Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm việc với tỉnh Quảng Ngãi
Chiều 18.4, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đã có cuộc làm việc với tỉnh Quảng Ngãi.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại cuộc làm việc
Cùng dự có Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan, Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Trần Thị Hồng An.
Về phía tỉnh Quảng Ngãi có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đặng Ngọc Huy; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang; đại diện Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ và các Sở, Ban, ngành...
Kiến nghị nhiều nội dung
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Quảng Ngãi. Là năm tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025; tạo nền tảng, tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030. Tỉnh cũng đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên.
Đây cũng là năm Quảng Ngãi xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để hoàn thành Kế hoạch đầu tư công trung hạn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tập trung giải quyết các dự án tồn đọng, các dự án đầu tư khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, triển khai ngay, hoàn thành đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.
Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ngãi tốc độ phát triển tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I.2025 ước tăng 8,07% trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,79%, khu vực dịch vụ tăng 7,26%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8,49%.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang phát biểu
Tại cuộc làm việc, tỉnh Quảng Ngãi cũng nêu những khó khăn, vướng mắc cần sự vào cuộc, tháo gỡ của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.
Trong đó, tại điểm b Khoản 4 Điều 24 Nghị định số 88/2024/NĐ-CP ngày 15.7.2024 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có quy định: “Kinh phí thực hiện dự án tái định cư hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội quy định tại điểm a khoản này được ứng vốn từ ngân sách nhà nước, Quỹ phát triển đất hoặc Quỹ đầu tư phát triển, quỹ tài chính khác được ủy thác hoặc từ chủ đầu tư tự nguyện ứng trước tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”.
Tuy nhiên, qua rà soát các quy định của Luật Đất đai năm 2024 và Luật Ngân sách nhà nước thì chưa có quy định về cơ chế tiếp nhận, sử dụng kinh phí và hoàn trả kinh phí khi nhà đầu tư tự nguyện ứng trước để cơ quan nhà nước xây dựng các dự án tái định cư. Vì vậy, Quảng Ngãi đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường có hướng dẫn cụ thể về cơ chế tiếp nhận, sử dụng kinh phí và hoàn trả kinh phí khi nhà đầu tư tự nguyện ứng trước để cơ quan nhà nước xây dựng các dự án tái định cư.
Hay tiêu chuẩn về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 16, điểm b khoản 2 và khoản 4 Điều 6 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP là khá cao, khó đáp ứng được trong thực tế.. Do đó, cần sửa đổi theo hướng phù hợp hơn với điều kiện thực tế của địa phương, bảo đảm công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng được triển khai thực hiện hiệu quả.
Quảng Ngãi cũng cho rằng Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29.5.2009 của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 3 năm học, học sinh chỉ được cấp dùng chăn, màn, chiếu một lần khi nhập học, trong khi các đồ dùng chăn, màn, chiếu dễ bị hư hỏng nên rất khó để học sinh sử dụng được trong suốt quá trình học tập tại nhà trường. Hiện tại, học bổng của học sinh được hưởng 80% của mức lương cơ sở (với mức lương cơ sở 2.340.000 đồng thì hưởng 1.872.000 đồng). Với mức hưởng hiện tại thì chất lượng bữa ăn các em chưa được bảo đảm vì vật giá leo thang. Nếu sử dụng hết mức hưởng 80% phục vụ cho 3 bữa ăn thì các em không còn tiền để chi phí sinh hoạt hàng ngày, nên cần xem xét điều chỉnh, bổ sung các quy định cho phù hợp với tình hình thực tế…
Sáp nhập sẽ tạo thành cấu trúc phát triển mới, bổ sung lợi thế phát triển
Theo chủ trương sáp nhập các tỉnh, tỉnh Kon Tum sẽ sáp nhập với tỉnh Quảng Ngãi và trung tâm hành chính - chính trị đặt tại Quảng Ngãi.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại cuộc làm việc
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương biểu dương những kết quả, thành tích mà cấp ủy, chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đạt được trong điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến, kiến nghị của tỉnh để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền kịp thời xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Với việc sáp nhập tỉnh Kon Tum với tỉnh Quảng Ngãi, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, khi hai địa phương này “về chung một nhà” sẽ tạo thành cấu trúc phát triển hoàn toàn mới, bổ sung lợi thế cho nhau; "những gì Kon Tum thiếu lại chính là thế mạnh của Quảng Ngãi và ngược lại". Sau sáp nhập, diện tích của tỉnh Quảng Ngãi mới sẽ xếp thứ 6/34 tỉnh, thành và có cả biển, rừng, đường cao tốc, cảng nước sâu, nông nghiệp, công nghiệp, du lịch…; sẽ sở hữu vị trí địa lý đặc biệt, vừa giáp biển Đông, vừa tiếp giáp với Lào và Campuchia. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển, giao thương quốc tế và bảo đảm an ninh quốc phòng. Về lâu dài, Quảng Ngãi có thể nâng tầm vị thế thành trung tâm liên kết vùng Tây Nguyên - Duyên hải - Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.
Về du lịch, việc kết nối Măng Đen (Kon Tum hiện nay) - nơi được mệnh danh “Đà Lạt thứ hai” với đảo Lý Sơn, biển Mỹ Khê, cảng Sa Kỳ… của Quảng Ngãi sẽ tạo nên sản phẩm du lịch “rừng - biển - đảo” hấp dẫn, đầy tiềm năng.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Quảng Ngãi cần làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và HĐND các cấp; triển khai các quy định mới của pháp luật có liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; tích cực tham gia ý kiến, đóng góp vào một số nội dung sẽ được thảo luận, xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Chín tới đây. Đồng thời, chuẩn bị và tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng; chuẩn bị và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.