Phở 'treo' giữa phố cổ Hà Nội - lan tỏa tinh thần 'lá lành đùm lá rách'

Nắng nóng oi bức khiến người ta mệt mỏi, nhưng không thể làm giảm được năng lượng tích cực mà chủ một hàng ăn tại phố Bảo Khánh (Hà Nội) tỏa ra.

Độc lạ cái tên ''phở treo''

Tại một cửa hàng ăn trên phố Bảo Khánh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, tấm biển gỗ đề dòng chữ phở ''treo'' đặt ngay trước cửa đã nêu lên cách thức mà chủ cửa hàng muốn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Tấm biển được in cả bằng tiếng Anh để nhiều người có thể hiểu nguyện vọng của chủ cửa hàng hơn.

Theo người bán hàng, cái tên phở ''treo'' có nghĩa là khách hàng đến ăn có thể trả thêm tiền một hay nhiều suất rồi gửi lại quán để dành tặng cho những người thực sự cần hoặc có hoàn cảnh khó khăn.

Quán phở ''treo'' trên phố Bảo Khánh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Trần Đình

Quán phở ''treo'' trên phố Bảo Khánh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Trần Đình

Mỗi ngày, người chủ sẽ dành 30 bát phở để ''treo''. Sau đó, khách đến đây bắt đầu ''treo" từ số 31 trở đi. Những suất "treo" còn lại của ngày hôm trước chưa được dùng của quán sẽ được quán cộng dồn sang ngày hôm sau. Mô hình này được bà con láng giềng phố Bảo Khánh nhận định là phát huy truyền thống "lá lành đùm lá rách" của dân tộc ta.

Phở "treo" do vợ chồng chị Phan Lệ phát triển ý tưởng, nhằm san sẻ phần nào những bữa ăn chất lượng cho những người yếu thế, lao động nghèo, những hoàn cảnh khó khăn giữa chốn phố thị phồn hoa.

Để mọi người có thể hiểu rõ hơn về mô hình phở treo, chị Lệ có làm thêm biển ghi dòng chữ: Đây là một hình thức từ thiện bằng việc để lại một phần ăn cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn trong cộng đồng mà vẫn ủng hộ quán ăn địa phương. ''Mình làm biển treo số lên là để những người thực sự cần đi qua có thể thấy và thoải mái ăn mà không cần hỏi quán xem hôm nay còn phở miễn phí không. Số tiền khách gửi lại cũng tùy tâm, có thể bằng giá một bát phở hoặc ít hơn nhưng quán cam kết vẫn chuẩn bị những phần ăn đầy đủ, chất lượng cho người có hoàn cảnh khó khăn'', chị Lệ cho biết.

Chị Phan Lệ là người thực hiện mô hình quán phở ''treo'' trên phố Bảo Khánh. Ảnh: Trần Đình

Chị Phan Lệ là người thực hiện mô hình quán phở ''treo'' trên phố Bảo Khánh. Ảnh: Trần Đình

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, chị Phan Lệ kể lại rằng ý tưởng làm phở ''treo'' xuất phát từ một lần tình cờ xem chương trình của đất nước Italy về mô hình cà phê ''treo'', táo ''treo'' tặng người khó khăn.

Thấy có thể áp dụng cách thức này ngay tại quán ăn của mình để giúp đỡ mọi người, chị Lệ đã bàn bạc cùng gia đình thực hiện phở ''treo'' giúp người khó khăn. Chị Phan Lệ chia sẻ rằng, từng chứng kiến rất nhiều những mảnh đời vất vả đi qua cửa hàng trong trạng thái kiệt quệ, đói ăn, không nơi nương tựa. Sẵn có quán phở, chị đã cùng gia đình bắt tay vào triển khai mô hình này. ''Mô hình phở 'treo' đã được triển khai hơn một tháng. Khách đến ăn phở miễn phí ở mọi độ tuổi, không phân biệt ngành nghề nhưng ưu tiên người già, neo đơn, người khuyết tật và trẻ nhỏ có hoàn cảnh khó khăn'', chị Lệ nói.

Ấm bụng từ những bát phở tình người

Chị Lệ sinh ra trong một gia đình lao động nghèo, đã trải qua thời kỳ khó khăn với điều kiện sống thiếu thốn. Vì vậy, chị luôn thấu hiểu và cảm thông sâu sắc với hoàn cảnh của những người lao động, người khuyết tật, người bán hàng rong và trẻ em lang thang cơ nhỡ.

Với tấm lòng hảo tâm, chị Lệ may mắn khi luôn được các thành viên trong gia đình ủng hộ trong mọi hoạt động, nhất là việc thiện nguyện. Trong những chuyến đi thiện nguyện ở xa, mọi việc nhà cửa, hàng quán của chị đều được người thân hỗ trợ quán xuyến cẩn thận để chị hết mực yên tâm tham gia giúp đỡ mọi người.

Đáng chú ý, tấm biển in chữ phở "treo" cũng được con trai chị chủ động lên ý tưởng, thiết kế và in ấn. Điều này khiến chị Lệ rất hạnh phúc khi cả gia đình luôn đồng lòng giúp đỡ nhau.

