Phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh
Mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh ngày càng phổ biến, đặc biệt ở khu vực đô thị, nơi tập trung đông dân cư. Hình thức nhà ở kết hợp kinh doanh mang lại lợi ích kinh tế, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
Nhà ở kết hợp kinh doanh thường có đặc điểm là không gian sinh hoạt và buôn bán chung trong một công trình xây dựng. Nhiều hộ tận dụng tầng một để kinh doanh tạp hóa, quần áo, ăn uống, sửa xe, cắt tóc… trong khi tầng trên để ở. Sự chồng chéo về công năng sử dụng dẫn đến nhiều nguy cơ về cháy nổ. Thực tế cho thấy nhiều nhà ở dạng này không có lối thoát nạn thứ hai, không lắp đặt thiết bị báo cháy, chữa cháy, sử dụng hệ thống điện không đảm bảo, sắp xếp hàng hóa dễ cháy gần nguồn nhiệt.

Nhiều cửa hàng kinh doanh kết hợp nhà ở.
Công tác PCCC tại loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn. Một số chủ hộ còn tâm lý chủ quan, chưa thực sự nhận thức được mức độ nguy hiểm của cháy nổ. Việc đầu tư lắp đặt thiết bị PCCC đôi khi bị xem nhẹ vì cho rằng tốn kém, không cần thiết. Ngoài ra, nhiều nhà ở được xây dựng từ lâu, không đảm bảo các yêu cầu về an toàn kỹ thuật. Một số địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh, việc tiếp cận tuyên truyền và trang bị phương tiện PCCC tại chỗ sơ sài, ảnh hưởng đến hiệu quả chung.
Chị Nguyễn Thị Hải T., chủ một cơ sở kinh doanh hàng hóa kết hợp nhà ở tại phường Điện Biên Phủ, chia sẻ: “Gia đình tôi vừa ở vừa bán hàng tại tầng một, phía trên là nơi sinh hoạt của cả nhà. Do diện tích hạn chế nên chúng tôi tận dụng mọi không gian để chứa hàng, thậm chí cả lối đi cũng chất đầy đồ đạc. Tôi cũng nhận thức được nguy cơ cháy nổ nhưng việc đầu tư đầy đủ thiết bị PCCC vẫn còn khó khăn do điều kiện kinh tế hạn chế. Thêm vào đó, ngôi nhà đã xây dựng từ lâu, không được thiết kế sẵn hệ thống PCCC nên rất khó để cải tạo, lắp đặt bổ sung”.

Điện lực tỉnh diễn tập PCCC. Ảnh CTV
Từ năm 2024 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 30 vụ cháy, trong đó 17 vụ liên quan đến nhà ở và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Theo thống kê và phân tích của cơ quan chức năng, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ cháy chủ yếu xuất phát từ sự cố thiết bị điện do chập mạch, quá tải điện, sử dụng dây dẫn kém chất lượng hoặc thiết bị điện không đảm bảo an toàn kỹ thuật. Bên cạnh đó, có nguyên nhân từ sơ suất trong quá trình sử dụng nguồn lửa như thắp hương, nấu nướng, đốt vàng mã gần vật liệu dễ cháy. Ngoài ra, một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng quy định về PCCC.
Trước thực trạng đó, lực lượng cảnh sát PCCC tăng cường phối hợp kiểm tra an toàn PCCC tại cơ sở. Việc kiểm tra không chỉ tập trung các nhà xung quanh chợ, khu vực hoạt động kinh doanh mà còn đặc biệt chú trọng đến các tổ hợp gia đình vừa sinh sống vừa buôn bán. Tại mỗi hộ, cán bộ PCCC xác minh các yếu tố nguy cơ như: Hệ thống cấp điện, nồi chiên, bếp gas, bình chứa nhiên liệu, phương án tổ chức chữa cháy ban đầu, lối thoát hiểm, biển báo, hệ thống thoát khói… Nếu nhận thấy vi phạm hoặc chưa đảm bảo an toàn, các hộ bị yêu cầu rà soát, khắc phục ngay, thậm chí đình chỉ hoạt động kinh doanh cho đến khi đáp ứng yêu cầu.
Hoạt động tuyên truyền và huấn luyện PCCC được đẩy mạnh. Các lực lượng chức năng phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ năng sử dụng bình chữa cháy, cách xử lý tình huống khi phát hiện cháy hoặc sự cố rò rỉ gas. Mục tiêu là nâng cao cảnh giác từ mỗi gia đình, từng hộ kinh doanh, tránh để xảy ra bất cứ sơ hở nhỏ nào dẫn đến tai họa.

