Phó Thủ tướng yêu cầu ngành y tế dứt điểm việc chậm cấp đăng ký lưu hành thuốc
Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu ngành y tế xử lý dứt điểm tình trạng hồ sơ bị chậm, đặc biệt là hồ sơ cấp đăng ký lưu hành thuốc, thiết bị y tế.
Ngày 24/12, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu mà ngành y tế đã đạt được trong năm 2024.
Trong đó, nhiều quy hoạch, đề án mang tính chất để triển khai thực hiện những nhiệm vụ thường xuyên cũng như cấp thiết của ngành cũng đã được ban hành. Ngành y tế cũng đã khắc phục được tâm lý, hệ lụy ở mức độ này hay mức độ khác ảnh hưởng sau Covid-19, xử lý một số tồn đọng của ngành...
Phó Thủ tướng dẫn chứng, Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế;
Cùng đó, nhiều chủ trương, định hướng cho phát triển ngành y tế trước mắt và lâu dài được ban hành như chiến lược, quy hoạch ngành y tế đến năm 2030.
Đồng thời, Bộ Y tế đã sắp xếp, tổ chức bộ máy, kiện toàn tổ chức; tiếp cận và xử lý khả thi hơn trong việc xử lý một số vấn đề tồn đọng. Ngành y tế đã có những bước tiến trong ứng dụng công nghệ thông tin; tiết kiệm nguồn lực chung của xã hội.
Riêng lĩnh vực khám chữa bệnh, theo Phó Thủ tướng, ngành y tế đã làm được nhiều việc đáng tự hào. "Nếu chọn trong năm 2024, thành tựu mà chúng ta tự hào nhất là ca ghép cùng lúc hai tạng trên một người. Trước đây, chúng ta đã có 2 ca ghép rồi và đây là ca thứ 3 nhưng khó hơn vì ghép cùng lúc cả gan và tim. Chúng tôi là người ngoài cuộc nhưng nghe kể đã cảm thấy rất tự hào. Thành tựu rất đáng tự hào rồi nhưng bác sĩ phải có tâm và phải khéo tay thế nào mới làm được trên bộ phận nhỏ và nhạy cảm như vậy", Phó Thủ tướng chia sẻ.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng ngành y tế vẫn còn có một số điểm tồn tại như việc xây dựng, hoàn thiện một số chính sách còn chậm. Việc xây dựng thể chế có phần chậm, do vậy có những việc Chính phủ phải đứng ra giải quyết; mạng lưới y tế phát triển chưa đồng đều, tại một số vùng, người vẫn khó tiếp cận dịch vụ y tế; mức sinh thay thế vẫn chưa bảo đảm; cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin còn chậm, bất cập...
Về nhiệm vụ trong năm 2025, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị ngành y tế tập trung đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển hệ thống y tế chất lượng, hiệu quả, công bằng, minh bạch và bền vững.
Bộ Y tế cần tập trung xây dựng và triển khai hệ thống văn bản hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh; tiếp tục xây dựng Luật Phòng bệnh, Luật Dân số, Luật Thiết bị y tế, Luật An toàn thực phẩm…
Còn nhiều luật, các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng trong ngành y tế đóng góp trực tiếp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo vệ sức khỏe người dân còn ở phía trước, "có nhiều cái rất khó, lượng hóa không phải dễ". Phó Thủ tướng lấy ví dụ như việc xây dựng Luật Dân số, chúng ta lượng hóa việc phát triển dân số như thế nào, làm sao bảo đảm chất lượng dân số, đạt mức sinh thay thế… Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế phải trên tinh thần đổi mới tư duy, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành y tế xử lý dứt điểm tình trạng hồ sơ bị chậm, đặc biệt là hồ sơ cấp đăng ký lưu hành thuốc, mỹ phẩm, thiết bị y tế, cấp phép hoạt động hành nghề…
Tiếp tục tập trung theo dõi sát tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực, nâng cao năng lực dự báo, giám sát và phát hiện sớm để chủ động khống chế kịp thời, có hiệu quả các dịch bệnh, nhất là bảo đảm độ bao phủ vaccine trên 90%. Đồng thời, tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, thực hiện lộ trình tính chi phí quản lý vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số, bảo đảm mức sinh thay thế…
Đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, nhất là trong xây dựng, tổ chức thực hiện thể chế, chính sách y tế, bởi chăm sóc, bảo vệ sóc khỏe nhân dân là sự nghiệp chung, chứ không chỉ của ngành y tế, rất nhiều việc đòi hỏi sự phối hợp trong xử lý...