Phòng cháy - Ai lo?
Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ hỏa hoạn gây thiệt hại lớn cả về người và tài sản. Điều đáng nói, hầu hết các vụ hỏa hoạn xảy ra đều do lỗi chủ quan của những người quản lý hoặc sử dụng.
Người xưa từng răn dạy: Nhất thủy, nhì hỏa. Ngẫm từ điều răn dạy này sẽ thấy rõ sự tàn khốc nếu để xảy ra lũ lụt, hỏa hoạn. Vậy nhưng, trước những thiệt hại nhỡn tiền, những mất mát, đau thương đến xé lòng nhưng dường như vẫn chưa đủ sức để cảnh tỉnh đối với không ít người, không ít gia đình và chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Dường như việc phòng, chống cháy nổ, hỏa hoạn vẫn không phải là việc của mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh, mà đó là việc của cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương. Bởi vậy, việc nâng cao ý thức phòng, chống cháy nổ, hỏa hoạn của nhiều người nếu có làm cũng chỉ mang tính hình thức hoặc làm cho có để “qua mắt” các cơ quan chức năng.
Trách nhiệm của người dân đã vậy, trách nhiệm của cơ quan quản lý, của chính quyền địa phương cũng còn rất nhiều điều đáng bàn.
Thấy rõ được sự nguy hại khi để xảy ra cháy nổ, trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành không ít văn bản chỉ đạo; các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân đối với công tác phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại không được như mong muốn. Cháy nổ vẫn liên tục xảy ra, gây hậu quả rất nghiêm trọng và trở thành nỗi ám ảnh, bất ổn trong đời sống xã hội.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị số 46/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn tại các cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ, địa điểm tập trung đông người dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ-2025. Đây là việc làm kịp thời và rất cần thiết nhằm chấn chỉnh và nâng cao hơn nữa chất lượng toàn diện về công tác phòng, chống cháy nổ. Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ quy định rất chi tiết, toàn diện những việc phải làm nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn, bảo đảm để mọi người dân được đón Tết vui tươi, đầm ấm. Chỉ thị của Thủ tướng cũng xác định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương và đặc biệt giao Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ trực tiếp chỉ đạo. Như vậy, đủ để chúng ta nhận thấy mức độ và tầm quan trọng trong công tác phòng cháy, chữa cháy hiện nay, nhất là dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ-2025 đang đến rất gần.
Văn bản chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương về công tác phòng cháy, chữa cháy không thiếu, thậm chí khá đồng bộ. Sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các địa phương đối với công tác phòng cháy, chữa cháy cũng không phải không có. Vấn đề còn lại chính là khâu tổ chức hiện theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy của mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh. Nếu cứ để tình trạng làm cho có, làm cho xong, làm cho đủ số liệu để đưa vào báo cáo, mà chưa thấy hết sự nguy hại nếu xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn… thì hậu quả thật khó lường hết. Một nén hương cho người đã khuất, một khoản tiền hỗ trợ sau những vụ cháy nổ xảy ra thật đáng trân trọng, nhưng đó chỉ là sự chạy theo những vụ việc đã rồi. Để không còn xảy ra những vụ cháy nổ, hỏa hoạn gây thiệt hại lớn về người và tài sản; để không trở thành nỗ ám ảnh, day dứt đối với không ít người; để không còn là sự tiếc nuối… giá như, thì hơn hết và trước hết, mỗi người phải tự lo cho chính mình, cho gia đình mình, cho cơ sở của mình trước. Nâng cao ý thức, cẩn trọng trong quản lý và sử dụng các thiết bị, vật tư, vật liệu dễ xảy ra cháy nổ chính là giải pháp căn bản và bền vững nhất trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Vì vậy, phòng, chống cháy nổ trước hết phải là trách nhiệm của mỗi người, của mỗi gia đình.