Phó tổng thống Mỹ chỉ trích Đan Mạch khi thăm Greenland
Đài CBC News dẫn lời Phó tổng thống Mỹ JD Vance ngày 28.3 chỉ trích Đan Mạch không làm tốt công việc bảo vệ Greenland, đồng thời tuyên bố Washington có thể bảo vệ đảo tự trị này tốt hơn.
Nhân chuyến thăm căn cứ quân sự Mỹ nằm phía bắc Greenland, Phó tổng thống Vance cho biết nước này không định mở rộng hiện diện trên bộ ngay lập tức mà thay vào đó đầu tư vào các nguồn lực khác, chẳng hạn triển khai thêm tàu hải quân. Ông cam kết tôn trọng chủ quyền của Greenland nhưng cũng tuyên bố đảo tự trị sẽ thấy được lợi ích khi hợp tác với Mỹ.

Phó tổng thống Mỹ JD Vance phát biểu nhân chuyến thăm căn cứ quân sự ở Greenland ngày 28.3 - Ảnh: Jim Watson/Reuters
“Đan Mạch không theo kịp và không dành nguồn lực cần thiết để duy trì căn cứ, để bảo vệ lực lượng của chúng tôi cũng như để bảo vệ người dân Greenland khỏi hành động xâm chiếm hung hăng từ nhiều quốc gia”, Phó tổng thống Vance phát biểu. Ông lưu ý rằng Nga, Trung Quốc cùng vài nước khác đang đặc biệt quan tâm đến các tuyến hàng hải qua Bắc cực lẫn khoáng sản trong khu vực.
Phó tổng thống Vance nói thêm: “Chúng tôi có thể khiến họ an toàn hơn nhiều. Chúng tôi có thể bảo vệ nhiều hơn nữa. Và tôi nghĩ họ cũng hưởng lợi hơn về kinh tế”.
Phát ngôn chỉ trích trên được đưa ra chỉ vài giờ sau khi một liên minh mới nhằm duy trì quan hệ Đan Mạch - Greenland ra mắt tại thành phố Nuuk. Tân Thủ hiến Greenland Jens-Frederik Nielsen chỉ trích chuyến thăm của Phó tổng thống Vance thể hiện sự thiếu tôn trọng. Còn Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen ra tuyên bố ôn hòa hơn: “Nhiều năm qua chúng tôi đã sát cánh cùng Mỹ trong vô số hoàn cảnh khó khăn. Do đó mô tả của Phó tổng thống Vance về Đan Mạch là bất công”.
Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen thừa nhận nước này chưa hành động đủ, nhưng chỉ trích Mỹ cũng chẳng khá hơn. Ông dẫn chứng số lính Mỹ đồn trú Greenland giảm từ 10.000 (17 cơ sở quân sự) thời Chiến tranh lạnh xuống chỉ còn 200 (1 căn cứ) hiện tại.
Greenland là khu tự trị của Đan Mạch, tự quyết chính sách đầu tư - kinh tế, còn chính sách đối ngoại cùng an ninh do Copenhagen phụ trách.
Kể từ khi đắc cử và nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump không ít lần tỏ ý mua Greenland. Thậm chí vào tháng 1 năm nay ông không loại trừ khả năng dùng biện pháp cưỡng chế bằng quân sự hoặc kinh tế để đạt mục đích.