Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Dùng quỹ phát triển nhà ở xã hội để xây nhà cho người trẻ

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho hay Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia có mục đích phi lợi nhuận, mục tiêu là để phát triển nhà ở dành cho người thu nhập thấp, người trẻ chưa có thu nhập.

Ngày 21-5, Quốc hội đã thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho hay Quỹ phát triển nhà ở quốc gia có mục đích phi lợi nhuận. Mục tiêu là để phát triển nhà ở dành cho người thu nhập thấp, người trẻ chưa có thu nhập. Quỹ được hình thành từ nhiều nguồn đóng góp, dùng để xây dựng nhà ở giá rẻ, bán cho người thu nhập thấp, người trẻ chưa có thu nhập và thu hồi vốn.

Giao quỹ cho Bộ Xây dựng quản lý là phù hợp

Quỹ này sẽ có hai cấp ở Trung ương và địa phương. Ở Trung ương, quỹ này giao cho Bộ Xây dựng quản lý, quỹ phát triển nhà ở ở địa phương, do Chủ tịch UBND tỉnh thành lập và có thể giao cho Sở Xây dựng quản lý.

Đối với các tỉnh chưa cân đối được ngân sách, Quỹ phát triển nhà ở ở Trung ương có thể hỗ trợ xây các tòa nhà để tạo nguồn cung nhà ở cho người thu nhập thấp cũng như người trẻ.

 Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 21-5. Ảnh: ĐT

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 21-5. Ảnh: ĐT

Theo Phó Thủ tướng, có đại biểu nói vì sao giao quỹ này cho Bộ Xây dựng mà không phải là cho Bộ Tài chính quản lý.

"Là bởi Quỹ phát triển nhà ở quốc gia với mục đích xây dựng nhà ở, đáp ứng nhu cầu cho người thu nhập thấp, người trẻ nên liên quan đến các tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành xây dựng" - ông Phớc trả lời.

Ông Hồ Đức Phớc cũng cho biết để xây dựng một dự án nhà ở thì các quy định phải thực hiện sẽ liên quan đến các luật quy hoạch, đất đai... do đó, cần tiến hành các thủ tục xây dựng với yêu cầu rất cao, rất chuyên ngành về quản lý đầu tư xây dựng. Vì vậy, xét về tổng thể, quỹ này giao cho Bộ Xây dựng quản lý là phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Cũng theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, quỹ này sẽ hết nhiệm vụ khi đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp và người trẻ. Tương tự như Quỹ vaccine COVID-19, sau khi đã hoàn thành việc tiêm vaccine COVID thì quỹ kết thúc nhiệm vụ.

Hiện Quỹ vaccine còn tồn dư hơn 3.000 tỉ đồng và có thể sử dụng vào chiến dịch tiêm chủng quốc gia. Quỹ phát triển nhà ở quốc gia sau khi kết thúc nhiệm vụ nếu còn tồn dư cũng có thể được sử dụng cho các mục đích công khác.

Cần quan tâm thêm hình thức cho thuê

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu thực tế sau 5 năm, có đến 70% người mua nhà ở xã hội đã bán lại để sử dụng tiền vào mục đích khác.

“Nếu là nhà cho thuê thì người thu nhập thấp có thể ở lâu dài. Còn với nhà để bán, sau năm năm được phép chuyển nhượng, nhiều người bán đi vì giá tăng cao” - ông Cường nói.

 Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội). Ảnh: TRỌNG PHÚ

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội). Ảnh: TRỌNG PHÚ

Theo ông Cường, trong một thời gian dài, chính sách nhà ở xã hội gần như chỉ nhắm đến việc bán, chưa chú trọng phát triển nhà cho thuê. Trong khi đó, để xây nhà ở xã hội cho thuê, các chủ đầu tư phải được tiếp cận vốn vay ưu đãi, thậm chí không lãi suất từ Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia. Việc đưa quỹ này vào Nghị quyết là rất cần thiết.

Liên quan cơ chế góp vốn cho quỹ, ông Cường đề cập quy định hiện hành buộc chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội. Tuy nhiên, do giá đất cao, nhiều nơi không triển khai được, thay vào đó chủ đầu tư nộp tiền tương ứng vào ngân sách.

Đại biểu Cường đề xuất phương án dùng toàn bộ số tiền này bổ sung cho quỹ để phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà cho thuê.

 Đại biểu Quốc hội Trần Việt Anh (Hà Nội). Ảnh: TRỌNG PHÚ

Đại biểu Quốc hội Trần Việt Anh (Hà Nội). Ảnh: TRỌNG PHÚ

Liên quan đến nội dung này, đại biểu Trần Việt Anh (Hà Nội) chỉ ra rằng khi giám sát việc thực hiện Luật Nhà ở năm 2014, ông nhận thấy nhiều chủ đầu tư chỉ tập trung triển khai 80% diện tích nhà thương mại để bán, còn lại 20% phần dành cho nhà ở xã hội thì triển khai rất chậm.

“Vấn đề này đã được dự thảo Nghị quyết mở ra để xử lý. Tuy chúng ta đã mở ra nhưng cần phải có cơ chế giám sát, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, triệt để phòng chống lãng phí trong triển khai chính sách nhà ở xã hội như báo cáo thẩm tra đã chỉ ra" - đại biểu Việt Anh nhận định.

Đại biểu Việt Anh cũng cho hay nhiều chuyên gia đã đề nghị phải thay đổi tư duy trong phát triển chính sách nhà ở cho người dân, hướng đến mục tiêu mọi người có chỗ ở chứ không phải hướng tới mọi người đều phải sở hữu nhà ở như lâu nay.

“Chính sách cần tập trung vào đối tượng được thuê nhà ở xã hội thì phù hợp hơn thay vì chỉ khuyến khích sở hữu” - đại biểu Việt Anh nhấn mạnh.

 Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội). Ảnh: TRỌNG PHÚ

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội). Ảnh: TRỌNG PHÚ

Bổ sung trách nhiệm của cơ quan chỉ định thầu

Thảo luận về nội dung Quỹ nhà ở xã hội quốc gia, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đề nghị làm rõ cơ chế quản lý, địa vị pháp lý, nguồn hình thành và cơ chế thanh tra, kiểm soát để bảo đảm sử dụng hiệu quả.

Đối với tiêu chí thụ hưởng nhà ở xã hội, đại biểu Mai đề nghị xây dựng trình tự ưu tiên rõ ràng, tránh để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách, bởi đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội rất rộng trong khi nguồn lực lại hạn chế.

Cùng với đó, đại biểu đề xuất cần bổ sung trách nhiệm của cơ quan chỉ định thầu trong các dự án nhà ở xã hội nếu được thực hiện theo thủ tục rút gọn, không qua đấu thầu. Bà cho rằng điều này rất quan trọng vì liên quan trực tiếp đến chất lượng công trình, sự an toàn của người dân.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/pho-thu-tuong-ho-duc-phoc-dung-quy-phat-trien-nha-o-xa-hoi-de-xay-nha-cho-nguoi-tre-post850955.html
Zalo