Mô hình tiếng kẻng an toàn PCCC ở các thôn, bản phát huy hiệu quả.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát PCCC đã tổ chức 16 buổi tuyên truyền kiến thức kỹ năng PCCC và cứu nạn cứu hộ với tổng số 11.150 người tham gia. Tổ chức 7 buổi trải nghiệm thực hành kỹ năng PCCC và cứu nạn cứu hộ cho 4.230 người. Phối hợp chính quyền địa phương tổ chức 25 buổi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng PCCC và cứu nạn cứu hộ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn toàn tỉnh với tổng số 4.338 người tham gia. Đồng thời, phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình về an toàn PCCC như: 162 “Điểm chữa cháy công cộng”, 172 “Tổ liên gia an toàn PCCC”, 334 “Trường học an toàn PCCC”, hơn 800 mô hình “Tiếng kẻng an toàn PCCC”.
Lực lượng cảnh sát PCCC đã tiến hành kiểm tra 453 cơ sở, lập 453 biên bản kiểm tra an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ, kiến nghị khắc phục 6 thiếu sót trong công tác PCCC. Kiểm tra an toàn PCCC đối với 63 kho, khu vực lưu trữ, bảo quản hồ sơ của các sở, ban, ngành, các huyện (cũ) trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy. Phối hợp Sở công thương tiến hành kiểm tra đối với 21 kho vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Xử phạt vi phạm hành chính 1 trường hợp.
Hiện nay, toàn tỉnh có 1 nhà máy chiết nạp gas; 172 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu, khí đốt hóa lỏng; 30 cơ sở thường xuyên làm nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh có sử dụng đến vật liệu nổ công nghiệp; hơn 320 cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; hơn 120 khách sạn, nhà trọ, nhà nghỉ; 40 chợ và trung tâm thương mại; hơn 5.000 nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao.

Công an phường Mường Thanh hướng dẫn người dân cách xử lý cháy nổ.
Cuối năm 2024, Quốc hội đã thông qua Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ (có hiệu lực từ 1/7/2025); trong đó tại Điều 21 quy định về “Phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh”: Nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy sau đây: Các điều kiện an toàn về phòng cháy quy định tại Điều 20 của Luật này; có biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn theo quy định; khu vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa có nguy cơ cháy, nổ phải có giải pháp ngăn cách hoặc ngăn cháy với khu vực ở.
Bên cạnh đó, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy sau đây: Không bố trí chỗ ngủ trong khu vực sản xuất, kinh doanh; có phương tiện báo cháy, giải pháp thông gió, thiết bị phát hiện sự cố rò rỉ chất khí nguy hiểm về cháy, nổ phù hợp với công năng, đặc điểm của nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ; khu vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải được ngăn cháy với lối thoát nạn của khu vực để ở.
Phòng cháy hơn chữa cháy - nguyên tắc ấy chưa bao giờ cũ, đặc biệt trong bối cảnh phát triển đô thị và thương mại ngày càng gia tăng. Sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, lực lượng chức năng và người dân sẽ là chìa khóa để xây dựng môi trường sống an toàn, bền vững, giảm thiểu thiệt hại do hỏa hoạn gây ra.