Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn họp với Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn yêu cầu ngoài phân cấp, phân quyền cho các địa phương, Bộ Công Thương cần đề xuất những nội dung phân cấp cho các doanh nghiệp nhà nước thực hiện.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Chiều 23/5, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn họp với Bộ Ngoại giao về việc triển khai Kế hoạch số 447/KH-BCĐ của Chính phủ về xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với việc tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Bộ Ngoại giao dự kiến thực hiện phân cấp 17 nhiệm vụ quy định tại các luật, nghị định, quyết định

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ đã có kế hoạch về xây dựng các nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đối với các bộ, ngành. Các bộ, ngành thời gian qua đã chủ động rà soát trong vấn đề này.

Phó Thủ tướng hoan nghênh Bộ Ngoại giao đã chủ động trao đổi với các bộ, ngành, nghiêm túc, khẩn trương thực hiện nhiệm vụ, đến nay về cơ bản đã rà soát xong nhiệm vụ phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với mô hình tổ chức chính quyền 2 cấp, nhất là trong lĩnh vực đối ngoại. Bộ đã cố gắng rà soát, đề xuất các nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao.

Phó Thủ tướng tán thành phương án Ủy ban Nhân dân tỉnh kế thừa các thỏa thuận quốc tế của cấp huyện trước đây, đề nghị Bộ Nội vụ cập nhật điều khoản liên quan trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Bộ Ngoại giao cập nhật dự thảo Nghị định để phân định thẩm quyền.

Với dự thảo Nghị định về phân cấp, phân quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý trong lĩnh vực đối ngoại, Phó Thủ tướng đề nghị ngoài 17 nhiệm vụ dự kiến thực hiện phân cấp, tiếp tục rà soát thêm xem còn nhiệm vụ gì có thể phân cấp, phân quyền, nhất là những liên quan đến thủ tục hành chính.

Báo cáo của lãnh đạo Bộ Ngoại giao cho thấy, Nghị định phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước lĩnh vực đối ngoại dự kiến quy định một số nội dung phân cấp trong các lĩnh vực/vấn đề: điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, gia hạn nhiệm kỳ Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại nước ngoài; hội nghị, hội thảo quốc tế; quản lý báo chí nước ngoài.

Bộ Ngoại giao dự kiến thực hiện phân cấp 17 nhiệm vụ quy định tại các luật, nghị định, quyết định. Cụ thể, 3 nhiệm vụ được phân cấp từ Chính phủ cho Thủ tướng Chính phủ; 5 nhiệm vụ được phân cấp từ Thủ tướng Chính phủ cho bộ, cơ quan ngang bộ; 1 nhiệm vụ được phân cấp từ Thủ tướng Chính phủ cho chính quyền địa phương; 1 nhiệm vụ được phân cấp từ Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh cho cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh; 7 nhiệm vụ được phân cấp từ Bộ trưởng cho đơn vị trực thuộc.

Qua rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, Bộ Ngoại giao nhận thấy có 201 thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, gồm 23 thẩm quyền của Chính phủ; 20 thẩm quyền, nhiệm vụ của Thủ tướng; 126 thẩm quyền, nhiệm vụ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 32 nhiệm vụ của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ.

 Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn họp về phân cấp, phân quyền địa phương 2 cấp thuộc lĩnh vực ngoại giao. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn họp về phân cấp, phân quyền địa phương 2 cấp thuộc lĩnh vực ngoại giao. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngoài các nhiệm vụ được dự kiến phân cấp trên, Bộ Ngoại giao đang thực hiện việc phân cấp một số nội dung chuyên ngành cho các địa phương thông qua việc sửa Nghị định 111/2011/NĐ-CP về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự; Quyết định số 06/2020/QĐ-TTg về tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam, Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài năm 2009 (sửa đổi bổ sung năm 2017), Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020...

Bộ này cũng giải trình cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn xin giữ nguyên như quy định hiện hành liên quan đến nhiều nội dung.

Cho ý kiến, nhiều bộ, ngành cũng tán thành với ý kiến của Bộ Ngoại giao về các nội dung phân cấp, phân quyền và không phân cấp, phân quyền với quan điểm đối ngoại là lĩnh vực đặc thù, cần được thống nhất quản lý từ trung ương tới địa phương; đây cũng là thực tiễn của các nước trên thế giới.

Đại diện các bộ, ngành cũng thống nhất cao với phương án trong dự thảo nghị định về xử lý thỏa thuận quốc tế nhân danh Ủy ban Nhân dân cấp huyện đã ký kết trước ngày 1/7/2025 theo hướng UBND cấp tỉnh kế thừa các thỏa thuận quốc tế của cấp huyện.

Tăng cường phân cấp từ Bộ Công Thương cho địa phương

Cũng trong chiều nay, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã họp với Bộ Công Thương về vấn đề phân cấp, phân quyền tại các văn bản quy phạm pháp luật thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ này.

