Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM thông tin về vụ bạo hành trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng
Ông Nguyễn Tăng Minh (Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết vụ việc xảy ra tại mái ấm Hoa Hồng là nghiêm trọng, hết sức đáng tiếc, khi đã phát hiện thì sẽ xử lý nghiêm...
Hôm nay (6-9), Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM tổ chức Đại hội đại biểu Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM nhiệm kỳ VIII (2024-2029).
Phát biểu khai mạc, bà Lương Thị Thuận (chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM) cho rằng tính đến nay Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM đã có quá trình hơn 35 năm tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở TP.HCM.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, dù có nhiều khó khăn Hội cũng đã vận động được nguồn quỹ hơn 24 tỉ đồng để chung tay đóng góp cùng xã hội, giúp đỡ cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn.
Theo bà Thuận, tuy có những kết quả đạt được nhưng cũng chưa an tâm, còn ray rứt với những yếu kém, tồn tại chưa khắc phục. Hi vọng trong tương lai sẽ phải có kết quả cao hơn để mang đến cho các trẻ có hoàn cảnh yếu thế có niềm vui, có thể tự lập, tự tin để mạnh mẽ phát triển bình đẳng trong xã hội.
Tại buổi này, ông Nguyễn Tăng Minh (Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM) cũng thông tin về vụ việc tại Mái ấm Hoa Hồng đang xôn xao dư luận những ngày qua.
Theo ông Minh, vụ việc xảy ra tại mái ấm Hoa Hồng là một việc rất đáng tiếc, lại còn xảy ra trước ngày khai giảng năm học mới.
Mái ấm Hoa Hồng được Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận 12 cấp giấy phép hoạt động ngày 7-7-2023 do bà Giáp Thị Sông Hương làm chủ, hồ sơ tại thời điểm đăng ký có 23 thành viên. Mái ấm này được phép nuôi dưỡng tối đa 39 trẻ. Tuy nhiên, tại thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra có tất cả 85 trẻ, vượt xa số trẻ được phép nuôi dưỡng và tại thời điểm đó có 16 cô giáo.
Ngay khi sự việc xảy ra, Sở đã cử đoàn xuống trực tiếp phối hợp với các cơ quan chức năng quận 12 để giải quyết vụ việc. Toàn bộ các bé đã được đưa đến các cơ sở bảo trợ trẻ em trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM; trong đó có 3 cháu phải nhập viện điều trị do tình hình sức khỏe.
Trong thời gian chờ đợi đưa về các trung tâm thì các đoàn thể quận 12, nhất là các chị em phụ nữ quận 12 đã đến để chăm sóc cho các bé. Cạnh đó, 85 trẻ cũng đã được tổ chức khám sức khỏe.
Ông Minh cũng cho biết, trước đó lãnh đạo quận 12 cũng cho biết mái ấm này quận đã trực tiếp kiểm tra 2 lần nhưng mỗi lần kiểm tra, giám sát cơ sở này đều đảm bảo số lượng theo quy định là 39 trẻ. Ông Minh cho biết kiểm tra có kiểm tra thường xuyên, kiểm tra đột xuất, kiểm tra chéo nhưng theo quy định hiện nay là phải thông báo. Vì vậy, khi biết được việc kiểm tra cơ sở này đã đưa các trẻ nằm ngoài danh sách đăng ký đi nơi khác.
Ông Minh cũng đề nghị làm rõ về việc cơ sở này kêu gọi đóng góp nhưng không nhận quà mà chỉ nhận tiền mặt qua số tài khoản chủ cơ sở mà không thông qua kế toán...trong khi những nhu cầu về sữa, bỉm quần áo... cũng rất cần thiết.
"Đây là vụ việc vi phạm Luật Trẻ em, là vụ việc rất nghiêm trọng, hết sức đáng tiếc, khi đã phát hiện thì sẽ xử lý nghiêm. Sở cũng cam kết sẽ tiếp tục theo dõi và có biện pháp đề xuất xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đúng người đúng tội", theo ông Minh.
Cùng vụ việc, bà Lương Thị Thuận cho rằng mái ấm này mở cửa tiếp khách hàng ngày, đến 22h mới đóng cửa cũng là lúc các em bị hành hạ. Vì vậy theo bà Thuận, các cơ quan quản lý không nên chỉ làm giờ hành chính, phải kiểm tra cả sau giờ hành chính...
Những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ VII
Tại hội nghị, báo cáo tổng kết nhiệm kỳ VII và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ VIII, bà Mai Thị Hoa (Phó chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM) cho biết: Trong giai đoạn 2018-2023, Hội đã vận động được hơn 24 tỉ đồng tiền mặt và quà tặng hiện vật bao gồm: nhu yếu phẩm, gạo, sữa, trang thiết bị, vật dụng, thực phẩm... có trị giá hơn 2 tỉ đồng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thuộc các dự án, hoạt động thiện nguyện.
Hội tổ chức triển khai các dự án đạt được các kết quả đáng khích lệ như nuôi dạy, chăm sóc tập trung 160 lượt trẻ; trang bị kiến thức, kỹ năng sống cho 13.000 trẻ em, thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn và học sinh. Hội hỗ trợ giáo dục 1.452 trẻ em, học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ 70 thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn học nghề và hỗ trợ 18 mô hình khởi sự kinh doanh (khởi nghiệp).
Hội đã hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho 840 trẻ em, hỗ trợ khẩn cấp về chăm sóc sức khỏe cho 46 trẻ em bị bệnh hiểm nghèo. Hỗ trợ vật chất như hỗ trợ khẩn cấp khẩu trang, nước sát khuẩn, dinh dưỡng, thực phẩm, sách giáo khoa, dụng cụ học tập..., cho gần 4.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Hội cũng đã phối hợp xây dựng, trang bị 11 phòng tham vấn tâm lý học đường cho học sinh. Phối hợp thành lập và vận hành hoạt động 4 Đội “Trẻ giúp trẻ” và 3 câu lạc bộ “Trẻ em nòng cốt” trên địa bàn quận 7, quận 8 và huyện Bình Chánh...
Hội còn có 2 mái ấm nhận nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em gái là nạn nhận hoặc có nguy cơ cao bị xâm hại, bị bạo hành; cung cấp dịch vụ cho nhóm trẻ có hoàn cảnh khó khăn tại TP.HCM...