Phố cổ Nam Định: Vàng son phủ bóng thời gian

Nhắc đến phố cổ Nam Định người ta sẽ nhớ ngay đến những con phố 'Hàng' sầm uất, chuyên buôn bán, sản xuất các mặt hàng thủ công truyền thống.

Các khu phố cổ Nam Định được chụp vào năm 1909. Ảnh tư liệu.

Các khu phố cổ Nam Định được chụp vào năm 1909. Ảnh tư liệu.

Có một thời, nhắc đến phố cổ Nam Định người ta sẽ nhớ ngay đến những con phố “Hàng” sầm uất, chuyên buôn bán, sản xuất các mặt hàng thủ công truyền thống. Đến nay, sau hơn 100 năm, phố cổ Nam Định đã có nhiều đổi thay.

Một thời vàng son

Nam Định là đô thị có lịch sử lâu đời. Năm 1225, sau khi lên ngôi, nhà Trần đã đặt tên cho quê hương là Tức Mặc, thuộc lộ Thiên Trường (ngày nay thuộc thành phố Nam Định). Năm 1239, vua Trần Thái Tông cho xây dựng hành cung Tức Mặc để nghỉ ngơi lúc về thăm quê.

Đến năm 1262, hương Tức Mặc được nhà Trần đổi thành phủ Thiên Trường, cho xây dựng các cung lớn, cấp điền trang, thái ấp cho các quân vương, đưa mảnh đất Thiên Trường trở thành kinh đô thứ hai sau Thăng Long, đánh dấu cột mốc quan trọng đầu tiên cho sự phát triển của đô thị Nam Định sau này.

Nhà Trần suy vong, tại phủ Thiên Trường nhiều người trong dòng họ Trần phải thay tên, đổi họ, phiêu tán đi khắp nơi, sở lỵ hành chính của hành cung Thiên Trường cũng chẳng còn, cung điện, đền đài thành hoang phế. Nhưng người dân ở quanh khu vực này vẫn có cuộc sống khá sôi động.

Trong các giai đoạn lịch sử tiếp theo, dưới thời Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn, địa danh hành chính nơi đây có nhiều thay đổi tên gọi khác nhau, nhưng với vị thế địa lý, giao thông đường thủy thuận lợi, tại vùng đất cửa sông Vị Hoàng xưa (con sông đã bị lấp, ngày nay là khu vực trung tâm thành phố Nam Định) luôn có kho lương thảo, rồi có quân doanh lớn của triều đình phong kiến Đại Việt, nên tính đô hội liên tục được duy trì, dân cư ngày một đông đúc, thương nhân hiệp thợ, phố nghề tăng nhanh và kinh tế không ngừng phát triển.

Đến đầu thế kỷ 19, nhà Nguyễn lên nắm quyền, đã ghi nhận bước phát triển đáng kể ở vùng đất Nam Định khi thành cổ Nam Định được xây dựng. Đặc biệt, sau khi vua Minh Mạng cho đào con sông nối sông Hồng và sông Đáy, lấy tên gọi là sông Đào, thành phố Nam Định trở thành trung tâm thương mại, buôn bán giao thương sầm uất, là nơi giao thương nổi tiếng, thu hút thương lái từ các tỉnh trong cả nước.

Năm 1832 địa danh hành chính tỉnh Nam Định được xác lập. Với những lợi thế của vùng đất cửa sông, cửa biển và những sự kiện về biến đổi địa giới hành chính, người dân trong nội hạt và các tỉnh lân cận đã tập trung đến đây làm ăn, sinh sống ngày càng đông đúc.

Khi xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp xác định: “Chiếm được Hà Nội và Nam Định là chiếm được Bắc Kỳ”.

Bản đồ thành phố do Henri-Rivìere vẽ sau khi quân Pháp chiếm đóng Nam Định năm 1883 cho thấy vùng đất phía Đông và phía Nam thành cổ trước những năm cuối thế kỷ 19 đã hình thành các đường - phố ngang, dọc, với khoảng hơn một vạn dân sinh sống.

Trước Cách mạng tháng 8/1945, Nam Định từng có 40 phố, trong đó, có 35 phố “Hàng” nức tiếng sầm uất một thời như phố Hàng Cót, Hàng Rượu, Hàng Thiếc, Hàng Cấp… Nơi nào buôn bán, sản xuất mặt hàng gì thì phố mang tên mặt hàng đó. Trên đường phố dài có thể có nhiều phố “Hàng”. Hầu hết các phố cổ nằm ở phía Đông và phía Nam thành cổ Nam Định.

Tại các trục đường, phố ven sông Vị, người dân thường cụm lại theo các nhóm chuyên sản xuất, buôn bán từng loại mặt hàng như luồng, nứa, tre, đan cót, bồ, sọt, thúng… đặt là phố Hàng Cót, rồi Hàng Nâu (củ nâu nhuộm vải).

