Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Cần đổi mới và tăng cường cơ chế tài chính cho cơ quan báo chí
Chiều 12/11, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình thêm trước Quốc hội về một số nội dung được đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên chất vấn về lĩnh vực thông tin và truyền thông.
5 trụ cột cốt lõi phát triển công nghệ thông tin
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, hiện nay, chúng ta đang ở trong thời đại công nghiệp 4.0, hướng tới kinh tế xanh đặc biệt là kinh tế số, trong đó công nghệ thông tin là yếu tố then chốt. Theo đó, công nghệ thông tin phát triển cần có 5 trụ cột cốt lõi.
Đầu tiên là phát triển hạ tầng công nghệ thông tin như cáp quang, băng thông rộng, trạm phát sóng BTS và thời gian tới có thể có những phát minh mới hơn nữa.
Trụ cột thứ hai là dữ liệu lớn. Khi có dữ liệu lớn mới quản lý, chia sẻ và ứng dụng được trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích dữ liệu lớn.
Việc tích hợp số căn cước công dân làm mã số thuế cá nhân giúp người dân không phải thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký mã số thuế, thu hồi mã số thuế gây phiền hà và khó khăn cho người dân như trước đây. Khi tích hợp và đồng bộ hóa số căn cước công dân làm mã số sẽ giải quyết được nhiều trường hợp trong thực tế đang vướng và gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng và thực thi chính sách pháp luật.
Phó Thủ tướng nêu ví dụ, hiện nay, có dữ liệu dân cư quốc gia do Bộ Công an xây dựng là một dạng hệ thống dữ liệu mang lại lợi ích to lớn. Hay ví dụ, Bộ Tài chính đang triển khai dùng định danh căn cước công dân để đồng bộ thành mã số thuế. Sau khi đồng bộ, có thể tra cứu rất nhanh. Hay trong mua bán online, thanh toán qua ngân hàng cũng có thể phát hiện được ngay. Hay như dữ liệu quản lý hải quan, thuế, mua bán trên sàn thương mại điện tử...
“Muốn ứng dụng được trong quản lý thì phải có nền tảng dữ liệu lớn. Dữ liệu phải được tập hợp ngay từ khi thực hiện nhiệm vụ” - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu.
Thứ ba là vấn đề an ninh mạng, đây là chìa khóa cốt tử của vấn đề. Khi có dữ liệu lớn, có các hoạt động trên mạng không đảm bảo an ninh mạng là “mở khóa cho người ta tự do vào nhà mình”.
Thứ tư là vấn đề nguồn nhân lực. Chính phủ đã có Đề án phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn năm 2030 đến năm 2050, Đề án về tài năng công nghệ 4.0 và các Đề án khác để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực. Chúng ta có nguồn nhân lực tốt mới có thể làm chủ được công nghệ, do đó đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề hết sức quan trọng.
Thứ 5 là ứng dụng công cụ công nghệ thông tin như AI, Blockchain, điện toán đám mây, internet vạn vật... Các công nghệ này trong thời gian tới sẽ phát huy hiệu quả rất tốt do đó cần đẩy mạnh phát triển và làm chủ các công cụ này.
Đang đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của báo in, báo điện tử xuống 10%
Liên quan đến vấn đề báo chí và mạng xã hội, theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, để báo chí phát triển, thời gian tới, cần hoàn thiện Luật Báo chí và các luật có liên quan; tăng cường đào tạo, tập huấn để báo chí theo kịp công nghệ, tính thời đại; định hướng tuyên truyền và cung cấp thông tin chính thống, mới mẻ, đúng đắn và có tính thời sự cao.
Đồng thời, cần quản lý yếu tố tôn chỉ mục đích của báo và tạp chí để xác định đúng chức năng nhiệm vụ của từng báo, tạp chí; thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần đổi mới và tăng cường cơ chế tài chính cho cơ quan báo chí. Điển hình như thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính đang đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của báo in, báo điện tử xuống 10% để tạo điều kiện cho cơ quan báo chí.
Bên cạnh đó là đẩy mạnh ngân sách cấp, ngân sách hỗ trợ và đặt hàng với những thủ tục đơn giản nhất, hiệu quả nhất. Đồng thời tăng cường thu nhập từ quảng cáo; hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số đối với các cơ quan báo chí.
Về mạng xã hội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, cần khuyến khích mạng xã hội phổ biến tuyên truyền những giá trị tốt đẹp, những kinh nghiệm hay, triệt tiêu các vấn đề sai trái, vi phạm pháp luật.
Nêu giải pháp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc cần thực hiện là hoàn thiện pháp luật để quy định chặt chẽ các hành vi không được làm; quy định trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức chủ nền tảng mạng xã hội cũng như cơ quan quản lý, áp dụng công nghệ hiện đại như AI để quản lý…
Báo chí cách mạng hiện nay đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, báo chí cách mạng đã chủ động đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa lịch sử, tạo sự đồng thuận, niềm tin cho xã hội, định hướng dư luận, tôn vinh, nêu gương người tốt việc tốt những tấm gương để xã hội học tập.