Phong cách làm phim chuẩn mực và độc đáo của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh là người hiếm hoi trong làng điện ảnh hầu như chỉ làm phim dựa trên kịch bản do chính mình viết, hoặc dựa trên các tác phẩm văn học.

Tiến sĩ Ngô Phương Lan và đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh tại cuộc tọa đàm về phong cách làm phim của ông. (Ảnh: ANH VŨ)

Tiến sĩ Ngô Phương Lan và đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh tại cuộc tọa đàm về phong cách làm phim của ông. (Ảnh: ANH VŨ)

Lần đầu tiên trong lịch sử các liên hoan phim ở Việt Nam có riêng một cuộc tọa đàm về phong cách sáng tác của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, với những ý kiến sâu sắc và đầy trân trọng, xúc động của các nhà nghiên cứu, nhà làm phim, nghệ sĩ, diễn viên… dành cho ông. Tọa đàm mang tên “Phong cách sáng tác của đạo diễn Đặng Nhật Minh”, nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng 2024.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh sinh năm 1938 tại Huế, là con trai của Giáo sư, bác sĩ Đặng Văn Ngữ, bậc thầy của ngành nghiên cứu ký sinh trùng ở Việt Nam. Mẹ của ông là bà Tôn Nữ Thị Cung, con gái của Thượng thư Bộ Hình kiêm Tổng đốc Nghệ An Tôn Thất Đàn dưới triều vua Khải Định.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh có sự nghiệp sáng tác kéo dài hơn nửa thế kỷ, đạt nhiều thành tựu nổi bật tại các liên hoan phim ở Việt Nam và quốc tế. Bộ phim truyện đầu tiên của ông là “Những ngôi sao biển” (1973), nhưng chưa được nhiều người biết đến. Ông bắt đầu nổi tiếng từ phim truyện “Thị xã trong tầm tay” về những đổ nát hữu hình trong cuộc sống và vô hình trong tâm hồn sau chiến tranh biên giới phía bắc (1983, Bông Sen vàng Liên hoan phim Việt Nam).

Bộ phim đưa tên tuổi của Đặng Nhật Minh nổi danh trong và ngoài nước là “Bao giờ cho đến tháng mười” (1984, Bông Sen vàng Liên hoan phim Việt Nam, Giải Đặc biệt của Ban giám khảo Liên hoan phim quốc tế Hawaii, Top 18 bộ phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại theo bình chọn của CNN).

Phong cách sáng tác của Đặng Nhật Minh bộc lộ rõ nét ở sự tinh tế, sâu lắng, làm rung động khán giả, ở bản sắc Việt Nam trong sự kết nối số phận người phụ nữ với số phận đất nước, tâm hồn con người với tâm linh dân tộc. Bộ phim đoạt giải tại nhiều quốc tế nhất là Thương nhớ đồng quê (1995), Giải Đạo diễn Liên hoan phim Việt Nam và nhiều giải thưởng tại các Liên hoan phim quốc tế: Giải NETPAC tại Liên hoan phim Rotterdam, Giải Montgolfiere vàng tại Liên hoan phim Ba châu lục Nantes, Khán giả tại các Liên hoan phim Nantes, Fribourg, Versoul, Giải KODAK tại Liên hoan phim châu Á-Thái Bình Dương, Giải ACCT tại Liên hoan phim Namur…).

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh trong vòng tay các nghệ sĩ, nhà làm phim...

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh trong vòng tay các nghệ sĩ, nhà làm phim...

Những sáng tác của Đặng Nhật Minh rất phong phú với nhiều phim về đề tài lãnh tụ, chiến tranh cách mạng như “Hà Nội mùa đông 1946” (1997), “Đừng đốt” (2009). Ở bộ phim ông làm khi Việt Nam bước vào thời đổi mới “Cô gái trên sông” (1987), phong cách làm phim đã có những nét khác biệt.

Đặng Nhật Minh cũng có duyên nợ với đề tài Hà Nội. Ngoài phim “Hà Nội mùa đông 1946”, ông làm “Trở về” (1994), “Mùa ổi” (2000), “Hoa nhài” (2022).

Năm 2007, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, nghệ thuật. Trước đó, vào năm 1999, ông nhận “Giải thưởng lớn về văn hóa” của Nikkei (Nhật Bản) cho những tác phẩm điện ảnh. Và, năm 2022 ông nhận Huân chương Hiệp sĩ Nghệ thuật và văn học của Bộ Văn hóa Pháp.

Đối với Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến điện ảnh Việt Nam, Giám đốc Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng 2024, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh là đạo diễn tiêu biểu của điện ảnh Việt Nam. “Ở Việt Nam chưa có nhiều hội thảo, tọa đàm về đạo diễn Đặng Nhật Minh, trong khi quốc tế đã có rất nhiều. Chính vì thế chúng tôi quyết định làm một chuỗi sự kiện về ông, trong đó tiêu biểu nhất là trao giải thưởng Thành tựu điện ảnh. Tôi nghĩ đó là điều thực sự cần thiết khi các tác phẩm của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh trở thành một di sản quý giá của Việt Nam, và đưa di sản đó sống lại”.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh và các nghệ sĩ, nhà làm phim, nhà quản lý điện ảnh...

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh và các nghệ sĩ, nhà làm phim, nhà quản lý điện ảnh...

