Phó giáo sư Đặng Bích Hà, một nhân cách đáng kính
Phó giáo sư Đặng Bích Hà-phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về với tiên tổ lúc 0 giờ 50 phút ngày 17-9-2024, hưởng thọ 96 tuổi. Sinh thời, bà là điểm tựa tinh thần, là hậu phương vững chắc của Đại tướng. Đi sau 11 năm, bà theo ông về với thế giới người hiền, để lại niềm tiếc thương lớn lao về một nhân cách đáng kính.
Sinh năm 1928 tại Thanh Chương (Nghệ An), Đặng Bích Hà là con đầu của Giáo sư Đặng Thai Mai, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Viện trưởng Viện Văn học, một nhà giáo, nhà văn, nhà lý luận, phê bình văn học nổi tiếng. Ông nội là cụ Đặng Nguyên Cẩn, ông ngoại là cụ Hồ Phi Huyền đều là những học giả, những nhà yêu nước lớn. Các em của bà đều là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học, như: Đặng Thanh Lê, Đặng Anh Đào, Đặng Thị Hạnh...
Tên của bà, theo cắt nghĩa của người em gái-bà Đặng Thị Hạnh trong hồi ký "Cô bé nhìn mưa": “Tên của chị tôi có nghĩa là “ráng biếc”. Có lẽ sinh ra ở quê nội mà “ba tôi chắc đã nghĩ tới những ráng đẹp mà ba tôi thường ngắm vào các buổi ban mai trên bầu trời quê nhà”. Năm 1943, cô bé học trò Bích Hà theo trường tản cư về Thanh Hóa, năm 1945 thì trở về Hà Nội. Năm 1946, Bích Hà tốt nghiệp tú tài Triết học trường Lyceé Albert Sarraut và dự định đi du học Pháp, nhưng sau đó phải hủy vì chiến tranh.
Sau ngày hòa bình lập lại, Bích Hà học tiếp đại học. Khi đang làm cán bộ giảng dạy đại học, bà sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh, rồi tiếp tục giảng dạy Lịch sử tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hợp tác nghiên cứu với Viện Đông Nam Á. Ở môi trường nào bà cũng luôn được đồng nghiệp, học trò yêu quý bởi sự nhân hậu, khiêm nhường, giản dị, hết sức tinh tế trong ứng xử nhưng thẳng thắn, nghiêm túc trong nghiên cứu.
Thuở thanh niên, Võ Nguyên Giáp vừa là bạn, vừa là học trò của nhà giáo Đặng Thai Mai. Có khoảng thời gian dài hầu như trở thành người nhà, Võ Nguyên Giáp gắn bó với gia đình khi bé Hà mới 6, 7 tuổi. Được “anh Giáp” chăm chút, dạy bảo, chở đi chơi ở sân vận động Hàng Đẫy (khi đó gọi là Septo)..., bé Hà quấn quýt “anh Giáp”. Như nhân duyên mách bảo, có hôm “anh Giáp” nói đùa: “Anh sẽ cưới Hà bằng một đĩa xôi và một con gà”. Đầu năm 1944, bà Nguyễn Thị Quang Thái-vợ Võ Nguyên Giáp bị giặc Pháp bắt và hy sinh trong nhà tù Hỏa Lò. Năm 1945, Võ Nguyên Giáp gặp lại Đặng Bích Hà. Lời nói đùa vô tình năm xưa, nhiều năm sau thành sự thật. Cuối năm 1946, lễ cưới của họ được tổ chức giản dị. Cùng nhau đi trên con đường hạnh phúc, mối tình ấy nồng đượm yêu thương, trọn vẹn nghĩa vợ chồng.
Vừa là vợ chồng, vừa là bạn tri kỷ, tâm giao, họ là tấm gương về việc cùng nhau vun đắp tổ ấm gia đình riêng, lấy đó làm điểm tựa chắc chắn, vững vàng để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ vẻ vang mà Tổ quốc, nhân dân giao phó. Trong những năm chiến tranh, Đại tướng toàn tâm, toàn ý hết mình với công việc quân cơ đuổi giặc, mọi việc hậu phương chăm sóc con cái, gia đình hai bên, hầu hết do bà Hà đảm nhiệm. Thời gian đi qua nhưng tình yêu giữa họ mãi mãi tươi đẹp và tỏa hương hạnh phúc. Dù công việc bận rộn đến đâu, vào dịp kỷ niệm ngày cưới 27-11, Đại tướng luôn có hoa tươi thật đẹp tặng vợ-phu nhân Đặng Bích Hà.
