Phòng, chống tội phạm trong thanh, thiếu niên: Đừng để quá muộn - Kỳ 1: Gia tăng số vụ và mức độ vi phạm

Tuổi trẻ là mùa Xuân của cuộc đời, là tương lai của xã hội. Thế nhưng, có không ít người ở độ tuổi vị thành niên lại chôn vùi thanh xuân bằng những việc làm vô bổ, thậm chí vi phạm pháp luật, làm hại đến người khác, gây ra nhiều hệ lụy. Do vậy, rất cần những giải pháp đồng bộ và hành động quyết liệt hơn nữa của các đơn vị chức năng, gia đình để ngăn chặn kịp thời.

Kỳ 1: Gia tăng số vụ và mức độ vi phạm

Theo các cơ quan chức năng, trước đây, thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh thường chỉ phạm tội trộm cắp, gây rối trật tự công cộng với phương thức đơn giản, do bồng bột, thiếu suy nghĩ, chưa gây nguy hại lớn. Tuy nhiên, những năm gần đây, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng ngày càng manh động, với tính chất, mức độ nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng.

Lực lượng Công an tỉnh lấy lời khai của đối tượng cướp giật tài sản trên địa bàn xã Đạo Tú (Tam Dương).

Lực lượng Công an tỉnh lấy lời khai của đối tượng cướp giật tài sản trên địa bàn xã Đạo Tú (Tam Dương).

Những con số đáng báo động

Trong số các vụ vi phạm pháp luật (VPPL) trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây nổi lên là tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập thành nhóm, mang theo hung khí, đánh nhau. Có những vụ việc chỉ vì cho rằng bị “nhìn đểu”, tức nhau tiếng nẹt bô hoặc thách đố trên mạng xã hội mà các nhóm thanh niên sẵn sàng manh động, kéo nhau sử dụng hung khí để “chiến tới bến”, bất chấp hậu quả.

Điển hình như vụ hỗn chiến xảy ra tại thành phố Vĩnh Yên vào tối 27/7/2024. Theo Cơ quan cảnh sát điều tra, Đỗ Đức Hải (sinh năm 2007), xã Thanh Trù (Vĩnh Yên) cùng nhóm bạn đang ngồi uống nước ở cầu Bắc Đầm Vạc thì Hà Minh Đăng (sinh năm 2010), phường Tích Sơn (Vĩnh Yên) cùng nhóm bạn đi qua xảy ra xích mích. Đăng rủ 11 người, còn Hải rủ 20 người bạn để đi đánh nhau.

Quá trình hỗn chiến, thấy nhóm của Hải đông hơn lại cầm theo nhiều hung khí nên nhóm của Đăng bỏ chạy. Trong quá trình bỏ chạy, 6 người trong nhóm của Đăng nhìn thấy 6 thanh niên đang đứng ở gầm cầu vượt, phường Đống Đa (Vĩnh Yên). Tưởng đó là người trong nhóm của Hải nên các đối tượng đã đuổi đánh.

Qua xác minh, các đối tượng tham gia hỗn chiến đa phần có độ tuổi từ 15 - 19. Trên đường đuổi đánh nhau, các đối tượng điều khiển xe với tốc độ cao, hò hét, lạng lách và sử dụng hung khí nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự (ANTT). Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố 15 bị can về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Bên cạnh tụ tập đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, tình trạng thanh, thiếu niên trộm cắp, cướp giật tài sản; mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy; vi phạm trật tự an toàn giao thông; thậm chí cố ý gây thương tích, giết người cũng gia tăng.

Qua những con số trên cho thấy, tình trạng thanh, thiếu niên VPPL đang có xu hướng tăng. Các đối tượng phạm tội mặc dù còn rất trẻ, nhưng hành động liều lĩnh, manh động, bất chấp hậu quả.

Ngoài các trường hợp cá biệt, nhiều thanh, thiếu niên còn bị các “cơn lốc” hội, nhóm cuốn đi ngày càng xa. Mặc dù không có mâu thuẫn, cũng chẳng biết lý do mâu thuẫn với bạn mình là gì, hễ cứ có hội, nhóm rủ là đi, gặp là đánh nhau bất chấp, thậm chí có thanh, thiếu niên còn xem việc tham gia các vụ đánh nhau là chiến tích để khoe trên mạng xã hội, thách thức pháp luật.

Điều này không chỉ gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT, mà còn khiến nhiều em phải nhận những bản án nghiêm minh từ pháp luật. Năm 2024, Công an tỉnh đã tiến hành xử lý hình sự 62 vụ, với 135 đối tượng thanh, thiếu niên.

