Phó Thủ tướng dự WGS 2025: Cơ hội để Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm và nắm bắt xu thế mới
Phó Thủ tướng tham dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ (WGS) 2025 là cơ hội để Việt Nam trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và nắm bắt các xu thế mới.
Từ ngày 11 -13/2, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao sẽ có chuyến công tác tới UAE, tham gia Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ thế giới (WGS) 2025 và tiến hành một số hoạt động song phương.
Nhân dịp này, thông tin về tình hình, ý nghĩa chuyến công tác, Đại sứ Việt Nam tại UAE Nguyễn Thanh Diệp nhận định, chuyến công tác có ý nghĩa vô cùng quan trọng, trong bối cảnh hai nước vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược và ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA).
![Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao sẽ có chuyến công tác tới UAE, tham gia Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ thế giới (WGS) 2025](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_35_51437838/8105ee07d5493c176558.jpg)
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao sẽ có chuyến công tác tới UAE, tham gia Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ thế giới (WGS) 2025
“Chuyến thăm khẳng định quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường quan hệ với UAE, khu vực Trung Đông” - Đại sứ Nguyễn Thanh Diệp nhận định.
Thông tin về Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ 2025, Đại sứ Nguyễn Thanh Diệp cho biết, Hội nghị lần thứ 10 được tổ chức tại UAE từ 10 -13/2 với chủ đề “Định hình tương lai”. Hội nghị dự kiến đón khoảng 140 đoàn đại biểu chính phủ các nước với hơn 6.000 đại biểu, bao gồm hơn 30 nguyên thủ và 400 bộ trưởng các nước, hơn 80 tổ chức quốc tế.
Dự kiến, Phó Thủ tướng có bài phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận về “Các nền kinh tế mới nổi, tận dụng đổi mới kỹ thuật số và năng lượng tái tạo để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cạnh tranh”; phát biểu dẫn đề tại Phiên họp về “Hành động hướng tới các mục tiêu Thiên niên kỷ với chủ đề: Kinh nghiệm và thành tựu của Việt Nam về hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững”; gặp gỡ một số lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế, tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo bên lề hội nghị.
Đại sứ Nguyễn Thanh Diệp cho rằng, việc tham dự và có những bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị sẽ góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, quảng bá thành tựu và định hướng phát triển của đất nước; nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong xây dựng, phát triển đất nước, bảo đảm an sinh xã hội, đặt người dân ở vị trí trung tâm.
Không những vậy, đây cũng là cơ hội để Việt Nam trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và nắm bắt các xu thế mới, hiệu quả về phát triển bền vững, quản trị quốc gia trong giai đoạn phát triển mới; góp phần làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, tạo đột phá thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, lực lượng sản xuất mới, tiên tiến như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chip bán dẫn, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, điện toán đám mây, năng lượng sạch.
Cùng với Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ 2025, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự kiến có các cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao của UAE, các quỹ đầu tư, các tập đoàn lớn nhằm trao đổi các biện pháp thúc đẩy thực hiện hiệu quả các cam kết, thỏa thuận hợp tác, tận dụng cao nhất các cơ hội có được từ hợp tác song phương để góp phần đẩy nhanh công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Nhận lời mời của Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Sheikh Mohammed Bin Rashid Al Maktoum, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn sẽ tham gia Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ Thế giới (WGS) 2025 và tiến hành một số hoạt động song phương tại UAE từ ngày 11-13/2.
Hội nghị năm nay sẽ chứng kiến sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có các Tổng thống: Indonesia, Ba Lan, Sri Lanka và Colombia, cùng với các Thủ tướng: Kuwait, Armenia, Pakistan, Kenya, Libya, Georgia và Bangladesh.
Trong khuôn khổ Hội nghị, hơn 400 Bộ trưởng từ khắp nơi trên thế giới sẽ tham gia các cuộc thảo luận về quản trị, kinh tế, công nghệ, tính bền vững và sức khỏe toàn cầu. Hội nghị cũng sẽ thu hút sự tham gia của các đại diện đến từ 27 tổ chức quốc tế, bao gồm Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Liên đoàn Arab (AL) và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC)...