Phó tổng thống Mỹ nói Đan Mạch thiếu trách nhiệm với Greenland

Phó tổng thống Mỹ chỉ trích Đan Mạch vì thiếu đầu tư và chưa đảm bảo an ninh cho Greenland, trong khi Copenhagen bác bỏ cáo buộc này.

 Phó tổng thống Vance phát biểu tại căn cứ Pituffik ở Greenland hôm 28/3. Ảnh: Reuters.

Phó tổng thống Vance phát biểu tại căn cứ Pituffik ở Greenland hôm 28/3. Ảnh: Reuters.

"Tôi muốn gửi một thông điệp rõ ràng đến Đan Mạch: Các vị chưa hoàn thành tốt trách nhiệm của mình đối với người dân Greenland. Các vị chưa đầu tư đủ để hỗ trợ họ, cũng như củng cố hệ thống an ninh cho vùng lãnh thổ rộng lớn và tuyệt đẹp này", Phó tổng thống Mỹ JD Vance phát biểu trong cuộc họp báo tại căn cứ Pituffik, phía tây bắc Greenland, vào ngày 28/3.

Ngoài ra, ông Vance còn cáo buộc Đan Mạch không đủ khả năng bảo vệ Greenland trước những "hành động xâm nhập ngày càng hung hăng" từ Nga và Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh Mỹ có thể làm tốt hơn trong việc đảm bảo an ninh cho vùng lãnh thổ Bắc Cực này, theo Reuters.

Phát ngôn của ông Vance được đưa ra trong bối cảnh ông cùng phu nhân lần đầu tiên đặt chân đến căn cứ Pituffik - nơi có vị trí chiến lược quan trọng trên hòn đảo mà Mỹ đang ngày càng bày tỏ tham vọng sở hữu.

Phát ngôn của ông lập tức vấp phải sự phản đối từ chính quyền Đan Mạch. Thủ tướng Mette Frederiksen lên tiếng chỉ trích tuyên bố của Vance là "không công bằng", trong khi Ngoại trưởng Lars Lokke Rasmussen thừa nhận Copenhagen có thể làm nhiều hơn nhưng cũng phản bác: "Chính người Mỹ cũng chưa làm đủ".

Không chỉ chính quyền Đan Mạch, người dân Greenland cũng bày tỏ sự phẫn nộ trước chuyến thăm của Vance. Các cuộc biểu tình đã nổ ra tại thủ đô Nuuk, nơi người dân cắm cờ Greenland trên tuyết cùng tấm biển ghi rõ thông điệp: "Our Land. Our Future" (Đất nước của chúng tôi. Tương lai của chúng tôi).

Nhiều người thậm chí đội mũ với dòng chữ "Make America Go Away" (Hãy để nước Mỹ biến đi) và giơ cao biểu ngữ "Yankees Go Home" (Người Mỹ, hãy về nước), thể hiện sự phản đối mạnh mẽ trước những động thái ngày càng quyết liệt từ Washington.

Thủ tướng Greenland Jens-Frederik Nielsen, người vừa nhậm chức sau cuộc bầu cử ngày 11/3, đã kêu gọi đoàn kết chính trị để bảo vệ lợi ích của hòn đảo. Ông nhấn mạnh: "Trong thời điểm chúng ta đang chịu áp lực, hơn bao giờ hết, chúng ta cần sát cánh bên nhau".

Dù Đảng Dân chủ của ông Nielsen theo đuổi con đường độc lập dần dần khỏi Đan Mạch nhưng vẫn muốn duy trì quan hệ đối tác với Copenhagen, thay vì nghiêng về Washington. Tuy nhiên, với áp lực ngày càng gia tăng từ Mỹ, tương lai chính trị của Greenland đang đứng trước nhiều biến động.

Trong khi ông JD Vance còn chưa rời Greenland, Tổng thống Donald Trump tiếp tục đẩy căng thẳng lên một nấc mới với tuyên bố đầy quyết liệt tại Nhà Trắng vào ngày 28/3: "Chúng ta cần Greenland, và điều đó cực kỳ quan trọng đối với an ninh toàn cầu. Đây không phải là chuyện 'chúng ta có thể làm mà không cần đến nó' - chúng ta không thể!".

Ông Trump cảnh báo các tuyến hàng hải tại Greenland đang tràn ngập tàu của Nga và Trung Quốc, đồng thời khẳng định Mỹ "sẽ không trông cậy vào Đan Mạch hay bất kỳ ai khác để xử lý tình hình".

Giới quan sát nhận định, dù khả năng Mỹ dùng biện pháp quân sự để chiếm Greenland vẫn rất thấp, nhưng chính quyền Trump có thể gia tăng sức ép thông qua các tuyên bố gây tranh cãi, những chuyến thăm bán chính thức và các biện pháp kinh tế.

Trong khi đó, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy gần như toàn bộ người dân Greenland đều phản đối việc trở thành một phần của Mỹ.

Greenland, vùng lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch, từ lâu đã nằm trong tầm ngắm chiến lược của Washington. Trước đó, Tổng thống Donald Trump từng gây chấn động khi bày tỏ ý định "mua lại" hòn đảo này từ Đan Mạch.

Không chỉ có vị trí chiến lược trên tuyến đường ngắn nhất giữa châu Âu và Bắc Mỹ, Greenland còn là "mỏ vàng" tài nguyên với trữ lượng khoáng sản đất hiếm dồi dào – yếu tố quan trọng cho nền kinh tế tương lai của Mỹ.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/pho-tong-thong-my-noi-dan-mach-thieu-trach-nhiem-voi-greenland-post1541684.html
Zalo