Người Bát Tràng - Gia Lâm đưa hàng xuống bán thì lập Hàng Bát, các phố tiếp theo là Hàng Mâm bán mâm gỗ, chõng tre; Hàng Song bán song, mây, lá gồi để lợp nhà.

Bên cạnh những phố nghề thủ công, buôn bán, Nam Định xưa còn có các khu chợ đầu mối, là nơi giao thương nổi tiếng, thu hút thương lái các tỉnh trong cả nước.

Chợ to, đông vui nhất là chợ Rồng. Trước đây, giữa phố là chợ Rồng thì cuối phố là bến Đò Quan bên bờ sông Đào (nay là chân cầu Đò Quan) tấp nập thuyền bè buôn bán.

 Thành phố Nam Định ngày nay.

Thành phố Nam Định ngày nay.

Những chiếc thuyền đinh to lớn chở hàng hóa nối liền với từng dãy bè gỗ, bè luồng, nứa trên chất củ nâu, lá gồi từ mạn ngược đưa xuống là nguồn cung cấp hàng hóa cho chợ Rồng và các phố buôn bán hoặc làm nghề thủ công. Vì thế, trên những con đường từ bờ sông vào chợ đã thành nơi sinh sống và sản xuất của các gia đình làm nghề.

Từ chợ Rồng ra bờ sông Vị Hoàng là các phố Hàng Nón, Hàng Khay, Hàng Quỳ, Hàng Tiện, rồi đến Hàng Cấp dệt các loại vải quý. Ra bờ sông Vị Hoàng còn một đường phố gồm Hàng Đường và Hàng Đồng.

Chợ Rồng lên phía Bắc có phố Hàng Mắm, Hàng Gà. Từ bờ sông vào chân tường thành có một dãy phố chạy song song với Hàng Đồng gồm Hàng Thùng, Hàng Giấy, Hàng Mành, Hàng Cầm.

Về phía Nam thành cổ, trên bờ sông có các phố bến thuyền như Bến Củi, Bến Gỗ, Bến Thóc. Lùi vào phía trong là phố Hàng Nồi. Song song với bờ sông Đào là phố Hàng Sũ, Hàng Ghế và phố Hàng Thao. Từ trong thành đi ra sông Vị Hoàng là phố Cửa Đông. Từ Cửa Nam ra sông Đào gọi là phố Cửa Nam.

Cổng phía Bắc thành có phố Cửa Bắc. Thành cổ Nam Định có cửa Tây, nhưng không có phố Cửa Tây do ở phía này không có sông để vận chuyển hàng hóa (thời ấy giao thông đường thủy là chủ yếu). Về sau, phía Tây thành cũng không phát triển phố “Hàng” bởi Pháp đã chiếm vùng đất phía Tây (Năng Tĩnh) để xây nhà máy Sợi.

Con đường nối các phố với nhau chạy theo hướng Bắc - Nam từ chợ Rồng xuống sông Đào gồm Hàng Màn (vải Màn), Hàng Rượu, Hàng Thiếc, Hàng Đàn, Hàng Cau. Song song với dãy phố này còn một dãy phố nữa gồm Hàng Mã, Hàng Mũ, tiếp đến Hàng Giấy, Phố Khách, Hàng Lọng, Hàng Dầu.

Sở dĩ có Phố Khách là do người Hoa đến Nam Định làm nhiều đợt, họ ở tập trung ở một đoạn đường phố và chủ yếu buôn bán vải, lụa, nông sản, làm bánh kẹo, buôn thuốc bắc.

Dần dần, các phường buôn, phường nghề ở với nhau trong cùng một dãy lập đền thờ tổ nghề, hay đình thờ thành hoàng bản quán (quê gốc), đây còn là nơi hội họp của phường hội. Phần lớn đền thờ tổ nghề nằm trong phố nghề.

Năm 1897, để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, sông Đào được nạo vét, khơi thông đường thủy, khánh thành đường xe lửa tuyến Hà Nội - Nam Định, mở mang giao thông đường bộ, xây dựng nhà máy nước, nhà máy điện…

 Chợ Rồng Nam Định đầu thế kỷ 20. Ảnh tư liệu.

Chợ Rồng Nam Định đầu thế kỷ 20. Ảnh tư liệu.

Vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, ngành công nghiệp ở Nam Định đã hình thành và phát triển khá nhanh chóng. Cùng với Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đã biến Nam Định trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của Bắc Kỳ nói riêng và toàn xứ Đông Dương nói chung.

