Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc kiểm tra tình hình ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tại Cao Bằng
Chiều 10/9, đồng chí Hồ Đức Phớc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã kiểm tra tình hình thiệt hại và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại Cao Bằng. Cùng đi có lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Làm việc với đoàn công tác các đồng chí: Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; các sở, ban, ngành.
Do ảnh hưởng bão số 3-Yagi, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to kéo dài, xảy ra ngập lụt, sạt lở đất nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng về người, nhà ở, công trình cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt của người dân ở nhiều huyện, Thành phố. Huyện Nguyên Bình là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất, tính đến 17 giờ 30 phút ngày 10/9, mưa lũ làm 29 người chết, 15 người bị thương, 23 người mất tích, đang tiếp tục thống kê và tìm kiếm nạn nhân; Bảo Lạc có 1 người bị thương. 1.065 nhà ở bị thiệt hại, ảnh hưởng, trong đó có 22 nhà hư hỏng hoàn toàn, 1.043 nhà hư hỏng, chủ yếu tại Thành phố và các huyện: Hòa An, Nguyên Bình, Hà Quảng, Bảo Lạc, Bảo Lâm.
Về giao thông, gần 200 điểm trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, đường xã bị tắc do sạt lở, ngập úng, tập trung tại các tuyến Quốc lộ 34 đoạn qua huyện: Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm bị sạt lở đất; Quốc lộ 4A đoạn qua huyện Bảo Lạc; đường tỉnh 212, 216, 202, 215A đoạn qua các huyện: Nguyên Bình, Bảo Lạc; đường tỉnh 208 nối huyện Trùng Khánh - Hạ Lang... Có 10 công trình trường học, 3 cơ sở y tế, nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, viễn thông, điện lưới, trụ sở cơ quan, đơn vị bị hư hại; 1.500 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại. Mưa lũ gây ra ngập lụt các phường, xã của Thành phố; một số xã, thị trấn của các huyện: Bảo Lâm, Nguyên Bình, Quảng Hòa...; huyện Bảo Lạc bị cô lập hoàn toàn trên diện rộng tại khu vực trung tâm 16 xã, thị trấn.
Từ ngày 6 - 10/9, tỉnh tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đập, giao thông, phương án đảm bảo an toàn dân cư khu vực có nguy cơ về sạt lở đất và chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả ảnh hưởng của bão số 3 hoàn lưu bão tại một số địa phương. Huy động hơn 4.700 lượt cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng tại chỗ cùng 3.200 phương tiện, trang bị vật tư các loại tập trung cao nhất công tác cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn, tìm kiếm người mất tích. Đồng thời, theo đề nghị của tỉnh, Quân khu 1 tăng cường lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để phối hợp tiếp tục tìm kiếm các trường hợp bị tai nạn do sạt lở đất xảy ra tại huyện Nguyên Bình.
Tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương hỗ trợ gần 1.000 hộ gia đình thuộc diện ảnh hưởng thiên tai về lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm, sơ tán người, tài sản tới khu vực an toàn. Các cấp, các ngành huy động lực lượng, phương tiện tập trung khắc phục kịp thời thiệt hại hệ thống giao thông, lưới điện, các cơ sở y tế, giáo dục để duy trì hoạt động trong thời gian sớm nhất.
Hiện chưa thể thống kê đầy đủ, chính xác số liệu nhưng thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão trên địa bàn tỉnh rất lớn. Tỉnh đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện hỗ trợ trước mắt cho tỉnh về kinh phí, nhu yếu phẩm để khắc phục hậu quả thiên tai; nhất là khắc phục sạt trượt giao thông, hóa chất khử khuẩn, xử lý môi trường, đảm bảo nước sạch sau mưa lũ, ổn định trường lớp học.... Số lượng dự kiến cần hỗ trợ khoảng 75 tỷ đồng và 50 tấn gạo.
Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh báo cáo về tình hình thiệt hại mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 gây ra và ý kiến của đại diện các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao tinh thần chủ động, tích cực, quyết liệt ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn của toàn hệ thống chính trị tỉnh. Thiệt hại do bão số 3 gây ra tỉnh Cao Bằng chịu thiệt hại nặng nhất về người. Đề nghị tỉnh tiếp thu các ý kiến các bộ, ngành, tiếp tục tuyên tuyền, thông tin rộng rãi, tăng cường công tác cảnh báo về ứng phó với thiên tai, mưa lũ để bà con chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh tỉnh cần tập trung cứu chữa người bị thương, tìm kiếm người mất tích; kịp thời động viên, cứu trợ các gia đình có người tử vong, hỗ trợ mai táng phí; tích cực thăm, động viên, cứu trợ các hộ gia đình bị thiệt hại. Trong công tác cứu trợ người dân với tinh thần "5 không" (Không để dân đói - không để dân khát - không để các cháu học sinh không được học hành - không để người dân không được chữa bệnh - không để bà con không có nhà ở) ổn định cuộc sống người dân.
Tập trung khắc phục các công trình hạ tầng; kiểm tra, rà soát và xử lý ngay các điểm sạt lở trên các tuyến giao thông, đảm bảo thông đường, đảm bảo hệ thống điện, hệ thống y tế, trường học, truyền thông...; xây dựng các tuyến đường, khảo sát, kiểm tra an toàn hệ thống cầu cứng, cầu treo, công trình thủy lợi để có giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài. Đặc biệt, tỉnh chỉ đạo cơ quan công an, chính quyền các cấp tăng cường các biện pháp để bảo vệ tài sản cho dân, đảm bảo an ninh trật tự.
Tỉnh cần xây dựng lại ngay 22 nhà cho các hộ dân đã bị hư hỏng hoàn toàn, sửa chữa nhà bị hư hỏng đảm bảo vững chắc, dựa trên nguồn kinh phí của tỉnh và đề nghị Trung ương hỗ trợ.
Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, cơ quan Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh về nhân lực, nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị, cơ sở vật chất để tỉnh tập trung khắc phục hậu quả thiên tai theo các phương án, kế hoạch đã xây dựng, để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Về kiến nghị của tỉnh (cấp 75 tỷ đồng và 50 tấn gạo), Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Cao Bằng làm tờ trình, kèm theo báo cáo thiệt hại gửi về Chính phủ để xem xét xử lý ngay.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc và đoàn công tác kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn Thành phố.