Phó Thủ tướng: Những người được đặc xá hãy để sai phạm 'mãi mãi khép lại sau lưng'
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình mong muốn những người được đặc xá hãy để những sai phạm 'mãi mãi khép lại sau lưng'.
Sáng nay (1/10), Trại giam Ninh Khánh (thuộc Cục C10 Bộ Công an, đóng tại Ninh Bình), tổ chức công bố đặc xá năm 2024 của Chủ tịch nước. Dự lễ công bố có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặc xá năm 2024; ông Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; ông Cao Huy, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Ủy viên Hội đồng tư vấn đặc xá năm 2024; Trung tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Công an; Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Ban chỉ đạo về đặc xá của Bộ Công an, Cục trưởng cục C10; Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Dự lễ công bố có 96 phạm nhân được đặc xá năm 2024 và 50 phạm nhân có thành tích cải tạo tốt, đại diện hơn 5.000 phạm nhân đang chấp hành án tại Trại giam Ninh Khánh.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình khẳng định, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã tập trung hoàn thiện khung pháp luật liên quan đặc xá, thi hành án hình sự nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính, bảo đảm tốt hơn quyền tự do, dân chủ của công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013. Công tác đặc xá được triển khai thận trọng, chặt chẽ, hiệu quả không chỉ bảo đảm thực hiện tốt chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước còn không ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự.
Trong 79 năm qua, đã có gần 40 lần đặc xá tha tù trước thời hạn cho hàng chục vạn phạm nhân. Chỉ tính riêng từ năm 2009 đến nay, Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho hơn 90.000 người. Thay mặt Chính phủ và Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương, Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá cao, biểu dương Bộ Công an đã làm tốt chức năng tham mưu, thường trực cho Hội đồng tư vấn đặc xá; các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan đã phối hợp chặt chẽ để triển khai thực hiện tốt Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước.
Ông Nguyễn Hòa Bình cũng cho biết, theo thống kê, tỷ lệ người được đặc xá tái phạm tội ở Việt Nam rất thấp và thấp hơn nhiều so với các quốc gia trên thế giới.
Đợt đặc xá năm 2022, chỉ có 2 trong số 2.438 người được đặc xá tái phạm tội, chiếm 0,08%. Điều này cho thấy lựa chọn đặc xá là chính xác, xã hội giang tay chào đón họ với tinh thần thân thiện, bỏ qua lỗi lầm, tạo điều kiện cho người trở về làm lại cuộc đời. Bản thân người được đặc xá cũng hết sức cố gắng thành người lương thiện, cương quyết không phạm tội.
Năm 2024, nhân dịp 79 năm Quốc khánh và 70 năm Giải phóng Thủ đô, ngày 30/7, Chủ tịch nước đã ký quyết định về đặc xá năm 2024. Mặc dù thời gian gấp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng tư vấn đặc xá đã chỉ đạo các thành viên, các bộ, ngành, các cơ sở giam giữ, cơ quan thi hành án hình sự trong cả nước nhanh chóng triển khai trình tự, thủ tục, hoàn tất hồ sơ, xét duyệt chặt chẽ, thận trọng, đúng đối tượng, điều kiện, đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, dân chủ.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình lưu ý, khi cánh cửa trại giam đã khép lại sau lưng, những người được đặc xá hãy để những sai phạm “mãi mãi khép lại sau lưng”, bởi phía trước những điều tốt đẹp còn rất nhiều và đang chờ đợi. Đối với những phạm nhân được đặc xá hôm nay, Phó Thủ tướng lưu ý: “Mấy năm ở trong trại là quãng thời gian các anh, chị không thể phụng dưỡng được cha mẹ già, nuôi dạy con cháu, giờ về với gia đình hãy bù đắp lại khoảng thời gian đó, nỗ lực nhiều hơn để phụng dưỡng cha mẹ, nuôi dạy con cái”.
Đại diện 96 phạm nhân Trại giam Ninh Khánh được đặc xá lần này phát biểu cảm tưởng, bày tỏ xúc động được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, bày tỏ quyết tâm tái hòa nhập cộng đồng, hứa khi trở về với gia đình và xã hội, sẽ chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và các quy định của địa phương, không tái phạm tội, cố gắng phấn đấu trở thành người lương thiện, có ích cho gia đình và xã hội.
Đặc xá là một trong những chế định pháp lý quy định tại Điều 88 Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, được thể chế hóa bằng Luật Đặc xá năm 2018 (trước đây là Luật Đặc xá năm 2007). Từ năm 2009 đến nay, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tiến hành 9 đợt đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước, đặc xá cho hơn 92 nghìn phạm nhân có quá trình cải tạo, lao động, học tập tốt trở về với cộng đồng, xã hội.