển thêm các cụm công nghiệp vệ tinh tại phường Phong Phú và xã Phong Xuân, Phong Mỹ…, góp phần dịch chuyển cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Với hướng đi này, Phong Điền đã tạo việc làm cho lượng lao động ở địa phương khá lớn, có thu nhập ổn định, giảm hộ nghèo hiện nay chỉ còn hơn 1%.
Theo Phó Bí thư Thị ủy Đoàn Kỳ Côi, hệ thống chính trị từ thị xã đến cơ sở ngày càng vững mạnh, công tác xây dựng Đảng đồng bộ và toàn diện, phát huy được vai trò hạt nhân lãnh đạo trong đời sống xã hội. Chính quyền, tổ chức đoàn thể được củng cố, kiện toàn; quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Những người con Phong Điền hiện nay dù ở trong và ngoài địa phương rất tự hào, hãnh diện khi quê nhà từ vùng đất “nhiều không” nay đã trở thành địa phương xây dựng phát triển nông thôn mới toàn diện; trong đó, các địa phương đang xây dựng nông thôn mới nâng cao và mang vóc dáng đô thị hiện đại.
Thực hiện Nghị quyết số 175/2024/QH15 của Quốc hội về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương và Nghị quyết số 1314/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế giai đoạn 2023 - 2025, Phong Điền trở thành thị xã vào đầu năm 2025. Đây là kết quả của sự kế thừa, phát huy những kinh nghiệm quý của các thế hệ lãnh đạo và là sự đồng thuận, tin yêu của Nhân dân đối với Đảng, quyết tâm thực hiện các quyết sách để xây dựng Phong Điền tiếp tục phát triển toàn diện...