'Phòng bệnh trên tôm và giải pháp giảm chi phí sản xuất tôm'
Ngày 29/12, tại thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sóc Trăng phối hợp UBND thị xã Vĩnh Châu tổ chức Hội nghị chuyên đề phòng một số bệnh trên tôm nuôi, giải pháp tiết kiệm chi phí và giảm giá thành trong sản xuất. Đồng chí Quách Thị Thanh Bình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì hội nghị. Tham dự có lãnh đạo các đơn vị liên quan trực thuộc sở; đại diện lãnh đạo UBND thị xã Vĩnh Châu; lãnh đạo các xã, phường; tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) và hộ nuôi tôm tiêu biểu tại thị xã.

Quang cảnh Hội nghị chuyên đề phòng một số bệnh trên tôm nuôi, giải pháp tiết kiệm chi phí và giảm giá thành trong sản xuất tại thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Ảnh: THÚY LIỄU
Thông tin tại hội nghị, đồng chí Đồ Văn Thừa - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho biết, tính đến hết tháng 4/2025, diện tích thả nuôi tôm nước lợ ước hơn 12.255ha (tôm thẻ chân trắng hơn 9.930ha, tôm sú hơn 2.305ha); diện tích tôm nuôi thiệt hại lũy kế đến nay là 144ha, chiếm 1,2% diện tích thả nuôi. Diện tích tôm nuôi đã thu hoạch hơn 1.191ha, sản lượng thu về hơn 10.392 tấn (tôm thẻ chân trắng 6.915 tấn, tôm sú 3.242 tấn). Giá bán tôm thẻ chân trắng nguyên liệu cỡ 20 - 50 con/kg từ 130.000 - 207.000 đồng/kg, cao hơn từ 12.000 - 17.000 đồng/kg so cùng kỳ năm trước. Để hỗ trợ người dân trong mùa vụ nuôi tôm, ngành Nông nghiệp và Môi trường đã tổ chức quan trắc môi trường tại 28 điểm kênh đầu nguồn trên địa bàn toàn tỉnh lấy kết quả quan trắc nước đưa ra các khuyến cáo đến người nuôi tôm thông qua zalo, phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức tuyên truyền hộ nuôi tôm theo quy trình VietGAP...
Đại biểu đã đặt câu hỏi với ngành chuyên môn về cách sớm nhận biết và phòng một số bệnh thường gặp phổ biến trên tôm hiệu quả như: bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp, phân trắng, đốm đen, thối đuôi, đen mang, mềm vỏ, tôm phát sáng và đặc biệt là bệnh vi bào tử trùng trên tôm. Cách phòng tránh dịch bệnh cho tôm vào thời điểm mùa nắng chuyển sang mùa mưa và thời điểm nuôi tôm trong mùa mưa; cách lựa chọn con giống nuôi an toàn dịch bệnh. Giải pháp nuôi tôm giảm chi phí, nâng cao năng suất và chất lượng tôm nuôi gắn bảo vệ môi trường vùng nuôi, đem về lợi nhuận tốt cho hộ nuôi tôm trong mùa vụ… Đại diện lãnh đạo các ngành chuyên môn đã giải đáp các câu hỏi đại biểu đầy đủ.
Đồng chí Quách Thị Thanh Bình chia sẻ, trong quý II/2025, chỉ tiêu của đơn vị là diện tích nuôi tôm nước lợ 30.000ha; sản lượng tôm nước lợ đạt 52.200 tấn. Để thực hiện đạt các chỉ tiêu trên, đơn vị sẽ thực hiện các cuộc hội nghị chuyên đề tại các vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh; kịp thời thông tin những diễn biến về giá cả, môi trường, thời tiết và dịch bệnh trên tôm đến người nuôi. Tăng cường quản lý nuôi tôm nước lợ, theo khung lịch mùa vụ; thực hiện quan trắc môi trường vùng nuôi, nhằm đưa ra các khuyến cáo kỹ thuật và giải pháp kịp thời để đảm bảo diện tích nuôi phát triển tốt và hạn chế thiệt hại. Tiếp tục triển khai Đề án tôm nước lợ; tổ chức hội nghị, hội thảo về liên kết vùng, xúc tiến thương mại sản phẩm ngành hàng tôm của tỉnh...