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long thông tin, Bộ đã tiến hành rà soát tối đa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của ngành từ cấp luật, nghị định, quyết định, thông tư.

Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngành Công Thương cho thấy, có 109 văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thẩm quyền quản lý nhà nước của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã), trong đó gồm 7 luật; 36 nghị định; 5 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 61 thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Về nội dung rà soát cho thấy, tổng số nội dung quy định thẩm quyền tại các văn bản quy phạm pháp luật ngành Công Thương là 962 quy định/nhiệm vụ tại 109 văn bản, trong đó có đến 430 nội dung/nhiệm vụ là thẩm quyền của các cơ quan ở Trung ương trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm quy định chi tiết các văn bản quy phạm pháp luật cấp trên.

Tại dự thảo Nghị định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, đã thực hiện phân định lại thẩm quyền từ cấp huyện xuống cấp xã là 34 nhiệm vụ; từ cấp huyện lên cấp tỉnh là 8 nhiệm vụ trong 1 luật; 6 nghị định của Chính phủ.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục rà soát, đẩy mạnh việc đề xuất phân cấp phân quyền theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị. Dự thảo Nghị định về phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại đang có quy định phân cấp 122 nhiệm vụ tại các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh thực hiện.Cụ thể, phân cấp 89 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và 17 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Chính phủ cho Bộ trưởng thực hiện; 15 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương phân cấp cho Ủy ban Nhân dân tỉnh; 1 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công Thương phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Đại diện các bộ, ngành cho rằng, Bộ Công Thương cần rà soát lại các quy định, bởi có nhiều nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ không chỉ phân cấp cho Bộ trưởng Công Thương mà còn cần phân cấp cho nhiều Bộ trưởng khác, đồng thời phải thiết kế cơ chế chủ trì, phối hợp, phân định phạm vi bộ nào thực hiện.

Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường phân cấp từ Bộ Công Thương cho địa phương, bởi hiện đang tập trung đến 93,6% nhiệm vụ ở khối Trung ương, chỉ phân cấp 122/962 nhiệm vụ, trong đó phân cấp cho địa phương chỉ 16 nhiệm vụ, đạt 13%, chưa đảm bảo nguyên tắc Kết luận 155-KL/TW của Bộ Chính trị.

Kết luận nội dung này, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đánh giá, với lĩnh vực quản lý nhà nước rất rộng, rất nhiều lĩnh vực, trong bối cảnh phải triển khai cùng một lúc nhiều việc, Bộ Công Thương đã có cố gắng lớn trong triển khai chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ trong xây dựng dự thảo 2 nghị định về phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền lĩnh vực công nghiệp và thương mại.

 Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn họp về phân cấp, phân quyền địa phương 2 cấp thuộc lĩnh vực Công Thương. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn họp về phân cấp, phân quyền địa phương 2 cấp thuộc lĩnh vực Công Thương. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Phó Thủ tướng lưu ý, khi phân cấp, phân quyền phải nói rõ trong số 962 nhiệm vụ, những nhiệm vụ giữ lại các cơ quan Trung ương quản lý lý do tại sao, cơ sở nào? Bộ mới rà soát và phân cấp (chưa phân quyền) được 122/532 nhiệm vụ. Từ nay đến lúc trình dự thảo hoàn thiện vào đầu tuần tới để gửi sang Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ phải nâng được số các nhiệm vụ phân cấp, đi kèm với phân quyền cho các địa phương. 430 nội dung/nhiệm vụ là thẩm quyền của các cơ quan ở Trung ương phải chính xác, rõ ràng là không thể phân cấp.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, trong phân cấp, phân quyền của Bộ Công Thương có cả nội dung phân cấp, phân quyền cho các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước, Bộ cần rà soát bổ sung thêm ngoài nội dung phân cấp, phân quyền cho địa phương.

“Trong ngày mai đồng chí Bộ trưởng trực tiếp ngồi nghe báo cáo của các đơn vị trong Bộ, tiếp tục rà soát, đảm bảo được tối thiểu 50%, đi kèm cả phân cấp, phân quyền rõ ràng, để tạo môi trường thông thoáng, đảm bảo yêu cầu,” “lúc nước rút thì phải làm ngày, làm đêm,” Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng cũng chia sẻ với những vất vả của các bộ khi nhắc đến ý kiến của lãnh đạo Bộ Tư pháp cho biết không ngủ để tập trung dồn sức cho công việc này. Mấy ngày này các bộ, ngành dồn hết vào việc sắp xếp bộ máy, rất vất vả, thông cảm, nhưng đây là lúc phải làm - Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/pho-thu-tuong-bui-thanh-son-hop-voi-bo-cong-thuong-va-bo-ngoai-giao-post1040350.vnp
Zalo