Phó tổng thống Mỹ thắng thế trong cuộc chiến giành ủng hộ của nhà tài trợ nhỏ

Chiến dịch của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết, họ đã quyên góp được khoảng 540 triệu USD trong hơn một tháng qua.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại chiến dịch vận động tranh cử ở Las Vegas, Nevada, Mỹ. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại chiến dịch vận động tranh cử ở Las Vegas, Nevada, Mỹ. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Theo kênh Al Jazeera ngày 30/8, kể từ khi bà Kamala Harris trở thành ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và sau đó trở thành ứng cử viên chính thức của đảng này, các khoản quyên góp cho chiến dịch của bà đã liên tục đổ về.

Chiến dịch của bà Harris cho biết, họ đã quyên góp được khoảng 540 triệu USD trong hơn một tháng qua. Đây là số tiền lớn nhất mà bất kỳ chiến dịch chính trị nào từng quyên góp được trong khoảng thời gian ngắn như vậy.

Ông Patrick Frank từng làm giám đốc tại ActBlue (nền tảng gây quỹ trực tuyến lớn nhất cho đảng Dân chủ) nhận định rằng cột mốc gây quỹ này là rất quan trọng.

Ông nói: “Đây chắc chắn là điều duy nhất. Đây là một số tiền chưa từng có...”. Theo ông, chỉ có các quỹ cứu trợ thảm họa mới có thể huy động được số tiền tương đương.

Nhưng ngay trong một đất nước mà các chiến dịch chính trị thường phải phụ thuộc vào các cỗ máy gây quỹ lớn được gọi là “siêu PAC”, thì chiến dịch của bà Harris cũng nổi bật vì dòng tiền đáng kể mà bà đang nhận được từ các nhà tài trợ nhỏ.

Trong số 497 triệu USD mà bà Harris đã nhận được tính đến ngày 20/8, khoảng 42% số tiền do 631.000 nhà tài trợ nhỏ như vậy đóng góp. Nhà tài trợ nhỏ là những người đóng góp dưới 200 USD.

Tổng cộng, các ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 trên toàn bộ chính trường đã quyên góp được khoảng 1,5 tỷ USD từ cả các nhà tài trợ lớn và nhỏ.

Nhìn chung, bà Harris đã xây dựng được một khoảng cách đáng kể về tài chính so với cựu Tổng thống Donald Trump, đối thủ đảng Cộng hòa của bà trong cuộc bầu cử tháng 11.

Theo các báo cáo nộp cho Ủy ban Bầu cử Liên bang, đến cuối tháng 7, bà Harris đã có khoảng 489 triệu USD trong ngân quỹ, so với 265 triệu USD của ông Trump.

Theo một bản ghi nhớ từ bà Jen O’Malley Dillon, quản lý chiến dịch của bà Harris, chỉ trong tuần của Đại hội đảng Dân chủ tại Chicago từ ngày 19 đến 22/8, khi bà Harris và liên danh tranh cử là Thống đốc Minnesota Tim Walz chấp nhận đề cử, chiến dịch của họ đã thu hút được 82 triệu USD tài trợ. Bà Dillon cho biết: “Đây là con số lớn nhất mà bất kỳ chiến dịch tổng thống nào từng thu được trong khoảng thời gian này”.

Bà Harris cũng dẫn trước ông Trump về các nhà tài trợ nhỏ: Ông Trump có 32% quỹ chiến dịch đến từ các nhà tài trợ nhỏ, so với 42% của bà Harris.

Tuy nhiên, bà Harris vẫn đứng sau so với một chiến dịch trước đây về hỗ trợ từ các nhà tài trợ nhỏ: Trong cuộc đua năm 2008, ông Barack Obama nhận được khoảng 44% tài trợ từ các nhà tài trợ nhỏ. Ông Obama đã nâng cao kỷ lục đó trong chiến dịch tái tranh cử.

