Phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện
Cùng với nâng cao chất lượng dạy và học, những năm qua, ngành giáo dục đã tích cực phối hợp, thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực học đường (BLHĐ), hướng tới xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện.
Giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và phòng, chống BLHĐ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm công tác giáo dục toàn diện, vì vậy thời gian qua, Trường Tiểu học B Thanh Sơn (phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý) đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, như: Tuyên truyền dưới cờ đầu tuần, lồng ghép nội dung phòng, chống BLHĐ qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, nói chuyện truyền thống, mời cán bộ công an phường, Đoàn Thanh niên phối hợp tuyên truyền; dán pano, khẩu hiệu, tranh cổ động, góc tuyên truyền tại thư viện, bảng tin lớp để học sinh thường xuyên tiếp cận thông tin; triển khai mô hình “Bạn giúp bạn”, “Chi đội không có bạo lực học đường”, hòm thư “Điều em muốn nói” giúp học sinh chia sẻ, góp phần xây dựng môi trường học đường an toàn, thân thiện. Đồng thời, phát động cam kết “Nói không với bạo lực học đường”, mỗi lớp viết cam kết và dán lên bảng tuyên truyền tập thể.
Nhờ thực hiện đồng bộ, kiên trì các giải pháp tuyên truyền, giáo dục, nhận thức của học sinh Trường Tiểu học B Thanh Sơn đã được nâng lên rõ rệt. Các em biết phân biệt hành vi đúng – sai, tích cực trong ứng xử, biết nói lời xin lỗi – cảm ơn – yêu thương. Tình trạng xích mích, gây gổ, trêu chọc nhau giảm đáng kể, học sinh chủ động hòa giải và biết tìm sự hỗ trợ từ thầy cô, bạn bè; mạnh dạn chia sẻ qua các kênh như “Hòm thư điều em muốn nói”, qua giáo viên chủ nhiệm. Nhờ đó, tập thể các lớp luôn đoàn kết, môi trường học đường an toàn, thân thiện và tích cực.

Tiết sinh hoạt ngoài giờ lên lớp theo chủ đề phòng, chống bạo lực học đường của học sinh lớp 11A1, Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến (Duy Tiên).
Những năm qua, Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến (thị xã Duy Tiên) thường xuyên phối hợp với lực lượng công an xây dựng mô hình phòng, chống BLHĐ “Trường học thân thiện, an toàn về an ninh trật tự” (ANTT). Theo thầy giáo Trần Xuân Vui, Hiệu trưởng nhà trường, mô hình được triển khai với các tiêu chí, và nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về tác hại của BLHĐ cho cán bộ, giáo viên và học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường còn duy trì fanpage Đoàn trường, lồng ghép tuyên truyền hướng dẫn kỹ năng xử trí các tình huống khi xảy ra BLHĐ vào môn học giáo dục công dân, hoạt động trải nghiệm. Tổ chức cho 100% học sinh ký cam kết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh trật tự và phòng, chống BLHĐ. Ngoài ra, nhà trường còn thành lập Tổ tư vấn tâm lý học đường, nhằm kịp thời nắm bắt, giải quyết tâm tư, khúc mắc trong học sinh.
Nhằm nâng cao nhận thức của giáo viên, học sinh về phòng chống BLHĐ, xây dựng môi trường học đường an toàn, thân thiện, hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành công văn chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường công tác giáo dục kỹ năng sống, xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, tư vấn tâm lý cho học sinh, giáo dục chuyển đổi hành vi về phòng, chống BLHĐ. Trên cơ sở đó, các trường học chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền về phòng, chống BLHĐ theo đặc điểm từng trường; vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức tuyên truyền phòng, chống BLHĐ cho học sinh thông qua các chương trình, hoạt động. Việc phối hợp giữa các nhà trường với lực lượng công an, đoàn thanh niên cũng được thực hiện xuyên suốt năm học. Các buổi sinh hoạt ngoại khóa, chào cờ, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong đó nổi bật là chủ đề phòng, chống BLHĐ. Ngoài ra, các nhà trường thường xuyên phát động các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép nội dung phòng, chống BLHĐ vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tạo sự hứng khởi cho học sinh.
Đặc biệt, năm 2022, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Công an tỉnh tổ chức hội nghị ký kết, triển khai kế hoạch phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống BLHĐ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022- 2027. Công tác phối hợp giữa Sở GD&ĐT với Công an tỉnh, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và cơ sở giáo dục được triển khai, thực hiện đồng bộ, quyết liệt với nhiều nội dung, giải pháp và đạt kết quả tích cực. Trong đó, các bên đã phối hợp, tham mưu, chỉ đạo triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh; xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi BLHĐ...
Thời gian tới, để công tác phòng, chống BLHĐ thực sự mang lại hiệu quả rất cần sự tiếp tục chung tay phối hợp cùng vào cuộc của gia đình, nhà trường, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội. Cùng với đó, bản thân mỗi học sinh cần rèn luyện lối sống lành mạnh, ứng xử văn hóa, nghiêm chỉnh chấp hành nội quy của nhà trường, quy định của pháp luật. Nhà trường và gia đình cần quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh, con em mình để phối hợp có biện pháp giáo dục, can thiệp, xử lý kịp thời.