Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: 'Huy động lực lượng tuần tra, canh gác đê liên tục cho đến khi an toàn'

Mực nước sông Hoàng Long vượt báo động 3, có nguy cơ phải vận hành xả tràn Lạc Khoái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu tỉnh Ninh Bình tổ chức các phương án trực, sẵn sàng khi có tình huống xảy ra; canh gác đê liên tục cho đến khi an toàn; không để nhân dân thiếu thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh…

Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Bình, lúc 20h ngày 12/9, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế là 4,93 m (trên BĐ3: 0,93 m); tại Gián Khẩu 4,52 m (trên BĐ3: 0,82 m) trên mức đỉnh lũ lịch sử năm 2017: 0,02 m. Sông Đáy tại Ninh Bình 4,21 m (trên BĐ3: 0,71 m), trên mức đỉnh lũ lịch sử năm 2017: 0,27 m.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra tại trạm bơm huyện Gia Viễn chiều tối 12/9.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra tại trạm bơm huyện Gia Viễn chiều tối 12/9.

Chiều tối 12/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã đi kiểm tra công tác phòng chống mưa lũ tại huyện Gia Viễn. Qua kiểm tra trạm bơm huyện Gia Viễn và đập tràn Lạc Khoái, Phó Thủ tướng đánh giá cao công tác chuẩn bị của tỉnh Ninh Bình, nhất là việc khẩn trương di dân tại các xã thuộc vùng phân lũ, chậm lũ.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu tỉnh Ninh Bình tổ chức các phương án trực, sẵn sàng khi có tình huống xảy ra; huy động lực lượng tuần tra canh gác đê liên tục cho đến khi đê an toàn. Đối với các cấp chính quyền, phải huy động tối đa mọi nguồn lực, không để nhân dân thiếu thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh…

Phó Thủ tướng nghe lãnh đạo tỉnh Ninh Bình báo cáo quy trình vận hành đập tràn Lạc Khoái khi nước sông Hoàng Long vượt ngưỡng cho phép.

Phó Thủ tướng nghe lãnh đạo tỉnh Ninh Bình báo cáo quy trình vận hành đập tràn Lạc Khoái khi nước sông Hoàng Long vượt ngưỡng cho phép.

Theo báo cáo của UBND huyện Gia Viễn, đến 18h tối nay (ngày 12/9) huyện đã hoàn thành việc di dân tại 4 xã trong vùng phân lũ. Hiện nay, lực lượng chức năng vẫn đang theo dõi, bám sát tình hình mực nước trên sông Hoàng Long để sẵn sàng vận hành đập tràn Lạc Khoái khi mực nước vượt ngưỡng cho phép.

Bên cạnh lực lượng thường trực của tỉnh, Quân đoàn 12 và Quân khu 3 cũng đã sẵn sàng điều động 400 cán bộ, chiến sỹ tới vùng ngập lũ để thực hiện nhiệm vụ.

Phó Thủ tướng kiểm tra tình hình đập tràn Lạc Khoái.

Phó Thủ tướng kiểm tra tình hình đập tràn Lạc Khoái.

Trong chiều 12/9, Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình đã họp bàn kịch bản ứng phó với lũ trên sông Hoàng Long. Theo quy định về quy trình xả tràn, khi lũ trên sông Hoàng Long ở mức 4,9 m sẽ thực hiện di dân (hiện đã vượt và đã tổ chức di dân).

Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cùng các đơn vị chức năng đã bàn về 2 kịch bản ứng phó với lũ trên sông Hoàng Long. Kịch bản thứ nhất, trong trường hợp trời hết mưa, mực nước sông Hoàng Long xuống thì thực hiện việc tuần tra, canh gác đê để kịp thời xử lý tình huống xấu xảy ra.

Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình chuẩn bị 2 kịch bản ứng phó với lũ trên sông Hoàng Long.

Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình chuẩn bị 2 kịch bản ứng phó với lũ trên sông Hoàng Long.

Kịch bản thứ 2, nếu trời tiếp tục mưa, lũ vượt mức 5,3 m tại Bến Đế, sẽ tiến hành phân lũ qua tràn Lạc Khoái, mở các tuyến đê cơ Đức Long - Gia Tường, phân lũ qua cống Mai Phương - Địch Lộng vào đầm Cút phù hợp với tình hình thực tế.

Lực lượng chức năng sẵn sàng ứng trực 24/24h trên sông Hoàng Long.

Lực lượng chức năng sẵn sàng ứng trực 24/24h trên sông Hoàng Long.

Về phương án xả tràn, nguyên tắc chung là thực hiện xả tràn khi mực nước lên 5,3 m. Khi lũ đạt đỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình sẽ họp bàn và báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và báo cáo Thủ tướng trước khi xả tràn; đảm bảo giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho nhân dân.

Đình Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/pho-thu-tuong-tran-hong-ha-huy-dong-luc-luong-tuan-tra-canh-gac-de-lien-tuc-cho-den-khi-an-toan-10290193.html
Zalo