Năm 1971, Đạo luật Chiến dịch Bầu cử Liên bang (FECA) đã được thông qua để quản lý tài chính chiến dịch tranh cử. Đạo luật yêu cầu các ứng cử viên phải tiết lộ các khoản đóng góp và chi tiêu cho chiến dịch bầu cử.

Mặc dù FECA không theo dõi rõ ràng các khoản đóng góp nhỏ vào thời điểm đó, nhưng một khoản đóng góp nhỏ có thể dao động từ 1 đến 200 USD gửi đến chiến dịch chính trị của một ứng cử viên hoặc một ủy ban hành động chính trị.

Theo các nhà kinh tế, các nhà tài trợ nhỏ có xu hướng đại diện cho dân số tổng thể hơn so với các nhà tài trợ lớn.

Phụ nữ chiếm 37,5% các nhà tài trợ lớn, so với tỷ lệ 54,1% các nhà tài trợ nhỏ. 89,4% các nhà tài trợ lớn là người da trắng. Chỉ có 3,9% là người da đen màu.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng giữa năm 2006 và 2020, số lượng đóng góp đã tăng lên trong khi số tiền đóng góp trung bình giảm từ 292 USD xuống còn 60 USD.

Cựu Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa ở bang Wisconsin ngày 18/7/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Cựu Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa ở bang Wisconsin ngày 18/7/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Các khoản đóng góp nhỏ có tầm quan trọng hơn sau chiến dịch tranh cử sơ bộ của ông Barack Obama năm 2007, khi ông đã quyên góp tổng cộng 750 triệu USD, trong đó khoảng 335 triệu USD đến từ các nhà tài trợ nhỏ.

Đến cuộc tranh cử sơ bộ năm 2011 của ông Obama cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012, số tiền của các nhà tài trợ nhỏ đóng góp đã tăng lên gần 50%. Trong quá trình này, ông đã tăng gấp đôi số tiền đóng góp từ các nhà tài trợ nhỏ mà ông đã nhận được bốn năm trước đó.

Trong khi đó, nhằm kêu gọi bà Harris theo đuổi lập trường quản lý mềm mỏng hơn đối với ngành tiền điện tử, các nhà đầu tư và giám đốc điều hành hàng đầu của lĩnh vực này đang lên kế hoạch tổ chức một sự kiện gây quỹ quan trọng tại Washington vào ngày 13/9 tới để ủng hộ bà.

Theo ông Cleve Mesidor - Giám đốc điều hành Blockchain Foundation, đồng thời là một trong những nhà tổ chức, mục tiêu của hoạt động trên là quyên góp ít nhất 100.000 USD cho chiến dịch của bà Harris. Giá vé tham dự sự kiện gây quỹ dao động ở mức 500 - 5.000 USD/người. Ông cho biết hoạt động này sẽ thu hút một nhóm nhà tài trợ đa dạng và tạo cơ hội cho các cuộc thảo luận về cách chính quyền của bà Harris có thể thúc đẩy phát triển của ngành tiền điện tử, đồng thời tăng cường quyền tiếp cận vốn đối với cộng đồng người da màu.

Mặc dù số tiền gây quỹ nói trên chỉ là một phần nhỏ so với hàng trăm triệu USD mà bà Harris đã huy động được kể từ khi trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ hồi tháng 7 vừa qua, nhưng đây vẫn là một dấu hiệu quan trọng cho thấy sự ủng hộ từ ngành tiền điện tử đối với bà Harris, thay vì ông Trump.

Tuy bà Harris vẫn chưa công khai quan điểm về tiền điện tử, nhưng đội ngũ chiến dịch tranh cử của bà đã có những cuộc tiếp xúc với các công ty lớn trong ngành này như Coinbase và Ripple.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/pho-tong-thong-my-thang-the-trong-cuoc-chien-gianh-ung-ho-cua-nha-tai-tro-nho-20240831142037767.htm
Zalo