Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh tham dự các phiên đối thoại với Hội đồng kinh doanh và CEO các tổ chức tài chính

Trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự chuỗi Hội nghị cấp cao ASEAN tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 9/4/2025, Đoàn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) do Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh dẫn đầu đã tham dự các phiên đối thoại giữa Thống đốc Ngân hàng Trung ương (NHTW) và Bộ trưởng Tài chính ASEAN với Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (EU-ABC), Hội đồng kinh doanh EU – ASEAN (EU-ABC), Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC), CEO của các tổ chức tài chính.

Đây là các sự kiện thường niên trong khuôn khổ chuỗi Hội nghị cấp cao về hợp tác tài chính, ngân hàng ASEAN nhằm chia sẻ quan điểm và trao đổi về các vấn đề mang tính chiến lược của khu vực.

 Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh và Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng tham dự các phiên đối thoại với Hội đồng kinh doanh US-ASEAN, EU-ASEAN và ABAC

Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh và Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng tham dự các phiên đối thoại với Hội đồng kinh doanh US-ASEAN, EU-ASEAN và ABAC

Phiên đối thoại với các Hội đồng kinh doanh

Tại phiên đối thoại với các Hội đồng kinh doanh, các Thống đốc/Phó Thống đốc NHTW và Bộ trưởng Tài chính ASEAN đã trao đổi với Lãnh đạo cấp cao của các Hội đồng kinh doanh về quan điểm, định hướng hợp tác về một loạt các vấn đề đang nhận được rất nhiều sự quan tâm hiện nay, bao gồm: Triển vọng và thách thức đối với thương mại và đầu tư tại ASEAN trong bối cảnh chính sách thương mại toàn cầu đang có những biến động lớn, đặc biệt là các chính sách của chính quyền Tổng thống Trump; Tăng cường năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng tại ASEAN; Xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng; Phát triển bền vững.

 Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh phát biểu tại phiên đối thoại với các Hội đồng doanh nghiệp

Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh phát biểu tại phiên đối thoại với các Hội đồng doanh nghiệp

Trong khuôn khổ phiên đối thoại, các Thống đốc/Phó Thống đốc NHTW và Bộ trưởng Tài chính đã truyền tải các thông điệp quan trọng tới các Hội đồng kinh doanh. Cụ thể, về thương mại và đầu tư, ASEAN cam kết thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối, tăng cường hợp tác kinh tế với các đối tác bên ngoài, củng cố khả năng phục hồi tài chính và hội nhập khu vực trong bối cảnh biến động và bất định của chính sách thương mại toàn cầu và tình hình địa chính trị.

Về phát triển bền vững, ASEAN tiếp tục cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đảm bảo quá trình chuyển đổi công bằng và có trật tự, kêu gọi các bên hỗ trợ lộ trình chuyển đổi của khu vực thông qua tài trợ, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực.

Về kết nối thanh toán, ASEAN cam kết mở rộng phạm vi và tăng cường sử dụng hệ thống thanh toán tức thời trong khu vực nhằm mang lại lợi ích cho người dùng, thúc đẩy thanh toán số và tăng cường hội nhập kinh tế - xã hội trong khu vực. Về chuyển đổi số, khuyến khích hợp tác về chuyển đổi số nhằm phát triển ngành tài chính, ngân hàng trong khu vực ASEAN.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh chia sẻ, chuyển đổi số không chỉ là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo và năng lực cạnh tranh mà còn là yếu tố then chốt thúc đẩy tài chính toàn diện và tăng trưởng bền vững. Đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính, quá trình số hóa đang tiếp tục định hình lại cách thức cung cấp dịch vụ, quản lý rủi ro và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trong bối cảnh đó, việc thúc đẩy thanh toán số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hài hòa hóa quy định và phát triển hạ tầng số xuyên biên giới được coi là các yếu tố then chốt để ASEAN hướng tới một nền kinh tế số tích hợp và có khả năng chống chịu tốt hơn. Phó Thống đốc nhấn mạnh sự cần thiết của việc ngăn chặn và ứng phó với gian lận, lừa đảo đảo – các vấn đề có tính cấp bách đối với khu vực.

Tại phiên đối thoại, Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh cũng đã chia sẻ về những tác động tiềm tàng của sáng kiến Thực thể Kinh doanh ASEAN (ASEAN Business Entity - ABE) đối với các khuôn khổ/thỏa thuận hiện có trong ASEAN. Theo Phó Thống đốc, một trong các ưu tiên của ASEAN là thúc đẩy lưu chuyển dòng vốn để tạo thuận lợi cho cho hoạt động đầu tư và và thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, cách tiếp cận của ASEAN luôn dựa trên nguyên tắc đảm bảo sự cân bằng và thận trọng. Tự do hóa tài khoản vốn cần đi đôi với các cơ chế bảo đảm an toàn vững mạnh để đảm bảo quản lý dòng vốn hiệu quả cũng như bảo vệ sự ổn định của cán cân thanh toán. Đây không chỉ là vấn đề nội bộ của ASEAN mà còn là yếu tố then chốt trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà khu vực ASEAN nói chung và các nước ASEAN nói riêng đã tham gia.

Phó Thống đốc nhấn mạnh, mô hình doanh nghiệp ABE đòi hỏi phải có một hệ thống hạ tầng khu vực vững mạnh, bao gồm hạ tầng số, thể chế và quy định nhằm đảm bảo khả năng phối hợp thông suốt giữa các cơ quan quản lý của các nước. Đồng thời, việc thiết lập một loại hình mới với các ưu đãi kèm theo như ABE phải phù hợp với luật pháp hiện hành và các cam kết thương mại. Đặc biệt, Phó Thống đốc cho rằng ưu tiên hàng đầu là đảm bảo ổn định tài chính. Các sáng kiến như ABE cần tránh làm tổn hại đến ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô của các quốc gia thành viên, phù hợp với khả năng quản lý các rủi ro liên quan cũng như đảm bảo vấn đề pháp lý then chốt là phù hợp với nguyên tắc “Đối xử tối huệ quốc” (MFN).

 Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh tham dự và phát biểu tại phiên đối thoại với CEO của các tổ chức tài chính

Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh tham dự và phát biểu tại phiên đối thoại với CEO của các tổ chức tài chính

Phiên đối thoại với CEO của các tổ chức tài chính

Tại phiên này, các Thống đốc/Phó Thống đốc NHTW ASEAN đã trao đổi, thảo luận với CEO của các tổ chức tài chính về chủ đề đang nhận được nhiều sự chú ý hiện nay đó là phòng ngừa và ứng phó với các hành vi gian lận, lừa đảo tài chính. Theo chia sẻ của các đại biểu, trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu và tại khu vực ASEAN, nền kinh tế số đang mang lại nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng làm gia tăng các rủi ro về lừa đảo tài chính. Các hình thức gian lận số ngày càng tinh vi, đặc biệt là qua mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử, tin nhắn SMS và các ứng dụng nhắn tin OTT. Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng kỹ thuật “dụ dỗ” (social engineering) để khiến nạn nhân tin tưởng và chủ động chuyển tiền mà không nhận ra bản thân đang bị lừa. Theo ước tính của Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (Global Anti-Scam Alliance), khu vực châu Á thiệt hại 688,4 tỷ USD do các vụ lừa đảo tài chính trong năm 2024. Điều đáng lo ngại là các thiệt hại không chỉ về mặt tài chính mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin của người dân vào hệ thống thanh toán số và sự phát triển của kinh tế số bền vững.

Để phòng ngừa và ứng phó với các hành vi lừa đảo tài chính, nhiều ngân hàng trong khu vực ASEAN đã triển khai các biện pháp bảo vệ khách hàng như áp dụng hệ thống giám sát giao dịch thời gian thực để phát hiện các hành vi bất thường, tăng cường cảnh báo và giáo dục khách hàng về rủi ro gian lận, lừa đảo song hiệu quả vẫn còn hạn chế. Phần lớn các nạn nhân bị lừa do tin vào các chiêu trò tinh vi của kẻ gian, dẫn đến khó ngăn chặn dù có cảnh báo. Tỷ lệ thu hồi tiền sau khi bị lừa đảo cũng rất thấp, chỉ khoảng 5%, do tội phạm có thể rút tiền trong vòng chưa đến 30 phút. Trong bối cảnh đó, các đại biểu cho rằng cần có cách tiếp cận toàn diện hơn đó là xây dựng một “hệ sinh thái phòng chống gian lận, lừa đảo” thay vì chỉ dựa vào ngân hàng và cơ quan thực thi pháp luật. Ngoài ngân hàng, các bên liên quan như công ty viễn thông, nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, nhà sản xuất thiết bị và hệ điều hành đều phải có nghĩa vụ bảo vệ các hệ thống số khỏi sự lạm dụng của tội phạm.

Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu

Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh chia sẻ tại Việt Nam, khối lượng và giá trị giao dịch số tiếp tục tăng trưởng ở mức hai con số hàng năm song đi kèm với đó là những rủi ro, thách thức ngày càng gia tăng. Các đối tượng lừa đảo đang ngày càng lợi dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) để thực hiện các chiêu thức lừa đảo tinh vi, làm suy giảm niềm tin khách hàng và đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính. NHNN đã triển khai nhiều giải pháp để phòng ngừa và đấu tranh với các gian lận, lừa đảo tài chính như áp dụng xác thực sinh trắc học cho các giao dịch trực tuyến; ban hành các tiêu chuẩn an toàn thông tin mạng. Phó Thống đốc khẳng định gian lận và lừa đảo tài chính là vấn đề phức tạp và có tính xuyên biên giới, đòi hỏi cần tăng cường hợp tác khu vực để cùng phối hợp xử lý.

 Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh tham dự lễ khai trương triển lãm tiền tệ ASEAN

Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh tham dự lễ khai trương triển lãm tiền tệ ASEAN

Khai trương triển lãm tiền tệ ASEAN

Theo lời mời của Thống đốc NHTW nước chủ nhà Malaysia – Ông Abdul Rasheed, Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh cùng các Thống đốc, Phó Thống đốc NHTW ASEAN đã tham dự lễ khai trương Triển lãm tiền tệ ASEAN với chủ đề “Kỳ quan tiền tệ: Khám phá bức tranh văn hóa ASEAN” tại Bảo tàng và Phòng trưng bày nghệ thuật của NHTW Malaysia. Triển lãm trưng bày và giới thiệu về lịch sử tiền tệ của các NHTW ASEAN, các đồng tiền do các NHTW ASEAN phát hành cũng như các giá trị lịch sử, văn hóa ẩn chứa trong thiết kế của các đồng tiền. Triển lãm là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, hợp tác tốt đẹp giữa các NHTW ASEAN, đồng thời góp phần tôn vinh giá trị văn hóa và tài chính của khu vực.

Gian trưng bày các đồng tiền mẫu của NHNN

Gian trưng bày các đồng tiền mẫu của NHNN

Ngày 10/4/2025, Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh tiếp tục tham dự các Hội nghị Thống đốc NHTW và Bộ trưởng Tài chính ASEAN.

PV

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/pho-thong-doc-nguyen-ngoc-canh-tham-du-cac-phien-doi-thoai-voi-hoi-dong-kinh-doanh-va-ceo-cac-to-chuc-tai-chinh-162530.html
Zalo