Phòng, chống ngộ độc thực phẩm từ cơ sở: Hành trình không ngừng, không nghỉ
Thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội được triển khai quyết liệt, đồng bộ nên đã hạn chế được số vụ ngộ độc thực phẩm.
Tuy nhiên, do các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún, nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm cao nên các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm từ cơ sở, coi đây là hành trình không ngừng, không nghỉ.
Nhiều chuyển biến tích cực
Theo Trưởng phòng Y tế thị xã Sơn Tây Phạm Hùng Sơn, trên địa bàn thị xã Sơn Tây hiện có 1.719 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; 4 siêu thị và 10 chợ. Từ đầu năm 2024 đến nay, thị xã đã tổ chức hội nghị tuyên truyền văn bản mới và kiến thức về an toàn thực phẩm; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin, truyền thông đưa tin, bài về công tác an toàn thực phẩm, công bố những cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Thị xã đã bố trí kinh phí mua dụng cụ xét nghiệm nhanh và kinh phí lấy mẫu nước xét nghiệm xác định mối nguy trong công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm năm 2024.
Bên cạnh đó là thực hiện tốt các mô hình điểm về an toàn thực phẩm, như: Khu đô thị tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm, tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát, kiểm soát bữa cỗ tập trung đông người... Ngoài ra, các ngành chức năng của thị xã còn tăng cường kiểm tra việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm; đề nghị các cơ sở đầu tư trang, thiết bị mới, nâng cao ý thức trong bảo đảm an toàn thực phẩm. Mặt khác, thị xã đã chủ động giám sát phòng, chống ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm nên công tác bảo đảm an toàn thực phẩm có nhiều chuyển biến tích cực. Từ đầu năm 2024 đến nay không có vụ ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm nào xảy ra trên địa bàn.
Còn theo Trưởng phòng Y tế huyện Gia Lâm Bùi Thu Hường, huyện có 4.099 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 1 trung tâm thương mại, 3 siêu thị, 28 chợ. Để kiểm soát chất lượng thực phẩm từ sản xuất đến bàn ăn, huyện đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, chế biến bữa cỗ tập trung đông người.
Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện đã phát 2.200 tờ gấp tuyên truyền, hướng dẫn công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; treo 171 băng rôn tuyên truyền tại 22 xã, thị trấn và nơi tập trung đông người, khu vực chợ trên địa bàn; tổ chức 12 lớp tập huấn an toàn thực phẩm cho hơn 1.200 người. Bên cạnh đó, các đoàn kiểm tra liên ngành đã tiêu hủy thực phẩm các loại trị giá gần 53 triệu đồng, gồm 300kg thực phẩm đông lạnh, 700 gói lương khô mini, 1.008 bánh bông lan, 360,6kg sản phẩm bánh, kẹo…
Tiếp tục chú trọng thực hiện các giải pháp phòng ngừa
Để tăng cường hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu cho biết, trong thời gian tới, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật và kiến thức về an toàn thực phẩm bằng những hình thức phù hợp với từng đối tượng. Cùng với đó, huyện tăng tần suất thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể của trường học, bệnh viện, cụm công nghiệp, thức ăn đường phố.
Huyện cũng tăng cường công tác kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm và chủ động tiến hành kiểm tra, giám sát chuyên ngành việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp, phân công quản lý. Trong đó, tập trung kiểm tra, giám sát điều kiện cơ sở, trang, thiết bị, con người, nhất là việc tuân thủ, chấp hành quy định đối với nguyên liệu thực phẩm, nguồn nước sử dụng; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo phân cấp quản lý và thông tin rộng rãi kết quả xử lý để cảnh báo cho cộng đồng.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Mạnh Huy, huyện thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn theo đúng quy định. Đồng thời, huyện yêu cầu các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp lựa chọn, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn; tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thủy sản bị bệnh, chết không rõ nguyên nhân để làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm và thực hiện ăn chín, uống sôi.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội Đặng Thanh Phong cho rằng, các địa phương cần xây dựng phương án, lực lượng thường trực, phương tiện thuốc, vật tư, hóa chất, sẵn sàng cấp cứu và điều trị kịp thời, bảo đảm tốt nhất sức khỏe, tính mạng người dân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; điều tra vụ ngộ độc thực phẩm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc; thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xác định nguyên nhân và thực hiện truy xuất nguồn gốc, nguyên liệu thực phẩm. Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhanh chóng tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời cho bệnh nhân, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân. Hơn nữa, phải đình chỉ ngay hoạt động của cơ sở gây ra ngộ độc thực phẩm; yêu cầu khắc phục đúng quy định trước khi quay trở lại hoạt động.