Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: Bám sát quan điểm những gì đã chín, đã rõ, đồng thuận cao thì sửa ngay

Trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật cần quán triệt tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, bám sát quan điểm những gì đã chín, đã rõ, đồng thuận cao thì sửa ngay; những gì còn ý kiến khác nhau, chưa đồng thuận cao thì tiếp tục nghiên cứu... Đây là nhấn mạnh của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương khi phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND do Ủy ban Pháp luật và Tư pháp phối hợp với Hội đồng Dân tộc tổ chức sáng nay, 25.2.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao tinh thần chủ động, tích cực, cố gắng của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp trong việc phối hợp với các cơ quan tổ chức Hội thảo góp ý về dự thảo Luật.

 Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng gửi lời cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu đã tham gia hết sức trách nhiệm, góp ý nhiều ý kiến chuyên sâu, chất lượng, phục vụ trực tiếp quá trình tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật. Đồng thời, đề nghị, sau hội thảo, cơ quan chủ trì có báo cáo tổng hợp, rút ra những vấn đề cần nghiên cứu, những vấn đề lớn cần xin ý kiến.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật cần quán triệt tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, bám sát quan điểm, những gì đã chín, đã rõ, đồng thuận cao thì sửa ngay; những gì còn ý kiến khác nhau, chưa đồng thuận cao thì tiếp tục nghiên cứu...

"Những quan điểm đổi mới trong xây dựng pháp luật mà Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, các văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nhấn mạnh đến việc “chung", "khung", "thuộc thẩm quyền”; chuyển từ quản lý sang vừa quản lý vừa kiến tạo; phân cấp, phân quyền triệt để để "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm"; chống tiêu cực, lãng phí, thời gian, công sức của các cơ quan". Khẳng định những điểm nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: “Chúng ta đang trong giai đoạn chuyển đổi tư duy, chuyển đổi hành động, chuyển đổi quyết tâm, chỉ bàn làm không bàn lùi”.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Về khái niệm giám sát, nêu rõ đây là một chức năng, phương thức kiểm soát quyền lực và đích cuối cùng là để hoàn thiện chính sách, pháp luật, xem xét và giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, khái niệm trong dự thảo Luật phải trả lời được 3 câu hỏi: là gì, làm như thế nào và mục đích đạt được ra sao?

Về tổ chức phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc các Ủy ban tổ chức phiên giải trình rất nhanh, gọn, hiệu quả, do đó, cần xem xét kỹ lưỡng nội dung này trong dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần nghiên cứu thêm ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và các chính sách khi bổ sung các nguyên tắc trong dự thảo luật.

 Quang cảnh Hội thảo

Quang cảnh Hội thảo

Liên quan đến quy định về phối hợp giám sát việc thực hiện các thỏa thuận và điều ước quốc tế, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần xem xét quy định mang tính nguyên tắc và tùy theo mối quan hệ và địa bàn để phối hợp hoặc đơn phương giám sát. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu quy định theo hướng Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định hàng năm và trước mỗi kỳ họp Quốc hội đối với thời điểm xem xét thảo luận báo cáo.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cùng Hội đồng Dân tộc tiếp tục phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện dự thảo Luật với chất lượng cao nhất.

Trước đó, các đại biểu tập trung thảo luận về nhiều nội dung quan trọng của dự thảo Luật như: hoàn thiện khái niệm "giám sát"; làm rõ hơn nội hàm giám sát tối cao của Quốc hội; hoạt động giải trình tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; quy định về giám sát chung của các cơ quan dân cử; tổ chức hoạt động giám sát từ cơ sở, giám sát ngay trong quá trình thực hiện, kết hợp thường xuyên và đột xuất...

 Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K'đăm phát biểu

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K'đăm phát biểu

Có ý kiến đề nghị, nghiên cứu hoàn thiện nội hàm của nội dung giải thích từ ngữ tại khoản 1, Điều 2. Theo đó, cần xác định rõ khái niệm giám sát của Quốc hội, HĐND để định nghĩa trong dự thảo Luật nhằm làm rõ bản chất, mục tiêu của hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, gắn với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9.11.2022, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII.

Một số ý kiến đề nghị, nghiên cứu bổ sung quy định, hướng dẫn về việc HĐND, Thường trực HĐND cấp trên giám sát hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, UBND cấp dưới trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của luật.

 Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông phát biểu tại Hội thảo

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông phát biểu tại Hội thảo

 Đại biểu phát biểu tại Hội thảo

Đại biểu phát biểu tại Hội thảo

Đồng thời, bổ sung việc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định, hướng dẫn cụ thể hóa về vai trò, trách nhiệm của Tổ đại biểu HĐND, Tổ trưởng đại biểu HĐND, các hình thức, trình tự, thủ tục để Tổ đại biểu HĐND tiến hành giám sát và hệ quả đối với báo cáo kết quả giám sát của Tổ đại biểu HĐND.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm cho biết, Hội đồng Dân tộc sẽ cùng Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tiếp thu những ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo để rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tới.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/pho-chu-tich-quoc-hoi-tran-quang-phuong-bam-sat-quan-diem-nhung-gi-da-chin-da-ro-dong-thuan-cao-thi-sua-ngay-post405543.html
Zalo