Phối hợp nhịp nhàng trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm

Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các cơ quan được giao chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP.

Luật An toàn thực phẩm năm 2010, được sửa đổi bổ sung tại Luật số 28/2018/QH14, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm được sửa đổi, bổ sung tại Nghị địnhh số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương được giao quản lý và phân cấp quản lý ATTP theo lĩnh vực được phân công. Tại địa phương, quản lý ATTP theo lĩnh vực được phân cấp cho các sở gồm: Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương.

Tuy nhiên, theo Quyết định số 22/QĐ-UBND ngày 06/01/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tổ chức lại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau, từ ngày 01/02/2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau, công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm giao Sở Y tế thông nhất quản lý, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm là đơn vụ trực thuộc Sở Y tế, làm đầu mối giúp Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành có liên quan.

Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành có liên quan.

Ông Hoàng Lý Tưởng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau, cho biết: “Đến thời điểm này, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đã thực hiện đầy đủ, đúng chức trách của chi cục, không có bất cứ vấn để nào tồn tại tại vì trong công tác quản lý an toàn thực phẩm có sự phối hợp giữa 3 ngành nông nghiệp, công thương và y tế. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đang thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về chất lượng an toàn thực phẩm, theo đánh giá đảm bảo đúng quy định của pháp luật”.

Ông Trần Hữu Nghị, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường, chia sẻ: “Lực lượng Quản lý thị trường là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng phòng chống, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại trên thị trường, bao gồm hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh trong công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Cục Quản lý thị trường luôn cử công chức tham gia đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP theo yêu cầu của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh trong các dịp lễ, Tết như Tết Trung thu, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán…”.

Các sở, ngành phối hợp kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cửa hàng, cơ sở kinh doanh thực phẩm.

Các sở, ngành phối hợp kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cửa hàng, cơ sở kinh doanh thực phẩm.

Theo chức năng, nhiệm vụ của ngành, công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm được Cục Quản lý thị trường chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm theo các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Tổng cục Quản lý thị trường và UBND tỉnh, tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật hiện hành. Trong năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường Cà Mau đã xử phạt 120 vụ vi phạm về ATTP, nộp ngân sách Nhà nước số tiền 338 triệu đồng. Các hành vi vi phạm phổ biến gồm: kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn vi phạm quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản thực phẩm; không bố trí riêng biệt theo quy định của pháp luật về nơi bảo quản nguyên liệu, thành phẩm, sơ chế, chế biến, đóng gói, nhà vệ sinh, rửa tay, thay đồ bảo hộ và các khu vực phụ trợ liên quan; sử dụng người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm; dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy theo quy định, Nơi kinh doanh, bày bán, bảo quản thực phẩm bị côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; nơi bày bán, bảo quản thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản không cách biệt hoặc bị ô nhiễm bởi thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hóa chất độc hại.

Những khó khăn vướng mắc về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm mà các cơ quan chức năng đang gặp phải là hạn chế về nguồn lực, tức là lực lượng quản lý thị trường ngày càng mỏng, thiếu cán bộ có chuyên môn cao về ATVSTP. Tài chính, trang thiết bi, ngân sách dành cho việc trang bị thiết bị, công cụ kiểm nghiệm còn hạn chế. Thêm nữa, thực phẩm được phân phối qua nhiều kênh khác nhau, từ các chợ truyền thống đến các siêu thị, cửa hàng, cơ sở, hộ gia định sản xuất nhỏ lẻ, gây khó khăn trong việc kiểm soát. Đặc biệt, xu hướng tiêu dùng và kinh doanh hiện nay khá phổ biến qua loại hình thương mại điện tử nên thị trường thực phẩm ngày càng phức tạp, khó kiểm tra giám sát. Cuối cùng là các quy định pháp luật của các bộ, ngành, địa phương chưa thống nhất, đồng bộ, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Để công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh tốt hơn, các sở, ban, ngành có liên quan hiện đang triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm tra chuyên đề chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi các quy định pháp luật về ATVSTP đến người dân và doanh nghiệp. Nâng cao ý thức người tiêu dùng về việc lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn. Công khai rộng rãi thông tin cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.

Ông Trần Hữu Nghị nêu rõ: “Chúng tôi đề xuất nâng cao năng lực đội ngũ công chức làm công tác quản lý về an toàn thực phẩm: thường xuyên tập huấn, cập nhật kiến thức mới về các loại thực phẩm, công nghệ sản xuất và các hình thức vi phạm mới; tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về ATVSTP cho cán bộ quản lý thị trường, trang bị kiến thức về quy định pháp luật, kỹ năng kiểm tra, lấy mẫu, test nhanh, giám sát và xử lý vi phạm. Ngoài ra, cần tăng cường đầu tư trang bị thiết bị, cơ sở vật chất cho đơn vị, công chức phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, xử lý về an toàn thực phẩm đảm bảo tốt nhất trong thi hành công vụ. Song song đó là tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý về an toàn thực phẩm; thành lập các tổ công tác liên ngành để phối hợp kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong các dịp lễ, tết”.

Riêng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho rằng, cần đề xuất sửa đổi luật sao cho phù hợp với công tác quản lý an toàn thực phẩm. Các văn bản pháp luật ban hành phải thật sớm để đơn vị thực hiện công tác quản lý nhịp nhàng, kỹ lưỡng.

Ông Hoàng Lý Tưởng chia sẻ thêm: “Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm là đơn vị tham mưu cho Sở Y tế, là cơ quan thường trực của ban chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho ban chỉ đạo về an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn của tỉnh. Thời gian qua, Chi cục đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình”.

Lam Khánh – Chí Diện

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/phoi-hop-nhip-nhang-trong-quan-ly-an-toan-ve-sinh-thuc-pham--a36291.html
Zalo