Phòng cháy, chữa cháy: Trách nhiệm không của riêng ai

Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) là một việc làm hết sức quan trọng, giúp hạn chế đến mức thấp nhất những nguy cơ, thiệt hại, rủi ro mà cháy, nổ gây ra về người và tài sản.

Chính vì vậy, ngày 4-10-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh Quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác PCCC. Sau này, Luật PCCC năm 2001 quy định rõ: PCCC là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam. Luật cũng quy định lấy ngày 4-10 hàng năm là Ngày Toàn dân PCCC.

Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có hơn 31 khu công nghiệp đang hoạt động; hoạt động sản xuất, kinh doanh sôi động; dân số đông, tập trung đông đúc tại đô thị… nên công tác PCCC có ý nghĩa rất lớn đối với việc bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 59 vụ cháy (giảm 30 vụ so với cùng kỳ năm 2023), làm 2 người chết, 3 người bị thương (không tăng, giảm số người chết và tăng 3 người bị thương so với cùng kỳ năm 2023). Đa phần các vụ cháy do đốt cỏ rác, phế liệu thiếu kiểm soát; cháy tại các cơ sở sản xuất, công ty, cháy xe… Nguyên nhân cháy là do sự cố điện, sơ suất, bất cẩn…

Có thể thấy, cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu nếu chủ quan, lơ là phòng ngừa. Để nâng cao ý thức, trách nhiệm PCCC trong toàn dân, kéo giảm số vụ cháy xảy ra trên địa bàn, thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức pháp luật về an toàn PCCC đến tận các địa bàn dân cư, doanh nghiệp thì lực lượng cảnh sát PCCC cần tiếp tục tập huấn, hướng dẫn cho lực lượng chữa cháy cơ sở, người dân phòng ngừa nguy cơ cháy từ điện, gas, xăng, dầu, giấy, vải, gỗ, sơn…; tập huấn quy trình xử lý đám cháy, thoát hiểm để giảm thiểu thiệt hại khi có cháy trong thực tế. Tiếp tục tổ chức xây dựng và nhân rộng 2 mô hình: Tổ liên gia an toàn PCCC và Điểm chữa cháy công cộng để lan tỏa tinh thần, ý thức, trách nhiệm PCCC trong cộng đồng dân cư.

PCCC là trách nhiệm không của riêng ai, mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội, bởi an toàn PCCC liên quan mật thiết đến tính mạng, tài sản của tất cả mọi người. Vì vậy, mỗi người dân phải là một chiến sĩ trên mặt trận PCCC, cần chủ động học tập, tìm hiểu để nắm vững pháp luật và kiến thức PCCC; tích cực tham gia Phong trào Toàn dân PCCC; quản lý, sử dụng an toàn nguồn lửa, nguồn nhiệt và các chất dễ cháy để loại trừ nguy cơ cháy, nổ; chủ động trang bị phương tiện PCCC tại chỗ để bảo vệ tính mạng, tài sản của chính mình. Hãy chung tay PCCC, vì một xã hội an toàn và phát triển.

Thư Ngọc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202410/phong-chay-chua-chay-trach-nhiem-khong-cua-rieng-ai-2c00a6a/
Zalo