Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng sẽ dự Hội nghị Đầu tư thường niên lần thứ 14, thăm và làm việc tại UAE
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng sẽ dự Hội nghị Đầu tư thường niên lần thứ 14 và thăm làm việc tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) từ ngày 7-10/4/2025.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng. (Nguồn: VGP)
Thông cáo của Bộ Ngoại giao cho biết, nhận lời mời của Quốc vụ khanh phụ trách Ngoại thương, Chủ tịch Hội nghị Đầu tư thường niên 2025, Tiến sĩ Thani Bin Ahmed Al Zeyoudi, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Đầu tư thường niên lần thứ 14 và thăm làm việc tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) từ ngày 7-10/4/2025.
Việt Nam và UAE thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 1/8/1993. Tháng 10/1997, Việt Nam mở Tổng Lãnh sự quán tại Dubai; tháng 2/2008 nâng cấp lên thành Đại sứ quán tại Abu Dhabi. Tháng 11/2008, UAE mở Đại sứ quán tại Hà Nội.
Quan hệ hai nước phát triển tích cực. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế.
Về thương mại, UAE là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Kim ngạch thương mại Việt Nam - UAE những năm gần đây luôn đạt khoảng 5 tỷ USD, trong đó kim ngạch trong năm 2023 đạt 4,7 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2022.
Trao đổi thương mại hai nước năm 2023 đạt 8,8 tỷ USD, năm 2024 đạt 6,4 tỷ USD. UAE đề nghị hai nước phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỷ USD trong thời gian tới.
Việt Nam thường xuất siêu sang thị trường UAE với giá trị lớn (từ 3 - 4 tỷ USD/năm). Các mặt hàng xuất khẩu chính của ta sang UAE gồm điện thoại di động, máy vi tính và linh kiện, sản phẩm điện, điện tử gia dụng, hạt tiêu, thủy sản, giày dép, dệt may, vải, ngọc trai, đá quý, hạt điều, gạo, chè, sản phẩm ngũ cốc, sản phẩm nhựa, đồ gỗ nội thất, giấy, trái cây, rau, thuốc lá… Các mặt hàng nhập khẩu chính của ta từ UAE gồm nguyên liệu nhựa, khí hóa lỏng LNG, chế phẩm từ dầu mỏ, nguyên liệu thức ăn gia súc, kim loại thường, hóa chất, sản phẩm hóa chất…
Về đầu tư, tính đến tháng 6/2024, UAE có tổng cộng 41 dự án đầu tư trực tiếp (FDI) tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 71,6 triệu USD. Qua trao đổi, phía UAE cho biết tổng vốn đầu tư gián tiếp (FII) của UAE vào Việt Nam lớn hơn nhiều so với đầu tư trực tiếp, tuy nhiên chưa thống kê được chính xác.
Ủy ban Liên Chính phủ giữa hai nước được thành lập từ tháng 2/2009. Đến nay, hai bên đã tổ chức 5 kỳ họp. Cơ chế Tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao được thiết lập từ 2009. Đến nay, hai bên đã tổ chức 2 kỳ họp. Từ tháng 3/2024, hai nước đã nhất trí tiến hành trao đổi, nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác toàn diện.
Hai bên tích cực phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế. Gần đây, UAE ủng hộ ta vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 và Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc 2023 - 2025.
Cộng đồng người Việt tại UAE hiện có khoảng 4.500 - 5.000 người, đa phần là người lao động ngắn hạn, làm việc trong nhiều ngành nghề.