Trên cơ sở đó, ngày 17/10/1921, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định thành lập thành phố Nam Định. Nghị định này cũng chính là cơ sở để chính quyền Pháp xây dựng các công sở, trường học, nhà máy, xí nghiệp lớn đồng thời thực hiện quy hoạch, xây dựng các khu phố. Diện mạo đô thị thành Nam đã có nhiều đổi thay với sự kết nối hài hòa hai nét kiến trúc và văn hóa Đông - Tây.

Dưới thời Pháp thuộc, công trình nổi bật tại thành cổ Nam Định là nhà máy dệt được đầu tư xây dựng, tận dụng nguồn nguyên liệu và nhân công của nhiều làng nghề dệt thủ công truyền thống.

Đây là nhà máy dệt lớn nhất cả nước, đồng thời cũng là nhà máy dệt lớn nhất Đông Dương thời bấy giờ. Vào năm 1924, số công nhân của nhà máy đã lên tới 6.000 người. Đến năm 1939, nhà máy phát triển lên với quy mô 3 nhà sợi, 3 nhà dệt, 1 xưởng nhuộm, 1 xưởng chăn, 1 xưởng cơ khí, 1 xưởng động lực...

Cao điểm là thời kỳ sau năm 1975, nhờ có những giải pháp mạnh dạn thay đổi phương thức kinh doanh sản xuất như vay vốn ngân hàng, nhập khẩu máy móc, tơ, sợi và thuốc nhuộm để đa dạng hóa mặt hàng, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong nước hoàn thiện sản phẩm, Nhà máy Dệt Nam Định tạo công ăn việc làm cho tới gần 18.000 lao động, chiếm 10% dân số thành Nam.

Trong suốt thời kỳ dài thời bao cấp, Nam Định với ngành dệt may luôn là một trong số ít những thành phố công nghiệp lớn nhất miền Bắc, đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.

 Bến cảng Nam Định. Ảnh tư liệu.

Bến cảng Nam Định. Ảnh tư liệu.

Nam Định - Thành phố mới

Trải qua bao biến cải thăng trầm, ngày nay, thành phố Nam Định nhiều thứ đã thay đổi. Nền tảng kinh tế, xã hội của thành phố ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc. Các khu đô thị mới, các công trình giao thông kết nối liên vùng được đầu tư xây dựng. Cùng với đó, kiến trúc nhà cửa cũng đã thay đổi rất nhiều.

Trong khu phố cổ, các ngành nghề thủ công truyền thống dần mai một, nhường chỗ cho các hoạt động kinh doanh hiện đại. Các con phố “Hàng”, nơi từng là trung tâm buôn bán sầm uất và là cái nôi của nhiều nghề thủ công truyền thống cũng được đổi tên gần hết, không còn mang ý nghĩa đại diện cho các mặt hàng sản xuất hay buôn bán tại phố đó nữa.

Chỉ còn lại số ít các con phố vẫn mang tên cũ như Hàng Tiện, Hàng Cấp, Hàng Đồng, Hàng Cau, Hàng Thao nhưng hầu như chẳng còn sản xuất, kinh doanh những mặt hàng gắn liền với tên gọi như trước. Nếu không được chỉ dẫn, thế hệ trẻ khó có thể hình dung được các khu phố cổ Nam Định xưa.

Trên dòng sông Đào, con sông từng giúp thành Nam trở thành trung tâm thương mại, buôn bán giao thương sầm uất từ thời phong kiến, nơi từng chỉ có một cây cầu Treo bé nhỏ, sau này đã được thay thế bằng cầu Đò Quan và cầu Tân Phong là điểm kết nối giao thông bằng cầu cứng của thành phố với toàn bộ các huyện khu vực phía Nam tỉnh Nam Định, một vùng kinh tế động lực sôi động, sầm uất.

 Phố Hàng Tiện vẫn được giữ nguyên tên gọi nhưng không còn sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thủ công như xưa.

Phố Hàng Tiện vẫn được giữ nguyên tên gọi nhưng không còn sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thủ công như xưa.

 Cầu Song Hào bắc qua sông Đào sắp hoàn thành. Ảnh: Vân Anh.

Cầu Song Hào bắc qua sông Đào sắp hoàn thành. Ảnh: Vân Anh.

Đến nay, trên dòng sông này, ngoài hai cây cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu tải trọng lớn đã hoàn thành, đảm bảo giao thông vận tải liên hoàn từ thành phố tới các huyện và kết nối với các tỉnh lân cận, thành phố đang tích cực xây dựng cây cầu dây văng nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi.

Khi cây cầu này hoàn thiện đưa vào khai thác, không chỉ là một điểm nhấn cảnh quan kiến trúc đẹp, mà còn góp phần hoàn thiện hệ thống mạng lưới giao thông của thành phố.

Vân Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/pho-co-nam-dinh-vang-son-phu-bong-thoi-gian-post732267.html
Zalo