Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Đề án 939 đã lan tỏa tinh thần quốc gia khởi nghiệp trong giới nữ
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định: Đề án 'Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025' (gọi tắt là Đề án 939) đã được triển khai một cách hệ thống, nhất quán, khoa học và linh hoạt giúp các cấp Hội và các ngành liên quan từng bước lan tỏa tinh thần quốc gia khởi nghiệp trong giới nữ.
Ngày 17/3, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị khởi động Đề án số 01 của Chính phủ về "Hỗ trợ Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030", phát động cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 trong khuôn khổ Đề án 939 của Chính phủ về "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025".
Đã có hơn 63.000 phụ nữ được hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào phát triển kinh tế tập thể, xây dựng hợp tác xã phù hợp với điều kiện, đặc thù của từng vùng, miền địa phương.
Trong đó, giao Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì thực hiện hai Đề án của Chính phủ, đó là: Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" (gọi tắt là Đề án 939) và Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030".
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định: Đề án 939 đã được triển khai một cách hệ thống, nhất quán, khoa học và linh hoạt ở cả cấp Trung ương và địa phương, giúp các cấp Hội và các ngành liên quan từng bước giải quyết được mục tiêu, lan tỏa tinh thần quốc gia khởi nghiệp trong giới nữ.
Với nhiều hình thức sáng tạo, thiết thực và cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp hàng năm với những chủ đề đa dạng, phong phú, được triển khai có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh thành, với quy mô toàn quốc, đã có hơn 63.000 phụ nữ được hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh từ khi triển khai Đề án đến nay.
Trong lĩnh vực kinh tế tập thể, trong số hơn 29.000 Hợp tác xã trên toàn quốc, có khoảng 10% Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý. Trong đó, nhiều Hợp tác xã của phụ nữ đang khẳng định có nhiều ưu điểm, thế mạnh, đóng góp lớn trong sản xuất sản phẩm bản địa, chiếm 39% chủ thể sản phẩm OCOP, 80% lực lượng lao động trong các Hợp tác xã nông nghiệp là phụ nữ.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng trên thực tế nhiều Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý quy mô còn nhỏ, chưa bắt kịp xu thế ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, còn thiếu tính liên kết, kết nối, sản phẩm chưa đạt chuẩn để xuất khẩu vào những thị trường khó tính.
Từ kinh nghiệm đã có trong triển khai Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tin tưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, với những nỗ lực và quyết tâm, sáng tạo hơn nữa, sẽ chủ trì triển khai thành công Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030".
Phải luôn trăn trở, tư duy, đổi mới phương thức phát triển Hợp tác xã
Nhân Hội nghị khởi động triển khai Đề án 01, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các Bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm cao, tham gia chủ động, phát huy vai trò, trách nhiệm; khắc phục những hạn chế thời gian qua để hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Đề án.
Trong quá trình triển khai, cần quán triệt nhận thức: Phát triển Hợp tác xã không phải là nhiệm vụ mới, nhưng phải luôn trăn trở, tư duy, đổi mới phương thức, cách làm, làm sao để nhiệm vụ không mới nhưng luôn có sức sống mới, cách làm mới, có bước phát triển mới.
Bám sát các quan điểm, mục tiêu, định hướng trong Chiến lược phát triển kinh tế tập thể đến năm 2030, lấy phụ nữ, người dân tham gia Hợp tác xã là trung tâm; chú trọng phát huy sức mạnh nội lực của cộng đồng và của toàn xã hội, lồng ghép nguồn lực thực hiện Đề án từ Các chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Các hoạt động hỗ trợ cụ thể cần kịp thời, nhạy bén, có trọng tâm, trong điểm, ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh và khả năng thích ứng với hội nhập kinh tế quốc tế, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và biến đổi khí hậu.
Thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường liên kết trong các tổ chức kinh tế tập thể và giữa tổ chức kinh tế tập thể với các thành phần kinh tế khác.
Để sớm đưa Đề án 01 đi vào cuộc sống, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Cơ quan chủ trì thực hiện Đề án, cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, triển khai kế hoạch thực hiện đề án theo từng giai đoạn và hàng năm.
Khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tham mưu cho cấp ủy, Ủy ban nhân dân ban hành đề án, kế hoạch, chương trình cụ thể, phân công rõ người, rõ việc để thực hiện Đề án 01 bài bản, đồng bộ, hiệu quả và phù hợp với đặc thù của từng địa phương.
Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sớm chỉ đạo xây dựng kế hoạch, đề án triển khai Đề án 01, thành lập Ban Chỉ đạo hoặc Tổ chỉ đạo thực hiện Đề án, đề nghị các địa phương cố gắng ban hành trước tháng 5/2023.
Quan tâm bố trí nguồn lực, ưu tiên lồng ghép vào các chương trình, đề án có liên quan nhằm tạo điều kiện cho Hội Liên hiệp Phụ nữ thực hiện Đề án 01. Cùng với đó, phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở ngành, địa phương, tạo điều kiện và phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong triển khai Đề án.