Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Người dân biết, hiểu, muốn chuyển đổi số là thành công

Tại Tọa đàm 'Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm', Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình và lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến chuyển đổi số.

Thủ tướng vui mừng nhận thấy chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số đạt được nhiều kết quả tích cực, có tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt kinh tế, xã hội

Thủ tướng vui mừng nhận thấy chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số đạt được nhiều kết quả tích cực, có tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt kinh tế, xã hội

Sáng ngày 12/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024.

Trong khuôn khổ chương trình, các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã tham gia Tọa đàm "Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm", với đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ số, cung cấp các giải pháp phục vụ chuyển đổi số, đại diện tiêu biểu tổ công nghệ số cộng đồng của các tỉnh, thành phố, đại diện lãnh đạo của các trường đại học có đào tạo về nguồn nhân lực công nghệ số.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm rõ các vấn đề được các đại biểu nêu

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm rõ các vấn đề được các đại biểu nêu

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình và lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi về chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số; hạ tầng số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; đơn giản hóa các thủ tục, thao tác khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; giải pháp chống hành vi lừa đảo trực tuyến; chính sách đặc thù gì cho những đối tượng yếu thế, giúp họ dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số.

Cùng với đó, các đại biểu cũng quan tâm việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị và các hoạt động xã hội; chính sách gì để thu hút đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn, chuyển đổi số; cơ chế chính sách để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho người dân mở rộng kinh doanh, tăng thu nhập, lợi nhuận trên các sàn thương mại điện tử; giải pháp để các tổ chức chính trị xã hội tham gia sâu và hiệu quả hơn trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia…

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trao đổi tại chương trìn

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trao đổi tại chương trìn

Trả lời câu hỏi về sứ mệnh dẫn dắt chuyển đổi số của Chính phủ, các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, chuyển đổi số làm biến đổi thế giới, mang lại nhiều tiện ích, là lựa chọn của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, Đảng đã có nhiều nghị quyết, Chính phủ đã có nhiều chương trình để chuyển đổi số quốc gia.

Để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, Chính phủ có vai trò kiến tạo, nâng đỡ. Trong đó, trước hết, Chính phủ phải hoạch định chiến lược phát triển chuyển đổi số quốc gia, với yêu cầu đuổi kịp, tiến cùng và vượt lên, trong đó "tiến cùng và vượt lên về tư duy phải đi đầu".

Thứ hai, xã hội số cũng như cuộc đời thực, muốn vận hành phải có hệ thống pháp lý, do đó Chính phủ phải hoàn thiện cơ sở pháp lý vận hành xã hội số.

Thứ ba, Chính phủ phải quan tâm đầu tư về hạ tầng chuyển đổi số như điện, sóng, dữ liệu, nếu không có hạ tầng thì không chuyển đổi số được.

Việc nữa là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ngày càng đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số.

Cùng với đó, đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, nâng cao dân trí để thực hiện chuyển đổi số. Theo Phó Thủ tướng, mục đích cuối cùng của chuyển đổi số là phục vụ người dân, nên người dân phải nhận thức được hiệu quả, tiện ích của chuyển đổi số và sử dụng các tiện ích này, hiểu về chuyển đổi số, muốn chuyển đổi số, phòng tránh các tác động tiêu cực và biết tự vệ trên không gian số. Như mô hình tổ công nghệ số cộng đồng là cách làm rất hay và cần nhân rộng, người dân sử dụng chuyển đổi số càng nhiều thì xã hội số của chúng ta càng thành công.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời các câu hỏi tại chương trình

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời các câu hỏi tại chương trình

Về câu hỏi liên quan chính sách đặc thù với người nghèo, người khuyết tật, người cao tuổi khó tiếp cận, khó sử dụng công nghệ và các dịch vụ công trực tuyến, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho rằng chuyển đổi số có ưu thế xóa nhòa các khoảng cách, như khoảng cách về cơ hội tiếp cận dịch vụ công của dân ở vùng sâu, vùng xa với người dân ở các thành phố.

Tuy nhiên, để biến cơ hội thành hiện thực thì cần nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Với các đối tượng yếu thế, quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là không để ai bị bỏ lại phía sau trong, cả đời sống thực và đời sống số.

Phó Thủ tướng chỉ ra một số giải pháp, mà trước hết là cần đưa các dịch vụ công lên các nền tảng số, càng nhiều thì càng tốt, đây là trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương. Cùng với đó, cần đầu tư hạ tầng điện, sóng, bảo đảm cơ hội tiếp cận dịch vụ số cho người dân tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Như có những nơi, chúng ta đầu tư kéo điện chỉ cho mười nóc nhà, hiệu quả kinh tế không cao nhưng đây là việc phải làm vì chính sách xã hội.

Cùng với đó, cần tăng cường vận động, hướng dẫn người dân để người dân thành thạo kỹ năng chuyển đổi số. Phó Thủ tướng lấy ví dụ trong chuyến công tác gần đây tại Quảng Nam, ông được cho biết tỉnh này có chỉ số chuyển đổi số cao nhưng nhiều người dân lúc đầu không biết cả bấm điện thoại, các tổ công nghệ số, các cán bộ cấp ủy, chính quyền, bộ đội biên phòng, công an… phải cầm tay hướng dẫn. "Để người dân biết, hiểu, muốn chuyển đổi số thì chúng ta thành công", Phó Thủ tướng nói.

Ngọc Châm

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/pho-thu-tuong-nguyen-hoa-binh--nguoi-dan-biet--hieu--muon-chuyen-doi-so-la-thanh-cong-128114.htm
Zalo