Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền là ứng viên GS trẻ nhất ngành Y học

PGS. TS Trịnh Thị Diệu Thường sinh năm 1980, cô là chủ nhiệm của 3 đề tài nghiên cứu khoa học, tác giả của 116 bài báo khoa học được công bố.

Năm 2024, ngành Y học có 72 ứng viên được Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Trong đó có 3 ứng viên xét công nhận chức danh giáo sư và 69 ứng viên xét công nhận chức danh phó giáo sư.

Ứng viên nữ trẻ tuổi nhất xét công nhận chức danh giáo sư của ngành Y học năm nay là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Thị Diệu Thường - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Thị Diệu Thường hiện đang giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế. (Ảnh: Website Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở 3)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Thị Diệu Thường hiện đang giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế. (Ảnh: Website Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở 3)

Nữ phó giáo sư sinh năm 1980, quê quán tại xã Canh Tân, Huyện Hưng Hà, Tỉnh Thái Bình. Theo bản đăng ký xét công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, cô Thường tốt nghiệp cử nhân ngành Y học, chuyên ngành Y học cổ truyền tại Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 9 năm 2005.

Từ tháng 1 năm 2006 đến tháng 7 năm 2018 cô là giảng viên giảng dạy bộ môn Châm cứu, Khoa Y học cổ truyền – Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, nữ ứng viên cũng là bác sĩ điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở 3.

Giữa khoảng thời gian ấy, cô được cấp bằng thạc sĩ ngành Y học, chuyên ngành Y học cổ truyền tại Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 2 năm 2009. Cũng tại đây, tháng 4 năm 2014 nữ ứng viên được cấp bằng tiến sĩ chuyên ngành Y học cổ truyền.

Từ tháng 7 năm 2018 đến tháng 8 năm 2023, cô Trịnh Thị Diệu Thường là giảng viên cao cấp tại Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ tháng 8 năm 2009 đến tháng 8 năm 2023, cô tiếp tục công tác tại Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở 3. Các chức vụ nữ phó giáo sư từng đảm nhiệm có thể kể đến như: Phó Trưởng Khoa Y học cổ truyền; Trưởng Bộ môn Châm cứu, Khoa Y học cổ truyền; Trưởng Khoa Y học cổ truyền.

Nữ ứng viên giáo sư đã có 18 năm 6 tháng thực hiện nhiệm vụ đào tạo. Từ tháng 8 năm 2023 đến nay, cô Thường giữ chức vụ Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền - Bộ Y tế đồng thời là giảng viên thỉnh giảng.

 Thời gian, kết quả tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ trình độ đại học trở lên của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Thị Diệu Thường. (Ảnh chụp màn hình)

Thời gian, kết quả tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ trình độ đại học trở lên của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Thị Diệu Thường. (Ảnh chụp màn hình)

Tháng 3 năm 2018, nữ ứng viên được công nhận chức danh phó giáo sư ngành Y học và được bổ nhiệm chính thức vào tháng 3 năm 20198. Đến tháng 10 năm 2023, cô được tái bổ nhiệm.

Trong quá trình nghiên cứu khoa học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Thị Diệu Thường là chủ nhiệm của 3 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 2 đề tài cấp Tỉnh cùng 1 đề tài cấp Thành phố.

Cô đã hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Đồng thời, nữ ứng viên đã xuất bản 14 cuốn sách, tất cả đều thuộc nhà xuất bản có uy tín, số lượng sách giáo trình gồm 10 cuốn, 1 sách tham khảo và 1 sách chuyên khảo.

Ngoài ra, cô Thường cũng công bố 116 bài báo khoa học bao gồm 23 bài báo trên tạp chí quốc tế có uy tín. Trong số 116 bài báo công bố có 26 bài nữ ứng viên thực hiện trước khi được công nhận phó giáo sư và 90 bài thực hiện sau khi được công nhận.

Với nghiên cứu khoa học, 5 hướng nghiên cứu chính được cô tập trung khai thác bao gồm: Châm cứu phục hồi vận động sau đột quỵ; Nhĩ châm điều trị các bệnh lý thường gặp; Các hình thức châm cứu khác điều trị các bệnh lý thường gặp; Tiêu chuẩn chẩn đoán các hội chứng, bệnh cảnh lâm sàng và đặc điểm sinh lý của huyệt; Kết hợp Y học cổ truyền và Y học hiện đại trong khám phá, phát triển thuốc mới.

Bên cạnh đó, nữ phó giáo sư đã chủ trì, tham gia xây dựng 3 chương trình đào tạo, chương trình nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ của Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh và được đưa vào áp dụng thực tế, bao gồm:

Chương trình đào tạo trình độ Thạc sĩ định hướng ứng dụng, ngành Y học cổ truyền (chủ trì)
Chương trình đào tạo bác sĩ nội trú, ngành Y học cổ truyền (chủ trì)
Chương trình đào tạo đại học ngành Y học truyền (tham gia xây dựng)

 Một số chương trình ứng dụng khoa học công nghệ đã được đưa vào áp dụng thực tế do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Thị Diệu Thường chủ trì/tham gia xây dựng. (Ảnh chụp màn hình)

Một số chương trình ứng dụng khoa học công nghệ đã được đưa vào áp dụng thực tế do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Thị Diệu Thường chủ trì/tham gia xây dựng. (Ảnh chụp màn hình)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Thị Diệu Thường đã nhiều lần được khen thưởng trong quá trình công tác như Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm học 2007-2008 và liên tục từ năm 2013 đến năm 2022; Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023; Chiến sĩ thi đua cấp Bộ các năm học 2014-2016, 2017-2019.

Một số bằng khen nữ phó giáo sư được trao tặng gồm Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế các năm học 2014-2015, 2016-2017; Bằng khen của Ủy ban nhân dân Tỉnh Sóc Trăng năm 2016, 2019; Bằng khen của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh năm 2018 và Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ năm 2021.

Trong phần tự đánh giá về tiêu chuẩn và nhiệm vụ nhà giáo của ứng viên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Thị Diệu Thường cho biết, cô luôn đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của nhà giáo theo quy định Luật giáo dục, có phẩm chất đạo đức tốt, lòng yêu nghề và sự gương mẫu.

Cô luôn giảng dạy theo mục tiêu, nguyên lý giáo dục, thực hiện đầy đủ và có chất lượng các chương trình giáo dục; nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình, công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước; tham gia hội nghị, hội thảo.

Nữ phó giáo sư cũng đánh giá bản thân gương mẫu trong việc thực hiện nghĩa vụ công dân, quy định của luật pháp và điều lệ nhà trường; không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, nêu gương tốt cho người học.

Theo kế hoạch, từ ngày 21/10 đến 31/10, Hội đồng Giáo sư Nhà nước sẽ họp xét công nhận các ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024.

Lệ Nguyễn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/pho-cuc-truong-cuc-quan-ly-y-duoc-co-truyen-la-ung-vien-gs-tre-nhat-nganh-y-hoc-post246391.gd
Zalo