Phòng, chống dịch bệnh trên động vật dịp Tết:Chủ động từ cơ sở

Trong thời điểm cận kề Tết Nguyên đán Ất Tỵ - 2025, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao. Trước tình hình này, ngành Nông nghiệp Hà Nội đề nghị các địa phương chủ động, tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên động vật ngay từ trang trại, hộ chăn nuôi để bảo đảm nguồn cung cũng như an toàn thực phẩm.

Chăm sóc đàn gà theo tiêu chuẩn VietGAP tại một trang trại ở xã Liên Hà (huyện Đông Anh). Ảnh: Đỗ Tâm

Chăm sóc đàn gà theo tiêu chuẩn VietGAP tại một trang trại ở xã Liên Hà (huyện Đông Anh). Ảnh: Đỗ Tâm

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh

Theo thống kê của Bộ NN& PTNT, năm 2024, cả nước xảy ra 1.609 ổ bệnh Dịch tả lợn châu Phi tại 48 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn chết và phải tiêu hủy là 89.580 con. So với cùng kỳ năm 2023, số ổ dịch đã tăng 69,01% và số lợn phải tiêu hủy tăng 2,01 lần.

Ngoài ra, trên cả nước xảy ra 16 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 10 tỉnh, thành phố, với 98.436 gia cầm mắc bệnh, 113.270 gia cầm chết và phải tiêu hủy. So với cùng kỳ năm trước, tuy số ổ dịch giảm 23,8% nhưng số gia cầm bị tiêu hủy tăng 2,78 lần. Cũng trong năm 2024, cả nước xảy ra 74 ổ dịch lở mồm long móng typO tại 21 tỉnh, thành phố...

Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Phan Quang Minh thông tin, dù hiện giờ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở nước ta đã cơ bản được kiểm soát nhưng nguy cơ xảy ra dịch bệnh vẫn rất cao. Đặc biệt là vào các tháng đầu năm 2025, khi nhu cầu về thực phẩm Tết Nguyên Đán tăng cao, khiến tổng đàn gia súc, gia cầm cũng như hoạt động vận chuyển, giết mổ tăng mạnh. Ngoài ra, thời tiết giao mùa cũng tiềm ẩn nguy cơ rất lớn về dịch bệnh, nhất là bệnh Dịch tả lợn châu Phi.

“Tình trạng buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn không báo cáo theo quy định phòng, chống dịch bệnh còn tồn tại. Một số địa phương còn để xảy ra tình trạng vận chuyển, buôn bán lợn bị bệnh; nhập lậu gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật... Nếu không kiên quyết ngăn chặn, nguy cơ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm truyền nhiễm là rất cao”, Phó Cục trưởng Cục Thú y Phan Quang Minh cảnh báo.

Từ góc độ một trong những địa phương tiêu thụ lượng lớn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nêu, mỗi ngày thành phố tiêu thụ khoảng 800-1.000 tấn thịt gia súc, gia cầm các loại, trong khi mới chỉ cơ bản đáp ứng lượng thịt gia cầm và thịt lợn; còn phần lớn thịt trâu, bò phải nhập từ các tỉnh, thành phố khác cũng như nhập khẩu từ nước ngoài.

Trong khi đó, thời điểm trong và sau Tết Nguyên đán, trên địa bàn thành phố, dịch bệnh dễ xảy ra do tổng đàn gia súc, gia cầm tăng; quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao (gần 60%). Chưa kể, nhận thức về phòng, chống dịch bệnh của người dân còn hạn chế, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, miền núi; yếu tố thời tiết bất lợi do biến đổi khí hậu; công tác giám sát phát hiện sớm dịch bệnh còn chậm, chưa đạt hiệu quả... Đây là những yếu tố bất lợi dễ khiến dịch bệnh trên gia súc, gia cầm bùng phát.

Tăng cường giám sát, xử lý kịp thời

Để phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Hoàng Long (huyện Thanh Oai) cho rằng, trước hết cần bảo vệ đàn vật nuôi trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp.

Cụ thể, hợp tác xã đã tăng cường tiêm phòng vắc xin, vệ sinh tiêu độc, khử trùng, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; chú trọng bổ sung vitamin vào khẩu phần ăn để tăng sức đề kháng cho vật nuôi...

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nêu rõ, để chủ động phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường giám sát dịch bệnh trên vật nuôi, chú ý tại khu vực có nguy cơ cao, khu vực từng có dịch bệnh xuất hiện, nhằm phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm, tránh lây lan...

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cũng khẳng định, sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố tăng cường công tác kiểm dịch trong vận chuyển gia súc, gia cầm; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp: Giấu dịch, không báo cáo; bán chạy, giết mổ động vật nghi mắc bệnh; vứt xác động vật ra môi trường... làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng.

Cũng về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị chính quyền các địa phương không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh, không để phát sinh ổ dịch mới; xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh; chủ động triển khai các biện pháp, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo quy định của pháp luật; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn tình trạng gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc nhập lậu vào nước ta.

Cùng với đó, các địa phương cần tổ chức triển khai việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80% tổng vật nuôi hiện có được tiêm phòng trong thời gian sớm nhất; thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/phong-chong-dich-benh-tren-dong-vat-dip-tet-chu-dong-tu-co-so-691234.html
Zalo