Cả gia đình chị Lệ luôn tần tảo lao động để có thể hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn. Ảnh: Trần Đình

Cả gia đình chị Lệ luôn tần tảo lao động để có thể hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn. Ảnh: Trần Đình

Trên thực tế, 13 năm nay, chị Phan Lệ đã liên tục tham gia các hoạt động thiện nguyện. Đã từng có nhiều buổi trưa hè nắng nóng, chị không quản khó khăn sắp xếp từng hộp cơm cho người lao động, vô gia cư ở hồ Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, chị thấy việc phát cơm chỉ giới hạn được một số xuất nhất định, khó có thể nhân rộng, nên hết sức hài lòng với mô hình phở “treo” hiện tại...

Đang trò chuyện cùng chị Phan Lệ, một bóng phụ nữ cao tuổi với làn da đen sạm vì cháy nắng, dáng đi chậm rãi mệt mỏi, đứng từ xa khẽ hỏi: ''Hôm nay còn phở không?''. Đó là bà Phạm Thị Ngà, 67 tuổi. Bà làm nghề nhặt rác để mưu sinh, trên đôi vai gồng gánh thêm 2 người con bị nghiện ma túy và một đứa cháu chưa đầy 2 tuổi. Dù khó khăn là thế, nhưng bà Ngà luôn thể hiện sự ý tứ khi đến quán chị Lệ, chỉ dám đứng xa hỏi, không làm ảnh hưởng đến khách ăn.

Bà Phạm Thị Ngà với làn da đen sạm được cửa hàng phở ''treo'' hỗ trợ. Ảnh: Trần Đình

Bà Phạm Thị Ngà với làn da đen sạm được cửa hàng phở ''treo'' hỗ trợ. Ảnh: Trần Đình

Dù không nghe rõ giọng nói thều thào bị nhấn chìm trong âm thanh của còi xe, người mua kẻ bán nơi phố thị, gia đình chị Phan Lệ vẫn nhanh chóng hiểu ý và mang cho bà Ngà một bát phở đầy đặn để mang về. Bát phở này là để bà Ngà ăn chung với người cháu của mình.

Theo gia đình chị Phan Lệ, đây là lần thứ ba, người phụ nữ này ghé cửa hàng phố Bảo Khánh ăn phở ''treo''. Trước khi biết đến phở “treo”, bà Ngà chỉ dám ăn cơm nguội, có những hôm phải để bụng đói.

Một ''vị khách'' khác của cửa hàng là bà Nguyễn Thị Ngoạt (70 tuổi, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) làm quét dọn vệ sinh thời vụ. Mỗi ngày, bà phải đạp xe hơn chục cây số lên phố Nhà Chung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để làm việc, ngày công của bà dao động 50.000 - 100.000 đồng nên chỉ dám ăn bánh mì hay nắm xôi 5.000 đồng.

Bát phở giúp cô Ngoạt có thêm sức lực cho một buổi lao động vất vả. Ảnh: Trần Đình

Bát phở giúp cô Ngoạt có thêm sức lực cho một buổi lao động vất vả. Ảnh: Trần Đình

Kể về lần đầu ăn phở ''treo'', bà Ngoạt bày tỏ sự lo lắng vì chưa bao giờ nghe thấy mô hình này bao giờ, lại băn khoăn không biết người ta có thu tiền không. “Sau khi được nghe giải thích về mô hình phở treo, tôi mới yên tâm vào ăn. Cũng phải lâu lắm rồi, tôi mới được ăn bát phở ngon, đầy đặn đến thế”, bà Ngoạt chia sẻ.

Thông qua các phương tiện truyền thông lan tỏa về quán phở “treo” nhân đạo, trưa 14/8, anh Trịnh Quốc Bình cùng đồng nghiệp ghé qua quán phở để trải nghiệm. ''Đây là một mô hình hay và ý nghĩa, nêu bật truyền thống "thương người như thể thương thân" của người Việt. Tôi cùng đồng nghiệp có treo lại 5 bát phở với mong muốn phần nào có thể giúp đỡ cho những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn ở ngoài kia'' - anh Trịnh Quốc Bình chia sẻ.

Bát phở chị Lệ chuẩn bị cho những người khó khăn luôn đầy ắp tình yêu thương. Ảnh: Trần Đình

Bát phở chị Lệ chuẩn bị cho những người khó khăn luôn đầy ắp tình yêu thương. Ảnh: Trần Đình

Trong thời gian tới, chị Lệ hy vọng nhiều người sẽ biết thêm về mô hình “phở treo”, giúp nó được nhân rộng sang các chủ cửa hàng khác để có thể hỗ trợ được nhiều người khó khăn hơn. Đây là "cầu nối" để giúp những người có điều kiện hơn giúp đỡ những mảnh đời éo le thiết thực, hiệu quả.

Bên cạnh mô hình phở ''treo'', chị Lệ cũng đang triển khai song song hai hoạt động như "Bát cơm nhân ái" và "tủ thuốc miễn phí". Toàn bộ số tiền ủng hộ của khách ăn ở quán sẽ được dùng vào việc chuẩn bị suất cơm cho các bệnh nhân đang điều trị ở một số bệnh viện lớn, người già neo đơn hoặc người có hoàn cảnh khó khăn.

Trần Đình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/pho-treo-giua-pho-co-ha-noi-lan-toa-tinh-than-la-lanh-dum-la-rach-339260.html
Zalo