Phòng, chống dịch bệnh nổi bật mùa đông xuân
Môi trường mưa ẩm thuận lợi cho virus phát triển, nhất là các bệnh nhiễm trùng hô hấp và đường tiêu hóa. Trong số các ca bệnh nhập viện tăng, một số trường hợp diễn biến nặng do tự điều trị.
Người già và trẻ em chiếm phần lớn
Vừa cầm sổ chờ gọi tên ở khu vực khám bệnh Trung tâm Y tế (TTYT) quận Phú Xuân, bà Trần T.H., 65 tuổi ho sù sụ khiến người xung quanh ái ngại. Bà kể: “Dạo gần đây nghe có loại virus gì đó gây viêm phổi lại ho kéo dài nên phải đi khám cho chắc”. Khác với bà H., một số người khác phải nhập viện điều trị nội trú. Bệnh nhân (BN) Nguyễn Thị Ng. ở phường Long Hồ, một giáo viên mầm non lên cơn sốt, đau đầu, run tay chân và lịm dần. Sau khi người nhà đưa vào nhập viện, chị Ng. được truyền dịch, lấy máu xét nghiệm và đang chờ kết quả.
Ở Khoa Nội tổng hợp - Nhi - Truyền nhiễm TTYT quận Phú Xuân, phòng bệnh dành cho trẻ em cũng kín giường. BN Lê Viết V.Q. ở Thủy Dương, TX. Hương Thủy sốt cao, mê sảng nên gia đình đưa đi cấp cứu. Sau một tuần điều trị, bệnh đã thuyên giảm. Cạnh bên là bé Nguyễn P.T.M. 2 tuổi, ở phường Tây Lộc, sốt cao, co giật, chẩn đoán viêm phổi đang duy trì uống kháng sinh theo dõi. Lãnh đạo khoa này cho biết, số lượng bệnh hô hấp, lây nhiễm do virus tăng nhiều so với tháng trước. “Chúng tôi điều trị theo triệu chứng bệnh và phác đồ của Bộ Y tế. Ngoài ra, khuyến cáo bà con không nên tự chữa bệnh ở nhà; ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, nằm ngủ có màn, tránh các dịch bệnh”, đại diện Khoa Nội tổng hợp - Nhi - Truyền nhiễm nói.
Tại TTYT quận Thuận Hóa, lượng BN chờ khám các bệnh do ảnh hưởng thời tiết cũng đông không kém. BN Phạm N.T., 64 tuổi ở phường Long Hồ về khám, nhận thuốc do bị tim mạch và phổi. Ông kể: “Bản thân có bệnh nên tiết giảm các công việc lao động ngoài trời, chỉ loanh quanh vườn tược. Mưa lạnh kéo dài, cơ thể phản ứng, lên cơn đau là tui chạy ngay về TTYT kiểm tra ngay”. BN Hồ Thị H. 66 tuổi, bị hen suyễn mấy năm nay. Đi đâu bà cũng mang theo thuốc uống, thuốc xịt kiểm soát cơn hen nhưng với dạng thời tiết này, lúc 3 giờ sáng, bà lên cơn khó thở, tức ngực chịu không nổi phải gọi xe cấp cứu đi viện. Bà H. thều thào: “Cứ nghĩ uống thuốc vô là đỡ như mọi khi nên tôi ráng ở nhà. Ai ngờ tình hình nguy kịch, không đi BV kịp là không qua khỏi rồi. Sau 2 ngày nằm cấp cứu, tình hình cải thiện hơn nhiều”.
BSCKI. Nguyễn Trường Lâm, Phó Trưởng khoa Khám bệnh Hồi sức cấp cứu TTYT quận Thuận Hóa chia sẻ: “Trong nhiều mặt bệnh vào cấp cứu, số lượng BN viêm hô hấp tăng. Hiện khoa tiếp nhận 3/7 BN bệnh nặng, có trường hợp nguy kịch. Các kíp trực của chúng tôi đều chuẩn bị phương án tiếp nhận, điều trị và xử lý các tình huống khẩn cấp”.
Giữ ấm, tuân thủ 2K
Theo BSCKI. Ngô Thành Nhân, Phó Giám đốc TTYT Quận Thuận Hóa, mô hình bệnh tật nổi bật mùa đông xuân gồm: Hen suyễn, COPD, hen phế quản... Một số BN nhập viện trong tình trạng nặng và tỷ lệ tăng 50%-60% so với các mùa trong năm. Trước tình hình đó, đơn vị sẵn sàng trong công tác khám, chữa bệnh và phòng bệnh. Tăng cường giáo dục, tư vấn sức khỏe nhất là người có nguy cơ cao, phụ nữ mang thai, trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh nền. Giữ ấm, duy trì 2K (khẩu trang kèm khử khuẩn thường xuyên) rất hữu ích. Chấp hành tiêm chủng theo khuyến cáo của cơ quan y tế. Khi có vấn đề về sức khỏe nên gặp bác sĩ sớm để được tư vấn, không nên tự chữa tại nhà, tránh biến chứng…
Tại Bệnh viện Trung ương Huế, các trung tâm, khoa phòng tiếp nhận BN liên tục. Trong lĩnh vực nhi khoa, các bệnh liên quan đến viêm phế quản, sởi, viêm phổi, tiêu chảy… tăng; một số bệnh diễn biến phức tạp. Thống kê của Phòng Kế hoạch tổng hợp đơn vị cho thấy, số lượng ca bệnh đột quỵ và hô hấp bắt đầu tăng dần cuối tháng 10, 11 trở đi khi thời tiết có dấu hiệu chuyển mùa.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Vũ Huỳnh, Phó Trưởng khoa Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Huế cho hay, đợt này có nhiều bệnh nặng hơn thường lệ, tuổi trung bình xấp xỉ 65; tỷ lệ xuất huyết não do tăng huyết áp cao hơn trong mùa lạnh. BS. Huỳnh khuyến cáo “giờ vàng” đối với các ca bệnh rất quan trọng. Ngay khi có dấu hiệu đột quỵ, nếu đưa đến BV kịp thời, có thể can thiệp nội mạch lấy huyết khối hoặc tái thông, mang lại nhiều cơ hội phục hồi cho người bệnh.
PGS.TS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế thông tin: “Thời tiết lạnh, nhiệt độ giảm, độ ẩm cao, môi trường này thuận lợi cho virus phát triển, nhất là các bệnh về hô hấp và đường tiêu hóa. Chúng tôi chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền giúp người dân nhận biết các triệu chứng, tổ chức tập huấn nhắc lại cách xử lý, chăm sóc theo dõi các bệnh thường gặp. Công tác dự phòng tiếp tục theo dõi, giám sát diễn biến dịch bệnh, lưu ý việc chẩn đoán, điều trị phù hợp, đảm bảo cơ số thuốc cùng trang thiết bị ở các cơ sở y tế”.
Liên quan đến tình hình bệnh do virus gây viêm phổi trên người (HMPV), Bộ Y tế cho biết đã chủ động theo dõi, cập nhật, có sự phối hợp chặt chẽ, chia sẻ của hệ thống y tế thế giới và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh của Hoa Kỳ. Người dân không nên hoang mang, chủ động phòng tránh bằng cách ăn chín, uống sôi, vận động nâng cao sức khỏe; rửa tay xà phòng, đeo khẩu trang tại nơi đông người.