Phòng, chống dịch hại trên cây trồng
Xác định công tác bảo vệ thực vật an toàn đồng ruộng là nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực, ngay từ đầu năm, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn dự báo sâu bệnh hại lúa, hướng dẫn người dân tăng cường các biện pháp phòng chống dịch hại trên cây trồng, đảm bảo an toàn đồng ruộng, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng.
Vụ Đông Xuân 2024 - 2025, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng hơn 37.200 ha cây trồng, trong đó, cây lúa 28.300 ha, ngô 2.100 ha, lạc 1.300 ha; rau các loại 2.600 ha; cây hằng năm khác 2.570 ha...
Tổng sản lượng lương thực có hạt phấn đấu đạt 188,7 nghìn tấn. Trong đó, sản lượng lúa đạt 178,29 nghìn tấn, sản lượng ngô đạt 10,5 nghìn tấn. Phấn đấu vụ Đông Xuân đạt giá trị 2.600 tỷ đồng. Đến giữa tháng 2, toàn tỉnh đã gieo cấy được gần 90% diện tích cây lúa và chuẩn bị tốt công tác phòng trừ sâu bệnh.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Nguyễn Anh Tuấn: Với phương thức canh tác theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, hiện nay ở một số địa phương sẽ rất khó để xử lý triệt để tình trạng sâu bệnh và chuột gây hại.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn nông dân phòng dịch bệnh hại trên cây trồng.
Trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng một số người dân chưa chấp hành khung lịch thời vụ, ruộng gieo cấy trước, ruộng cấy sau, khiến công tác quản lý, phòng trừ sâu bệnh, dịch hại thiếu đồng bộ, gặp nhiều khó khăn.
Cùng trên một xứ đồng, người gieo giống lúa này, người gieo cấy giống khác, khi xảy ra sâu bệnh, mỗi người sử dụng các loại thuốc BVTV khác nhau khiến việc phòng trừ sâu bệnh không đạt hiệu quả như mong muốn.
Đặc biệt, tình trạng kinh doanh, buôn bán thuốc BVTV hiện nay rất khó quản lý, kiểm soát chất lượng. Tâm lý người dân thấy giá rẻ thì mua, chưa quan tâm đến chất lượng thuốc BVTV. Trong khi lực lượng cán bộ BVTV các cấp rất mỏng, gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kiểm tra, giám sát các cơ sở, đại lý thuốc BVTV, nhất là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ.
Vụ Đông Xuân 2024-2025, dự báo thời tiết diễn biến rất phức tạp, đầu năm mới trời nắng ấm, ra Tết trời nồm ẩm - đây là điều kiện thuận lợi cho một số sinh vật gây hại chính có thể phát sinh gây hại mạnh, ảnh hưởng tới sản xuất trồng trọt.
Để chủ động phòng chống các đối tượng sinh vật gây hại, thực hiện các văn bản chỉ đạo sản xuất của Trung ương và tỉnh, ngay từ cuối vụ Đông năm 2024, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đã tham mưu Sở NN&PTNT kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân 2024 -2025; thành lập các tổ công tác chỉ đạo sản xuất, phòng chống dịch hại cây trồng vụ tại các huyện, thành phố. Tăng cường các biện pháp diệt chuột bảo vệ sản xuất.
Theo đó, cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV phối hợp với cán bộ Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế; Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nắm bắt tiến độ sản xuất và theo dõi tình hình sinh vật gây hại để có biện pháp phòng chống kịp thời.
Trước mắt, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát đồng ruộng, phân công cán bộ bám đồng, các điểm điều tra cố định, dự báo, dự tính chính xác các đối tượng sinh vật gây hại. Từ đó, ra thông báo dự kiến tình hình sâu bệnh gây hại định kỳ 7 ngày/lần và triển khai các biện pháp hướng dẫn người dân tổ chức phòng trừ.
Một trong những biện pháp quan trọng là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương trong phòng trừ sâu bệnh gây hại lúa, cây trồng. Hiện, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đang phối hợp với cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT tăng cường kiểm tra đồng ruộng, nhằm phát hiện sớm các đối tượng sinh vật gây hại và có biện pháp phòng chống kịp thời.
Tập trung vào các đối tượng như bệnh đạo ôn, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh bạc lá, bệnh khô vằn... gây hại trên lúa. Sâu keo mùa thu, bệnh đốm lá hại ngô. Sâu xám, sâu khoang, bệnh đốm lá, bệnh gỉ sắt hại đỗ, lạc. Sâu tơ, sâu xanh, bọ nhảy, bệnh đốm vòng, bệnh thối nhũn... hại trên rau...
Từ tháng 2 - 4, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh dự kiến tổ chức triển khai 17 lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV và các biện pháp phòng chống sinh vật gây hại an toàn, hiệu quả; 14 lớp tập huấn về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng cho nông dân tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường tuyên truyền, tập huấn cho nông dân về công tác trồng trọt và BVTV; hướng dẫn nông dân áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật IPM, IPHM, SRI, "3 giảm 3 tăng", quy trình sản xuất VietGAP...; áp dụng các biện pháp thủ công như bắt sâu, ngắt ổ trứng, vợt bướm, bẫy bắt chuột... chỉ phun thuốc BVTV khi sâu bệnh đến ngưỡng phun trừ, khi phun phải đảm bảo theo nguyên tắc 4 đúng.
Cán bộ BVTV thường xuyên bám đồng ruộng, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng cách). Khuyến cáo nông dân hạn chế tối đa sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và không gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh. Bao bì, chai lọ thuốc BVTV phải được thu gom, xử lý đúng nơi quy định.