Phối hợp hiệu quả, đưa công tác phòng, chống tội phạm lên tầm cao mới
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định, việc ký Thông tư liên tịch giữa Kiểm toán nhà nước (KTNN), Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (KSNDTC) sẽ là hành lang pháp lý để đưa công tác phối hợp giữa các cơ quan trong phòng, chống tội phạm lên tầm cao mới, hiệu quả hơn.
Chiều 20/01, tại Trụ sở Bộ Công an đã diễn ra Lễ ký Quy chế phối hợp công tác trong hoạt động kiểm toán giữa KTNN và Bộ Công an (Quy chế phối hợp) và ký Thông tư liên tịch quy định phối hợp giữa KTNN, Cơ quan điều tra và Viện KSNDTC trong việc trao đổi thông tin và kiến nghị khởi tố vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán (Thông tư liên tịch).
Đồng chí Lương Tam Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và đồng chí Ngô Văn Tuấn - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước đồng chủ trì Lễ ký.
Tham dự Lễ ký có các đồng chí: Nguyễn Hữu Đông - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Ban Nội chính Trung ương; Thượng tướng Võ Minh Lương - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; các đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an: Trung tướng Nguyễn Văn Long; Thiếu tướng Đặng Hồng Đức; đồng chí Nguyễn Huy Tiến - Viện trưởng Viện KSNDTC; đồng chí Hồ Đức Anh - Phó Viện trưởng Viện KSNDTC.
Về phía KTNN, tham dự buổi lễ có các đồng chí Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Hà Thị Mỹ Dung, Doãn Anh Thơ, Bùi Quốc Dũng, Trần Minh Khương.
Dự buổi lễ còn có đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, KTNN và Viện KSNDTC.
Tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang và Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã ký Quy chế phối hợp công tác trong hoạt động kiểm toán giữa KTNN và Bộ Công an.
Tiếp đó, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương; Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Minh Khương và Phó Viện trưởng Viện KSNDTC Hồ Đức Anh - đại diện các cơ quan đã ký Thông tư liên tịch quy định phối hợp giữa KTNN, Cơ quan điều tra và Viện KSNDTC trong việc trao đổi thông tin và kiến nghị khởi tố vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trân trọng cảm ơn Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện KSNDTC trong thời gian qua đã luôn quan tâm, hỗ trợ, phối hợp, tạo điều kiện giúp cho KTNN hoàn thành nhiệm vụ.
Đặc biệt, Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định, việc ký Thông tư liên tịch giữa 4 cơ quan ngày hôm nay thể hiện thành quả, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong thời gian qua, dưới sự đôn đốc, giám sát của Ban Nội chính Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn cũng hy vọng, bằng Thông tư liên tịch này, công tác phối hợp trong phòng, chống tội phạm, chống lãng phí, tiêu cực giữa 4 cơ quan sẽ tiến hành hiệu quả hơn; là hành lang pháp lý để phối hợp chặt chẽ, đáp ứng điều kiện, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đưa công tác phối hợp trong công tác phòng, chống tội phạm lên tầm cao mới, hiệu quả hơn.
Cùng với đó là việc ký Quy chế phối hợp giữa KTNN với Bộ Công an, trong đó đã quy định cụ thể 9 nội dung phối hợp chặt chẽ giữa hai cơ quan. “Về phía KTNN, chúng tôi cam kết sẽ thực hiện đầy đủ các nội dung đã quy định trong Quy chế phối hợp, đặc biệt là việc phòng, chống tội phạm tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm an ninh mạng, an ninh nội bộ, trật tự an toàn xã hội” - Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định.
Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị lãnh đạo Bộ chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với KTNN trong xây dựng kế hoạch kiểm toán theo phương châm an toàn, hiệu quả, gọn nhưng chất lượng, giúp cho Bộ Công an đánh giá được hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công, đặc biệt trong các lĩnh vực nóng, dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, được dư luận xã hội quan tâm.
Đồng thời, hai bên phối hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, nhất là phối hợp chặt chẽ từ khâu chuẩn bị tài liệu, bố trí đầu mối tổ chức, cá nhân nắm chắc vấn đề để trao đổi, làm việc với đoàn kiểm toán; để khi thông qua báo cáo kiểm toán thì hai bên đều có sự thống nhất cao, có hướng khắc phục được các tồn tại, phát huy được ưu điểm trong công tác quản lý tài chính công, tài sản công.
Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đề nghị Bộ Công an phối hợp, giúp cho KTNN giám sát chặt chẽ Đoàn kiểm toán; giúp phòng, chống tiêu cực của đoàn kiểm toán và các kiểm toán viên trực tiếp tham gia kiểm toán; phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả, đúng thời hạn, theo quy định của pháp luật đối với các kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Tổng Kiểm toán nhà nước cũng cho biết, KTNN sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc đào tạo các kiến thức về quản lý tài chính công, tài sản công; đồng thời đề nghị Bộ Công an phối hợp, hỗ trợ KTNN trong đào tạo nghiệp vụ về an ninh mạng, bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước cũng như nghiệp vụ điều tra…
Năm 2009, KTNN và Bộ Công an đã ký Quy chế phối hợp lần đầu. Để bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành tập trung thống nhất, kịp thời của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo KTNN đối với công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trực thuộc cũng như tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong phối hợp thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và trong triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, KTNN và Bộ Công an đã phối hợp tổ chức rà soát và xây dựng Quy chế phối hợp trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự và thực hiện nhiệm vụ kiểm toán phù hợp với giai đoạn hiện nay.
Tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, những năm qua, lực lượng công an luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao. Kết quả đó có sự phối hợp rất chặt chẽ, có hiệu quả của Ban Nội chính Trung ương, Bộ Quốc phòng, KTNN, Viện KSNDTC.
Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh, Hội nghị Trung ương X khóa XIII đã thống nhất đánh giá, với thế và lực tích lũy được sau 40 năm đổi mới đất nước, với thời cơ, vận hội mới, đất nước ta đang đứng trước cánh cửa lịch sử vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển giàu mạnh.
Để đóng góp vào nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, nhiệm vụ kiểm toán với sự phát triển của đất nước, Bộ Công an và KTNN đã rà soát, thống nhất ký Quy chế phối hợp, đồng thời phối hợp với Viện KSNDTC, Bộ Quốc phòng ký kết Thông tư liên tịch.
Theo Bộ trưởng, việc ký kết Quy chế phối hợp và Thông tư liên tịch sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để KTNN, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện KSNDTC phối hợp chặt chẽ hơn trong các hoạt động có liên quan như: phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến công tác bảo đảm an ninh trật tự và thực hiện nhiệm vụ kiểm toán theo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm được giao; bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh mạng và bảo vệ bí mật nhà nước trong cơ quan KTNN; phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; phối hợp trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; phối hợp trong việc chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm và kiến nghị xem xét, khởi tố vụ án có dấu hiệu tội phạm và các vấn đề liên quan đến hồ sơ đầu mối phối hợp…
Để Quy chế phối hợp và Thông tư liên tịch sớm triển khai hiệu quả trong các mặt công tác liên quan, Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết, lãnh đạo Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thực hiện nghiêm túc các cam kết trong Quy chế, các quy định trong Thông tư liên tịch; tiếp tục gương mẫu đi đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Bộ Công an cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của các Bộ, ngành để tham mưu, đôn đốc, kiểm tra sơ kết đánh giá việc thực hiện Quy chế phối hợp và Thông tư liên tịch; cùng nhau tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ để công tác phối hợp ngày càng chặt chẽ, đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực./.