Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT Huế: Không được chủ quan trong công tác ứng phó mưa lũ

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Nguyễn Văn Phương vừa đề nghị chính quyền các địa phương và các ban ngành không được chủ quan, lơ là trong công tác ứng phó mưa lũ, phải đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho nhân dân cũng như các công trình hồ chứa.

Tại buổi đi kiểm tra tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế chiều nay, ông Nguyễn Văn Phường - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, mưa lớn đã gây ngập cục bộ tại nhiều tuyến đường, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.

Để đảm bảo công tác phòng chống lũ kịp thời, ông Phương yêu cầu lực lượng chức năng cần cử cán bộ trực tại các điểm sung yếu không để người dân đi lại tự do dễ ảnh hưởng đến tính mạng của người dân.

Đồng thời, tiến hành di dời ngay các hộ còn ở trong vùng ngập lụt đến vùng cao hơn (ở tạm nhà bà con làng xóm hoặc nhà văn hóa tổ, trường học...); không được chủ quan lơ là trong công tác ứng phó mưa lũ, tính mạng của con người là quan trọng nhất. Đặc biệt là đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương (trái) chỉ đạo công tác ứng phó mưa lũ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương (trái) chỉ đạo công tác ứng phó mưa lũ.

Do tình hình mưa lũ vẫn diễn biến bất thường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu lãnh chính quyền địa phương chỉ đạo một cách quyết liệt và có biện pháp mạnh đối với những hộ cố tình không di dời đến nơi an toàn.

Phải theo dõi sát sao, nắm chắc tình hình, chủ động đối phó với những diễn biến khó lường của mưa lũ với phương châm "4 tại chỗ”. Đặc biệt, ở những địa bàn có nguy cơ bị lũ quét, địa phương và các ngành chức năng có phương án cụ thể để tiếp tục di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện túc trực 24/24h để triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, từ ngày 11/10, tình hình mưa lớn trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài.

Hiện mực nước trên sông Hương tại Trạm Kim Long dưới báo động 2 là 0,41m; sông Bồ tại Trạm Phú Ốc dưới báo động 3 là 0,07m; sông Tả Trạch tại Trạm Thượng Nhật dưới báo động 1 là 0,21m. Triều cường và sóng cao nên khả năng thoát lũ chậm. Mực nước các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh đang vận hành đảm bảo an toàn.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thừa Thiên Huế đang triển khai tìm kiếm người dân còn mắc kẹt lại ở vùng trũng để di dời dân đến khu vực an toàn.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thừa Thiên Huế đang triển khai tìm kiếm người dân còn mắc kẹt lại ở vùng trũng để di dời dân đến khu vực an toàn.

Ông Phan Thanh Hùng - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết đến nay, triên địa bàn tỉnh có một người mất tích, 4 người bị thương, hơn 1.100 ngôi nhà bị ngập tập trung ở huyện Phong Điền; đã tổ chức di dời 296 hộ, 857 khẩu…

“Để tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống lũ lụt đề nghị người dân chủ động tích trữ lương thực, nước sạch, năng lượng dự phòng, sạc đầy điện thoại... đề phòng trường hợp xấu xảy ra. Các xe máy, ô tô ở khu vực thấp trũng, ngập úng cần có phương án tìm kiếm nơi cao ráo để đỗ… người dân cần hỗ trợ trong việc ứng phó với mưa lũ hãy gọi vào số điện thoại đường dây nóng 1900.1075 hoặc danh sách đường dây nóng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương để được tiếp nhận, hỗ trợ”, ông Hung cho biết.

THU NGA

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/pho-chu-tich-ubnd-tinh-tt-hue-khong-duoc-chu-quan-trong-cong-tac-ung-pho-mua-lu/20201009081735191
Zalo