Chia sẻ về đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng, ông là một người đặc biệt, khi cả cha và con đều được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ đánh giá, NSND Đặng Nhật Minh là một trong số hiếm hoi những nhà điện ảnh Việt Nam có phong cách riêng, tác phẩm của ông có tiếng nói cá nhân, thân phận con người trong phim ông mang những vấn đề mang tính khái quát. Phim của ông rất Việt Nam, đặc biệt là về những người phụ nữ có thân phận nhỏ bé. Nhưng phim của ông khi ra thế giới lại có những yếu tố chung, theo xu hướng của thế giới là nói về những thân phận nhỏ bé.

Nói về chất văn chương và điện ảnh của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, PGS.TS Phạm Xuân Thạch cho biết, đây là người đã giúp hình thành con người văn hóa từ lúc nhỏ của anh, và bản thân anh cũng từng có nhiều bài viết về các tác phẩm của ông. Việc gìn giữ những di sản điện ảnh của ông cũng là cách để những di sản đó phát triển.

Theo PGS.TS Phạm Xuân Thạch, các tác phẩm điện ảnh của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh có hai thế giới song hành, gồm thế giới của ngôn ngữ và thế giới của hình ảnh. Hệ thống thế giới ngôn ngữ của ông là kiểu hình ảnh nói lên rất nhiều thứ. “Hình ảnh trong phim ông là hình ảnh rất đẹp nhưng khắc kỷ, một kiểu khắc kỷ rất khác. Hệ thống thế giới hình ảnh của ông là hình ảnh ngôn ngữ, nghĩa là mọi hình ảnh đều có ý nghĩa, khác với hình ảnh đẹp” - PGS.TS Phạm Xuân Thạch nói.

Còn với ngôn ngữ, PGS.TS Phạm Xuân Thạch cho rằng, trong phim của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, ngôn từ được giao cho trọng trách quan trọng nhất, nhiều khi là ngôn từ dẫn dắt mọi thứ. Anh nói về một trường đoạn trong bộ phim “Thương nhớ đồng quê” rất xúc động, khi Nhâm vừa dỡ lò gạch và đi ra thăm đồng, một thằng bé mới lớn nhưng phải đảm nhận trọng trách của một người đàn ông trưởng thành, bao quát cả một công việc lớn.

“Lúc đó, hình ảnh của nhà quay phim, NSND Nguyễn Hữu Tuấn, diễn xuất của Tạ Ngọc Bảo, và chỉ đạo của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh đã khiến trường đoạn đó trở nên xuất sắc" - PGS. TS Phạm Xuân Thạch nhận xét.

PGS. TS Phạm Xuân Thạch cũng cho rằng, phim của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh mang tính thời sự, từ “Thị xã trong tầm tay”, “Cô gái trên sông”…, những câu chuyện xảy ra trong phim đều có tính thời sự, được đề cập trên báo chí hằng ngày thời điểm đó. Ông đã tìm cách với những công cụ rất hạn chế và lỗi thời của thời đại mình để làm phim. Chính trong hoàn cảnh đó, những nhà làm phim như ông đã làm được những điều mà điện ảnh ngày nay không làm được. "Tôi tin rằng Đặng Nhật Minh là con người của thời đại của chính ông” – PGS. TS Phạm Xuân Thạch nói.

Không nhận xét về phong cách làm phim của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, nhưng bà Lê Thị Hà, Giám đốc Viện Phim Việt Nam cho biết, trong những năm qua, Viện nhận được rất nhiều yêu cầu cung cấp các chùm phim của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, từ cả các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế. Chính vì yêu cầu cao, cho nên hầu hết phim của ông được dịch ra tiếng Anh lưu trữ dưới dạng song ngữ, để cung cấp cho nhiều liên hoan phim, tuần phim quốc tế…

Bà Lê Thị Hà cũng cho biết, Viện nhận được rất nhiều phản hồi về phim của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, trong đó có nhiều phản hồi từ khán giả trẻ. Nhiều khán giả nhận xét rằng, khi xem xong phim của ông thấy tình yêu đất nước trào dâng.

Với những giá trị độc đáo đó, các tác phẩm điện ảnh của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh thực sự là một di sản, như lời PGS.TS Phạm Xuân Thạch nói, cần phải gìn giữ để di sản đó gieo mầm cho những tác phẩm điện ảnh phát triển. Và di sản đó cần một vị trí xứng đáng hơn, để khán giả nhiều thế hệ có thể dễ dàng tiếp cận, sử dụng, thưởng thức và khám phá.

Đây là lần đầu tiên tôi được dự một hội thảo về những bộ phim của tôi, tôi rất xúc động. Câu chuyện về phim của tôi bao giờ cũng gắn với xã hội trong một giai đoạn nhất định, và chỉ xảy ra ở Việt Nam. Do vậy ai quan tâm đến xã hội, con người đều có thể tìm xem phim của tôi. Đó là một đặc điểm nhưng cũng là một hạn chế vì không đáp ứng hết nhu cầu của khán giả. Phim của tôi không có nhiều tình tiết éo le, nhưng câu chuyện phải kể làm sao để người xem phải cảm động rồi có những suy nghĩ riêng của mình. “Từ cảm động rồi đi đi đến suy nghĩ” là hai trạng thái mà tôi luôn suy nghĩ khi làm phim, đó là lý do tôi thường tự viết kịch bản cho mình. Những gì tôi đã làm cho điện ảnh Việt Nam là rất nhỏ bé.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phong-cach-lam-phim-chuan-muc-va-doc-dao-cua-dao-dien-nsnd-dang-nhat-minh-post818151.html
Zalo