Phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi trước, trong và sau Tết Ất Tỵ 2025

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn vừa ký Công văn số 7357/UBND-NN yêu cầu các sở, đơn vị, địa phương trong tỉnh triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Cụ thể, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ động cập nhật, theo dõi sát diễn biến tình hình thời tiết để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn người dân các biện pháp trong phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi; đôn đốc các địa phương khẩn trương triển khai tháng tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh. Không để các loại mầm bệnh ở môi trường, nhất là ở những nơi có mật độ chăn nuôi cao, các điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật, địa điểm thường xuyên xảy ra dịch bệnh.

 Áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học cho đàn vật nuôi.

Áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học cho đàn vật nuôi.

Phối hợp với các địa phương tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi; chủ động giám sát, phát hiện dịch bệnh động vật nguy hiểm để kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm ổ dịch phát sinh.

Công an tỉnh, Ban Chỉ đạo 389, Đoàn Kiểm tra liên ngành cơ động phòng, chống dịch động vật tăng cường kiểm tra công tác vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

Phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông tăng cường tuyên truyền về tính chất, nguy cơ phát sinh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật. Tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; đẩy mạnh việc xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch dịch bệnh động vật đối với các huyện, thị xã, thành phố, chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương được kiểm tra.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn và cơ quan chuyên môn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dẫn các biện pháp phòng, chống rét theo chỉ đạo của tỉnh và các cơ quan chuyên môn. Chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện.

Tập trung tổ chức triển khai thực hiện tháng tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường. Quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ, kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, động vật nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng. Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc khử trùng, chủ động phòng dịch, chăm sóc nuôi dưỡng, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn vật nuôi.

Thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn. Đối với các địa phương đã và đang có dịch bệnh cần khẩn trương triển khai các biện pháp khoanh vùng, tập trung xử lý, không để dịch bệnh lây lan. Chấn chỉnh công tác thú y, đặc biệt chú trọng khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh, báo cáo số liệu dịch bệnh theo quy định.

Các cơ quan thông tin truyền thông chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các quy định của nhà nước trong phòng chống dịch bệnh động vật; biện pháp phòng bệnh phù hợp với từng đối tượng vật nuôi, vùng nguy cơ, tác hại của dịch bệnh…

TS

<

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/phong-chong-dich-benh-tren-dan-vat-nuoi-truoc-trong-va-sau-tet-at-ty-2025-postid409959.bbg
Zalo