Những nguyên nhân cơ bản

Thanh, thiếu niên VPPL gia tăng, với hành vi ngày càng nghiêm trọng, chủ yếu là do thiếu sự quan tâm, buông lỏng quản lý của gia đình và lối sống đua đòi, thực dụng của giới trẻ.

Thiếu tá Phan Đình Thảo, Đội trưởng Đội Chống tệ nạn xã hội và mua bán người, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) cho biết: Quá trình điều tra các vụ án tội phạm trong độ tuổi thanh, thiếu niên, chúng tôi nhận thấy đa phần các đối tượng có bố, mẹ mải làm kinh tế, thường xuyên phải đi xa nhà hoặc có hoàn cảnh gia đình đặc biệt như cha mẹ ly hôn; cha hoặc mẹ đã mất nên ở với ông bà, người thân… bị tổn thương về tâm lý; thiếu sự quản lý, giáo dục.

Chính những điều này đã dẫn tới tình trạng thanh, thiếu niên không tu chí học hành, làm ăn, mà thường xuyên tụ tập chơi bời lêu lổng, thậm chí có những hành vi VPPL. Chỉ khi sự việc xảy ra, gia đình mới hay biết thì mọi chuyện đã quá muộn.

Đối tượng Đ.V.T, sinh năm 2007, xã An Hòa và Đ.V.Q, sinh năm 2008, ở thị trấn Hợp Hòa (Tam Dương) bị khởi tố về hành vi cướp giật tài sản.

Đối tượng Đ.V.T, sinh năm 2007, xã An Hòa và Đ.V.Q, sinh năm 2008, ở thị trấn Hợp Hòa (Tam Dương) bị khởi tố về hành vi cướp giật tài sản.

Cách đây 2 năm, em N.T.T (sinh năm 2007) đã cùng nhóm bạn mang theo hung khí rượt đuổi, đánh nhóm thanh niên đi trên đường làm 1 người chết, 2 người bị thương. Vụ án khiến tương lai của T bị chôn vùi sau song sắt khi tuổi đời còn rất trẻ.

Tiếp cận với chị N.T.H (mẹ của T) chúng tôi được biết, vì bận việc kinh doanh nên trong cuộc sống hằng ngày, chị H rất ít khi chia sẻ cùng con. Việc con chơi với ai, làm những gì sau giờ học, chị không nắm được. Sau sự việc đó, chị H đã rất ân hận, day dứt vì trước đó đã không quan tâm, đồng hành với con.

Không chỉ thiếu quan tâm, giáo dục, một số gia đình còn nuông chiều con thái quá, thậm chí còn bao che cho những hành vi lệch chuẩn dẫn đến việc các em có thói quen ỷ lại, ham chơi, đua đòi và ngày càng lún sâu vào con đường phạm pháp.

Anh Lại Văn Hoàng, Bí thư Đoàn Thanh niên Trung tâm GDNN&GDTX huyện Tam Dương cho biết: Trẻ vị thành niên đang ở độ tuổi tâm sinh lý thay đổi, thích thể hiện mình, ham khám phá những cái mới, học đòi và dễ bị lôi kéo. Vì vậy, nếu có tác động từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài, các em rất dễ hình thành nên tính cách xấu và tự mình đi vào con đường phạm tội.

Ngoài những yếu tố chủ quan từ bản thân và gia đình, ảnh hưởng xấu từ mạng xã hội cũng là một trong những nguyên nhân khiến tội phạm thanh, thiếu niên gia tăng. Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh), các trang mạng xã hội phát triển mạnh đã tạo điều kiện cho các em dễ dàng tiếp cận những trò chơi, phim ảnh có nội dung bạo lực.

Việc tiếp cận thường xuyên với những trang mạng có nội dung xấu, cổ súy cho hành vi tiêu cực trong xã hội sẽ làm cho các em suy nghĩ lệch lạc, dẫn đến hành vi gây nguy hiểm cho xã hội.

Pháp luật là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” cho bất cứ ai. Chỉ vì những hành động bột phát của tuổi trẻ mà không ít thanh, thiếu niên đã tự tay "bôi đen" vào lý lịch cuộc đời mình, để rồi đánh mất tương lai. Không chỉ vậy, những hành động phạm tội của các em còn gieo nỗi đau cho gia đình nạn nhân, gây tổn hại lớn đến gia đình và xã hội.

Bài, ảnh: Thanh Huyền - Kim Hiền

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/126781//phong-chong-toi-pham-trong-thanh-thieu-nien-dung-de-qua-muon---ky-1-gia-tang-so-vu-va-muc-do-vi-pham
Zalo