Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: 'Tàu cá vi phạm chống IUU ở đâu, xử lý ở đó'

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu ban hành quy trình, quy chế quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu về quản lý nghề cá và trách nhiệm của các bên như cơ quan quản lý, lực lượng chấp pháp, các cảng cá, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, ngư dân… nhằm phân định quản lý tàu cá theo lãnh thổ, 'tàu cá vi phạm ở đâu, xử lý ở đó'.

Ngày 14/1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) chủ trì phiên họp lần thứ 12 của Ban Chỉ đạo dưới hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến với các bộ, ngành và 28 địa phương ven biển.

 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo.

Xử phạt hành vi vi phạm chống IUU trong năm 2024 là gần 100 tỷ đồng

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đến nay, đã cơ bản khắc phục được các nội dung theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) tại đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10/2023: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; xử lý tàu cá "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép); xử lý hình sự đối với các hành vi liên quan đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Số lượng tàu cá đã đăng ký được cập nhật trên Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VN-Fishbase) đạt đạt 98,9%; toàn bộ tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS); cấp giấy phép khai thác thủy sản còn hạn cho đội tàu từ 15 m trở lên đã đạt 90,3%, nhưng tính toàn bộ đội tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên thì mới chỉ đạt 76,5%.

Hiện cả nước còn 888 tàu cá "3 không", theo báo cáo của địa phương là tàu đã hư hỏng, không còn khả năng hoạt động, một số chủ tàu không có nhu cầu đăng ký để đi hoạt động và một số tàu không còn tồn tại tại địa phương.

 Phiên họp diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Phiên họp diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Các địa phương khởi tố 39 vụ hình sự và đưa ra xét xử công khai 10 vụ về các tội: Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, hợp thức hóa hồ sơ; liên quan hành vi tháo, gửi thiết bị VMS; chế tạo, sử dụng trái phép vật liệu nổ…

Tổng số tiền xử phạt hành vi vi phạm chống IUU trong năm 2024 là gần 100 tỷ đồng đối với 4.31 trường hợp (năm 2023 là trên 89 tỷ đồng và 4.022 trường hợp).

Đối với hoạt động ngăn chặn, xử lý tài các khai thác tàu cá khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài, từ tháng 8/2024 đến nay, các lực lượng chức năng ghi nhận 10 vụ việc ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý đăng ký tại Kiên Giang, Cà Mau, Tiền Giang.

Cũng trong năm 2024, mới xử phạt 2/847 tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển; 838/32.511 lượt tàu ngắt kết nối VMS (từ 6 giờ đến dưới 10 ngày và từ 10 ngày trở lên).

 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu.

Nhận diện, thống kê đầy đủ, chính xác, sát thực tế về các hành vi vi phạm IUU

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, thời gian qua, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đạt kết quả tốt trong khắc phục vi phạm IUU. Những địa phương chưa hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu được giao thì cần nghiêm túc xem xét trách nhiệm của từng sở, ngành, đơn vị, cá nhân liên quan.

Phó Thủ tướng yêu cầu trong quý I/2025, Bộ NN&PTNT phải hoàn thành kết nối đồng bộ, thống nhất, liên thông từ Trung ương đến địa phương Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase), Hệ thống giám sát tàu cá (VMS), Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT).

Đồng thời, ban hành quy trình, quy chế quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu về quản lý nghề cá và trách nhiệm của các bên như cơ quan quản lý, lực lượng chấp pháp, các cảng cá, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, ngư dân… nhằm phân định quản lý tàu cá theo lãnh thổ, "tàu cá vi phạm ở đâu, xử lý ở đó".

Quá trình xây dựng, cập nhật, kết nối các cơ sở dữ liệu về quản lý nghề cá cần tích hợp định danh tàu cá, thuyền trưởng, công dân tham gia hoạt động khai thác thủy sản vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gắn với bổ sung nhiệm vụ, trách nhiệm của lực lượng công an cơ sở.

 Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành trong quý 1/2025 đối với việc thực hiện quản lý, cập nhật dữ liệu về tàu cá tại địa phương; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi không xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm IUU; việc tuân thủ IUU của các cơ sở thu mua, chế biến, xuất khẩu hải sản.

Trên cơ sở đó, Bộ NN&PTNT rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật để nhận diện, thống kê đầy đủ, chính xác, sát thực tế về các hành vi vi phạm IUU; xử lý nghiêm khắc những hành vi liên quan đến an ninh, quốc phòng, xâm phạm lãnh thổ quốc gia, mang tính chất cố ý; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi không xử lý kịp thời hoặc bỏ sót hành vi vi phạm; cũng như các cơ sở thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản không rõ nguồn gốc xuất xứ... Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cần rà soát và bổ sung điều kiện để các cảng cá tư nhân thực hiện cung cấp một số dịch vụ hành chính như cập nhật dữ liệu hành trình, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác cho tàu cá xuất, nhập bến…

"Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường các công cụ quản lý nghề cá trên biển bằng quy hoạch, mùa đánh bắt, phương pháp đánh bắt ở từng vùng ngư trường…", Phó Thủ tướng nói.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các lượng chấp pháp trên biển tích cực hợp tác với các lực lượng, cơ quan quốc tế giải quyết các vụ việc theo đúng pháp luật.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/pho-thu-tuong-tran-hong-ha-tau-ca-vi-pham-chong-iuu-o-dau-xu-ly-o-do-post330364.html
Zalo