Người viết bài này, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, may mắn là học trò của Giáo sư Đặng Thanh Lê và Phó giáo sư Đặng Anh Đào-những nhà giáo nổi tiếng của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và cả nước, nên thường được đến tư gia của hai giảng viên để học chuyên đề. Phó giáo sư Đặng Anh Đào lại là phu nhân của Trung tướng Phạm Hồng Sơn. Hình như biết tôi là bộ đội đã trực tiếp tham gia chiến tranh rồi mới đi học sau đại học nên Giáo sư Đặng Thanh Lê và Phó giáo sư Đặng Anh Đào có phần ưu ái hơn, giảng dạy, chỉ bảo kỹ càng, chi tiết, nhất là hay kể về chuyện tình yêu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Phó giáo sư Đặng Bích Hà. Một mối tình trong sáng hiếm có, vị tha rất mực, hy sinh cho nhau để cùng làm tốt nhiệm vụ.
Bà Bích Hà-người vợ rất mực yêu quý, chăm sóc chồng con, đúng nhất với nghĩa là “hậu phương vững chắc” để chồng yên tâm công việc đại sự quốc gia. Bà chăm ông đến từng chi tiết nhỏ, như Đại tướng thích ăn cay. Thế nên bữa cơm nào ông được ăn ở nhà là bữa ấy sẽ có mấy quả ớt đỏ tươi trên bàn ăn... Xưng hô giữa họ vừa ấm áp, gần gũi, thân tình lại vừa có gì đấy dí dỏm, hài hước chân quê. Đại tướng thường gọi vợ là “chị Hà”. Bà Hà lại vui vẻ gọi chồng là “Đại tướng”. Có lần người em gái Đặng Thị Hạnh hỏi chị: “Hạnh phúc của chị là gì?”. Không cần suy nghĩ, bà Bích Hà nói ngay: “Là có anh Văn”. Chỉ 4 chữ thôi, ngắn gọn, giản dị nhưng là cả một trời yêu thương, quý mến, kính trọng!
Cả Giáo sư Đặng Thanh Lê và Phó giáo sư Đặng Anh Đào, trong câu chuyện của mình đều thể hiện tấm lòng quý mến, yêu thương, khâm phục người chị cả Đặng Bích Hà. Dù đã là các nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu nổi tiếng nhưng mỗi khi có chuyện gì riêng tư, các em đều xin ý kiến, sẽ được chị cả giải quyết đâu ra đấy, thấu tình đạt lý. Không chỉ với các em, với bạn bè, đồng nghiệp, với mọi người nói chung, bà Bích Hà luôn ân cần, nồng hậu, chu đáo, chưa bao giờ thể hiện mình là phu nhân của vị Đại tướng nổi tiếng. Càng chưa bao giờ thể hiện một người “quan cách”, “quan liêu”... Phó giáo sư Đặng Anh Đào kể lần tới thăm chị cả, hai chị em cùng hát bài La Normandie (Vùng Normandie) nói về những hình ảnh đẹp, đầy chất thơ của một miền quê, có bóng dáng vùng Thanh Chương quê cũ. Chị cả cứ nhắc một ngày gần nhất sẽ về Thanh Chương... Một nhân cách như vậy thật xứng đáng được học tập, tôn vinh!
Người viết bài này lại được may mắn tiếp xúc, chỉ một đôi lần với cả Đại tướng và phu nhân. Là vì, ở ký túc xá Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có nhiều giảng viên ngành sử các trường đại học phía Nam ra học cao học và nghiên cứu sinh, biết tôi quen đường nên nhờ đưa ra nhà Phó giáo sư Đặng Bích Hà. Là dịp may, tất nhiên tôi nhận lời. Cũng tất nhiên, tôi cố được tiếp xúc với “cô Hà”, dù ít phút rồi phải về để cô làm việc với các trò. Lần ấy, cô cho tôi vài quả sấu và nói “cây nhà lá vườn” của cô, “em mang về ký túc xá cho các bạn...”. Cảm động vô ngần về sự chu đáo, ân tình, tôi bâng khuâng, ngây người, định thần mãi rồi bừng tỉnh... Ra đến cổng, ngước lên cây sấu cổ thụ trong vườn nhà Đại tướng, tôi cứ hình dung những nhân cách lớn cũng như những đại thụ sẽ tỏa bóng mát làm lớn những nhân cách khác.
Là cán bộ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi có điều kiện tìm hiểu, càng thấu hiểu, thấu cảm sâu sắc về mối tình thiêng liêng Võ Nguyên Giáp-Đặng Bích Hà. Những ngày dưỡng bệnh tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trong phòng Đại tướng luôn treo bức ảnh chân dung phu nhân Đặng Bích Hà. Cũng những ngày ấy, bà Bích Hà luôn gần gũi, chăm chút từng miếng ăn, giấc ngủ cho chồng. Họ đã đồng hành và cùng viết nên trang sử thật đẹp về tình yêu!